Việc vận động học trò ra lớp, dùng tiền cá nhân mua bút, sách vở và cả quà để “dỗ” học trò là những câu chuyện xúc động diễn ra thường ngày của các thầy, cô giáo. Và đẹp hơn cả, nhiều thầy cô đã dành rất nhiều thời gian, công sức để trò nào cũng có thể học hành tấn tới, làm chiếc bản lề mở ra phía ánh sáng, khép lại phía bóng tối, giúp ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) thành phố từ thực hiện mục tiêu “không có người mù chữ” thành “không có học sinh bỏ học”.
Cô giáo Trần Thị Đệ trao đổi bài học với HS ngoài giờ lên lớp. |
Kiên trì, nhẫn nại để có trò giỏi
Giúp đỡ, bồi dưỡng cho học sinh (HS) yếu kém đã trở thành một nhiệm vụ xuyên suốt của ngành GD-ĐT để vừa nâng cao chất lượng dạy-học, bảo đảm “thầy dạy thật, trò học thật” và hơn hết cả, là để HS không bỏ học vì không thể theo kịp chương trình. Điều khó khăn nhất của những GV đứng lớp là phải lựa chọn phương pháp truyền thụ sao cho học trò hứng thú với việc đến lớp. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải có sự kiên trì, nhẫn nại, xuất phát từ tấm lòng của giáo viên.
Năm học 2009-2010, cô giáo Trương Thị Thu Thủy (Trường tiểu học Võ Thị Sáu) được phân công giảng dạy lớp 3/1. Lớp của cô giáo Thủy có một HS khuyết tật và một HS học rất yếu. Bài khảo sát chất lượng đầu năm học, ở môn Tiếng Việt, cả hai em đều viết sai hơn 15 lỗi, không viết hoa tên riêng, không biết trình bày một đoạn văn. Chất lượng bài làm môn Toán cũng không khá hơn bao nhiêu: kỹ năng tính toán chậm, sai nhiều, kể cả phép tính cộng, trừ đơn giản. Qua phân tích kết quả học tập kết hợp với việc tiếp xúc với gia đình, tìm hiểu đặc điểm tâm lý của từng em, cô Thu Thủy đã lập hồ sơ và xây dựng kế hoạch riêng để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em.
Trong các tiết học, cô điều chỉnh, xây dựng nội dung kiến thức, hệ thống bài tập riêng cho hai HS theo mức tăng dần độ khó. Cô cũng chú trọng đến bài tập nhằm phát triển trí tuệ, khả năng vận động và kỹ năng giao tiếp đối với em HS khuyết tật. Ngoài việc giao bài tập, cô phân công một số việc ở lớp như kiểm tra vệ sinh lớp học, tham gia múa hát tập thể, tham gia công tác Đội, Sao Nhi đồng. Hay thường ưu tiên cho các em trả lời trước lớp và cô giáo luôn khen ngợi, tuyên dương trước tiến bộ của các em… Nhờ vậy, cuối năm học, học lực của hai HS này đều vươn lên đạt mức trung bình, biết tự làm bài tập một cách tự tin hơn.
Cũng như cô Thu Thủy, năm học 2010-2011, cô Trần Thị Đệ (Trường tiểu học Ông Ích Khiêm) được giao chủ nhiệm lớp 4/1 có 6 em học lực yếu, trong đó có 1 em khuyết tật ngôn ngữ, học đâu quên đó, buộc cô phải thường xuyên luyện đọc, luyện trí nhớ cho em bằng cách nhắc lại thường xuyên bài cũ, tập tính mạnh dạn cho em trước lớp. Và đến cuối năm đó, cả 6 em HS đều có thành tích học tập tốt, không còn yếu kém. Theo cô Đệ, đó là “một niềm vui rất lớn, như trút được một phần nỗi lo, khi những cố gắng để chăm lo cho các em được đền đáp”.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (Trường THCS Trưng Vương), từng được giải đặc biệt tại Cuộc thi văn chương Pháp dành cho người nước ngoài năm 2010 lại kiên trì sửa từng lỗi nhỏ của HS trong suốt quá trình học. Từ lỗi dùng từ, diễn đạt, cấu trúc câu, lỗi phát âm… dù đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có sự kiên trì. “Tôi thường bắt buộc HS của mình mỗi ngày phải viết được một câu, chưa nói hay dở thế nào nhưng phải đúng ngữ pháp. Đúng, đủ, logic là yêu cầu tối thiểu trong diễn đạt”. Trong chuyến đi du lịch tại Pháp - phần thưởng của giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Dix mots de la Rencontre” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức năm 2008, cô Ngọc đã tranh thủ quay phim, chụp ảnh để làm tư liệu giảng dạy. Bắt nguồn từ tình yêu đối với văn học Pháp, giờ dạy của cô Ngọc càng có sức thu hút, làm dấy lên niềm say mê tiếng Pháp đối với những học sinh đang theo học thứ ngôn ngữ này.
Muốn cây xanh tốt phải chăm từ gốc
Tại Trường tiểu học Ông Ích Khiêm, đầu năm ngoái trường có 44 em học lực yếu, bằng sự kiên trì của thầy cô, sự nỗ lực của các em, cuối học kỳ I còn 21 em học còn yếu, nhưng đến cuối năm các em đều vươn lên trung bình hoặc khá. Cô Phan Thị Thu Ba, Hiệu trưởng trường cho rằng, mỗi năm trường đều đưa ra chỉ tiêu phấn đấu 100% HS lên lớp, có học lực khá, nhưng vẫn yêu cầu các thầy, cô dạy thực chất chứ không chạy theo thành tích, nếu không sẽ ảnh hưởng kiến thức cơ bản của các em, do vậy muốn cây xanh tốt phải chăm từ gốc.
Ngoài việc tổ chức dạy phụ đạo tại trường, Đà Nẵng đã tổ chức bồi dưỡng giúp đỡ HS yếu kém bằng nhiều hình thức như mô hình Lớp học tiếp sức đến trường, mô hình Câu lạc bộ bạn đồng hành… Và nói như ông Nguyễn Đăng Ngưng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, thì việc dạy làm sao để những HS yếu kém vươn lên trong học tập, tạo cho các em niềm say mê học, có ý thức học tập, muốn được đến lớp hằng ngày, sẽ tốt hơn rất nhiều việc để cho HS bỏ học, rồi phải đi vận động HS đến lớp trong khi các em không còn thiết tha đi học. Nên 3 năm trở lại đây, ngành GD-ĐT Hải Châu đề ra mục tiêu ngăn chặn HS bỏ học, hàng trăm em đã được thưởng 100 nghìn đồng/năm nếu từ học lực yếu vươn lên trung bình, khuyến khích và khơi gợi lòng say mê học tập trong các em.
Hiền Lương