.

Những nhà sáng tạo trẻ

.

Tại cuộc thi sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7 - năm 2011, do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức, thành phố Đà Nẵng có 8 giải pháp đoạt giải trong đó có 3 giải nhì, 3 giải ba và 2 giải khuyến khích.

Chào bạn trẻ trân trọng giới thiệu với bạn đọc giải nhì - mô hình “Mô phỏng đồ thị hình sin” của Nguyễn Ngọc Trâm Kha, sinh viên năm 1 khoa Sư phạm Vật lý, Đại học Sư phạm Đà Nẵng và giải ba - mô hình “Máy dọn rác thải trên mặt nước” của Đào Vạn Quang, học sinh lớp 11/17 - TN Trường THPT Phan Châu Trinh.

Mô tả ảnh.
Trâm Kha cùng bố và mô hình mô phỏng  đồ thị hình sin.

 

Ý tưởng từ môi trường sống

Hằng ngày, Quang nhìn thấy tình trạng vứt rác ra ao hồ còn nhiều, công nhân không thể vớt rác nổi lềnh bềnh ở xa bờ nên em cứ nung nấu ý định chế tạo mô hình “Máy dọn rác thải trên mặt nước”, nhưng em đành gác lại vì bận thi chuyển cấp.

Hết lớp 10, Quang bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực, sau nhiều ngày miệt mài cái máy được hình thành đem chạy thử lại không hoạt động. Quang quyết định mang thành phẩm đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố và được chỉ ra những chi tiết không hợp lý để sửa chữa. Lúc này, Quang gặp phải khó khăn về kinh phí: để hoàn thiện chiếc máy mất khoảng 7 triệu, nhưng gia đình không khá giả, ba là bộ đội phục viên, mẹ buôn bán nhỏ lại lo cho chị gái học đại học nên khá chật vật. Hơn nữa, sắp hết hè, sợ ảnh hưởng đến việc học của con, có lúc bố mẹ Quang không muốn cho em tiếp tục nữa. “Giữa trời trưa nắng thấy con ngồi khoan, tiện, mồ hôi nhễ nhại, đêm thì thức đến sáng thấy thương lắm, nhưng con quá đam mê nên lại ráng”, mẹ Quang cho biết. May mắn được “Quỹ sáng tạo Hồ Nghinh” hỗ trợ 2,5 triệu đồng, Quang đã hoàn thành chiếc máy. Nhưng khi cùng ba mang ra hồ Công viên 29-3 chạy thử thì máy lại bị chìm do phao không đủ độ giữ. Lại phải cân đối lại, đến lần thứ 4 thì máy chạy tốt.

Máy hoạt động trên nguyên lý tạo lực hút ly tâm, đưa nước và rác vào trong khoang chứa nhờ hệ thống xoắn ốc, rác sẽ được đẩy vào túi rác bằng lưới ở phía sau, khi nào rác đầy, người điều khiển chỉ việc bấm nút để máy vào bờ, lấy rác rồi thay bằng túi đựng mới. Hiện máy đang chạy bằng acquy với vận tốc 15km/giờ. Nhưng Quang dự định, khi nào có đủ tiền sẽ cải tiến máy như thay bình acquy bằng bộ thu nạp năng lượng mặt trời, từng bước tự động hóa hoạt động của máy.

“Em muốn được sáng tạo không ngừng, nhưng trước mắt em sẽ tiếp tục sáng tạo để tham gia cuộc thi này đến khi nào hết tuổi thì thôi”, Quang nói.

Cô gái mê Vật lý

 

Mô tả ảnh.
Đào Vạn Quang trong một lần đem máy đi chạy thử tại hồ Công viên 29-3.

“Những ngày còn học ở lớp chuyên lý Trường THPT Phan Châu Trinh, thấy mỗi lần dạy đồ thị hình sin, thầy giáo phải vẽ từng điểm và học sinh phải tưởng tượng ra cái đồ thị đó đang chạy trước mắt. Em nghĩ tại sao lại không làm một mô hình mô phỏng cái đồ thị đó để bài học sinh động, dễ hiểu hơn?”, băn khoăn đó khiến Nguyễn Ngọc Trâm Kha quyết tâm sáng tạo một mô hình mô phỏng hình sin.

 

Là thành viên của Hội mô hình giấy, Kha tìm hiểu rất kỹ trước khi làm, được bạn bè tư vấn cho nên dùng nguyên liệu gì, được thầy dạy lý Lê Trung Tiến góp ý các khâu hoạt động của máy, nhưng “Phải đến cái thứ ba mới thành công, nhưng em vẫn muốn cải tiến nữa để nó nhẹ hơn, dễ đưa vào các giờ học hơn”, cô gái 18 tuổi tâm sự. Ban đầu Kha làm thủ công bằng giấy foam (giấy làm mô hình của sinh viên kiến trúc), khi hoàn thiện máy chạy không trơn tru, mỗi lần muốn tạo hình đồ thị phải quay rất mạnh tay. Kha dành thời gian tìm hiểu lại nguyên lý hoạt động và chuyển sang dùng meca.

Lần này Kha phải “cầu cứu” sự trợ giúp của ba mẹ vì meca rất cứng, em không thể tự cưa được. Thế là ban ngày bận rộn với công việc của bác sĩ, tối về ba em lại kì cạch ngồi cưa, mài giúp con. “Suốt cả mùa hè năm đó, trong khi bạn bè hối hả lo học để thi đại học, còn em bù đầu với mô hình, nhiều khi cũng không biết phải làm sao. Cô giáo, bạn bè nói rằng đại học mới là quan trọng nhất, đừng nên tập trung vào mấy thứ mô hình đó, nhưng được ba mẹ ủng hộ, động viên em mới tự tin làm tiếp. Năm đó (2010), mô hình của em chỉ được chọn đi triển lãm quốc tế ở Hà Nội”, Kha cười khi nói về thành quả của mình.

Đi triển lãm về, tập trung vào ôn thi đại học nhưng vẫn bị ám ảnh bởi cái máy nên khi thi đại học xong Kha quyết tâm làm lại lần thứ ba: Em chọn khung nhôm và sắt làm vật liệu, đồng thời cải tiến thêm một bậc cao hơn để máy chạy bằng điện. Làm xong, em băn khoăn không biết có nên tiếp tục dự thi hay không thì mẹ nói: “Mình làm để khẳng định đam mê của mình, thắng thua không quan trọng”. Và lần này em đã đoạt giải. “Ít ra đam mê của mình cũng có người hiểu và công nhận. Khi biết tin có giải em còn vui hơn cả khi biết mình đậu đại học chị ạ”, Kha chia sẻ. Cô giáo trẻ tương lai cho biết, sắp tới mô hình sẽ được gửi đi tham dự Cuộc thi triển lãm sáng tạo trẻ tại Bangkok, Thái Lan vào đầu năm 2012.

Theo đánh giá của anh Bùi Phước Lai, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo Trẻ thành phố Đà Nẵng, hai mô hình nói trên là những sản phẩm được đánh giá cao vì rất mới và độ ứng dụng cao. “Đối với các em học sinh khi tham gia sáng tạo thì khó khăn lớn nhất là kinh phí, sau đó đến việc gia công, bởi hầu hết các máy đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, thủ công theo ý tưởng của mỗi người. Hiện nay nhờ có sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố  và “Quỹ sáng tạo Hồ Nghinh”, các em có điều kiện để sáng tạo ý tưởng của mình hơn”, anh Lai  cho hay.

NHẬT HẠ

;
.
.
.
.
.