.

Thầy tôi

Hơn 44 năm trôi qua, mỗi lần nghĩ về thời đi học, tôi cứ nhớ đến thầy Nguyễn Ngọc Anh, người thầy đã dạy tôi môn Sử - Địa hồi tôi còn học Trung học đệ nhị cấp trường Trần Quý Cáp, Hội An.

Thầy người Huế. Tác phong thầy luôn nghiêm chỉnh nhưng lại rất tự nhiên. Thầy nghiện thuốc lá nhưng chưa bao giờ thấy thầy hút thuốc trước học sinh. Nếu có điếu Pall Mall hay Bastos đen nào bị đốt dở, thầy dụi ngay trước khi vào với học trò.

Tôi chẳng hiểu có bao nhiêu bước lên lớp thầy áp dụng, nhưng thường thầy dành khoảng một phút đứng nghiêm giữa bục giảng, nhận sự chào đón của học trò, chào lại, rồi thầy mới bắt đầu công việc. Đây cũng là khoảng thời gian để lớp ổn định trước khi giờ dạy bắt đầu. Thường khi  kiểm tra bài cũ cũng như kiểm tra định kỳ hay thi lục cá nguyệt, thầy luôn có những câu hỏi mở rộng, buộc học trò phải đọc sách thêm hoặc động não dữ lắm với tư duy khái quát, tổng hợp cao mới có thể trả lời được. Học trò rất sợ nhưng cũng rất thích dạng câu hỏi này. Nhất là khi trả lời được yêu cầu mở rộng là cầm chắc điểm 19, 20 trong tay (hồi đó cho điểm đến 20). Chúng tôi có thói quen đọc sách nhiều từ đây chăng?

Còn khi giảng bài mới, dù là Sử hay Địa, thầy luôn bắt đầu bằng một bản đồ tự vẽ ở một phần tư góc bảng bên phải. Nhưng chỉ là mô hình tổng quát thôi, các chi tiết cụ thể sẽ được thầy vừa giảng vừa minh họa. Kỹ năng này của thầy thì không thể chê vào đâu được. Trong tay trái của thầy luôn có bụm phấn màu. Thầy đứng nghiêng người ở một góc độ có thể quán xuyến lớp vừa có thể vẽ được khi giảng. Hết giờ học thì trên bảng cũng vừa hoàn thành một bản đồ có đủ các đường phấn xanh, đỏ... đẹp như một bản đồ!

Tôi vẫn còn nhớ như in các mũi tên xanh đỏ chỉ đường tiến quân của Nhà Vua, của Đô đốc Bảo, Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết, Đô đốc Long... cứ nhích dần về hướng Thăng Long trong sự hồi hộp thích thú của học trò khi nghe thầy giảng bài Vua Quang Trung đại phá quân Thanh! Xong bài, thầy thả viên phấn xuống cũng là lúc học sinh xem như đã thuộc bài và nhớ đến bây giờ. Có lúc đang giảng, thầy bỗng dưng dừng lại hỏi một câu như trên trời rơi xuống mà thật thú vị. Chính cách vận dụng nhiều phương pháp tả - kể - phát vấn, hình dung quá khứ, tái hiện lịch sử... phong phú khác nhau mà giờ dạy của thầy vô cùng sinh động, hấp dẫn. Không căng thẳng mà sâu sắc, hiệu quả.

Tôi thích nhất là cái chất Văn trong giờ Sử của thầy. Không thấy sách nào nói, nhưng khi nghe thầy mô tả quân của Lý Thường Kiệt bận áo chẽn, quần cộc, ôm đoản đao lội qua sông Như Nguyệt giữa cái rét căm căm của mùa đông xứ Bắc để tập kích quân Tống thì khó ai không yêu nước được! Thầy dạy về những vùng đất nghèo khó mà đầy tình nghĩa, cũng như giàu của cải của đất nước;  những bài học về chiến công đánh ngoại xâm và xây dựng đất nước của cha ông ta như có lòng mình, hồn mình trong đó. Sau này, lớp tôi có nhiều bạn lên đường cứu nước, biết đâu lại bắt nguồn từ yêu một tiết học, một người thầy như thế.

Được học với thầy Nguyễn Ngọc Anh là điều “hên”. Các lớp khác bảo thế. Hên không thì không biết, có điều học với thầy... sướng thật! Có lần, thời khóa biểu ngày thứ năm và thứ sáu được nghỉ, thứ bảy mới có giờ trở lại, vào buổi chiều, vậy mà lớp đều không vắng bạn nào, trong đó có tôi, học trò xa nhất, phải đạp xe hơn ba mươi cây số từ Quế Sơn xuống để nghe thầy giảng bài, dù cho lớp tôi học ban Toán - Lý - Hóa chứ không phải ban Văn - Sử - Địa.

Hôm nay viết bài này như một kỷ niệm về Thầy, kỷ niệm của sự kính trọng và tri ân.

Phạm Úc
;
.
.
.
.
.