Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg quy định ngày 23 tháng 11 hằng năm là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”(NDSVHVN). Nhân dịp này, ĐNCT có cuộc trao đổi với ông VÕ VĂN THẮNG, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm về các nội dung bảo vệ di sản văn hóa.
Ông Võ Văn Thắng |
* Xin ông cho biết vì sao ngày 23 tháng 11 được gọi là NDSVHVN?
- Ngày 23-11-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL liên quan đến việc bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng được ban hành ngay trong thời gian đất nước vừa mới giành được độc lập. Trước đó, trong thời kỳ bảo hộ của thực dân Pháp, một cơ quan có tên là L’École Francaise d’Extrême-Orient do Tổng thống Pháp thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn các cổ tích tại Đông Dương. Sắc lệnh số 65/SL có ý nghĩa thể hiện quan điểm và khẳng định vai trò tiếp quản, tự chủ của Chính phủ Việt Nam độc lập trong công tác bảo vệ di sản văn hóa. Sắc lệnh quy định một tên gọi mới là “Đông phương Bác cổ học viện” thay thế cho “Pháp quốc Viễn đông Bác cổ học viện” bị bãi bỏ. Sắc lệnh duy trì các luật lệ hiện hành về bảo vệ di tích, cấm phá hủy các di sản văn hóa, đồng thời bảo đảm bố trí ngân sách của cả nước và các tỉnh cho công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, quan điểm tại Sắc lệnh số 65 đã được vận dụng, triển khai trong các chủ trương và chính sách của Nhà nước Việt Nam. Nhằm mục đích phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg quy định ngày 23 tháng 11 hằng năm là NDSVHVN; giao các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo tổ chức các hoạt động nhân NDSVHVN, bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao hằng năm và huy động các nguồn lực hỗ trợ khác để thực hiện những hoạt động này.
* Như vậy, NDSVHVN đã thực hiện được 6 năm, ông nhận thấy việc tổ chức này có tác động như thế nào đến công tác bảo tồn di sản?
- Yêu cầu đặt ra cho việc tổ chức NDSVHVN là giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; động viên phong trào thi đua; biểu dương, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, xã hội có nhiều việc, đất nước có nhiều “Ngày” cho nên hiệu quả cụ thể của từng “Ngày” cũng có giới hạn. Cụ thể như vào hạ tuần tháng 11 hằng năm, chúng ta có Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, rồi NDSVHVN; sự quan tâm của xã hội, sự đầu tư của Nhà nước cũng như việc tuyên truyền của cơ quan truyền thông cũng bị phân tán. Chủ yếu còn lại là các hoạt động gần như nội bộ của ngành văn hóa, cũng không mấy nổi bật và không gây ấn tượng mạnh mẽ đối với cộng đồng so với các hoạt động bình thường khác trong năm. Năm nay, một hoạt động do Bộ VHTT&DL chủ trì nhân NDSVHVN là “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản Bắc Trung Bộ tại Hà Nội 2011”, gồm các hoạt động triển lãm, tọa đàm và các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian của vùng Bắc Trung Bộ. Đối với từng địa phương thì tác động của NDSVHVN càng ít rõ nét.
Mỹ Sơn 2006, khu tháp B. |
* Trong rất nhiều loại “Ngày” của xã hội, là người đang quản lý một bảo tàng độc đáo của cả nước, ông cảm nhận cái hồn của NDSVHVN như thế nào?
- Trong hoạt động xã hội, việc đặt ra các “Ngày” là cần thiết để cộng đồng có sự tập trung quan tâm, tạo ra một ấn tượng sâu sắc, bền vững. Không chỉ tại Việt Nam mà ở phạm vi thế giới cũng có rất nhiều “Ngày”, như Ngày Lương thực, Ngày Môi trường, Ngày Dân số, Ngày Phòng chống HIV-AIDS, v.v… Sự ra đời của một Ngày có những nguyên nhân, nguồn gốc khác nhau.
Đối với NDSVHVN, như đã nói ở trên, nó đánh dấu thời điểm Việt Nam giành được độc lập, thể hiện quyền đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân ta trong việc bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc. Thật ra để hoàn thành trách nhiệm này không phải là chuyện dễ. Không chỉ có lòng yêu nước, có lòng tự hào là đủ, mà còn phải có hiểu biết, có trình độ. Muốn có hiểu biết, có trình độ thì phải được đào tạo và tự đào tạo. Chúng ta có của báu trong tay mà không biết giá trị của nó, không biết cách giữ gìn thì cũng hỏng. Ở các nước sớm có nền văn minh tri thức phát triển, các bảo tàng thường có nguồn gốc từ các sưu tập của các đại gia, hoàng tộc; vị trí của bảo tàng được đặt ở những nơi trung tâm, có kiến trúc đẹp; người làm công tác bảo tàng là những trí thức được xã hội quý trọng; từ đó bảo tàng trở thành tiêu biểu cho ý thức bảo tồn giá trị văn hóa của một đất nước. Ở nước ta do nhiều hoàn cảnh, bảo tàng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức dẫn đến việc cả cơ sở vật chất lẫn nhân lực làm bảo tồn, bảo tàng cũng còn nhiều bất cập.
Quay về trường hợp cụ thể của mình, Bảo tàng Chăm trước kia từng được quản lý bởi những học giả hàng đầu thuộc một cơ quan nghiên cứu khoa học của Nhà nước Pháp; các công việc sưu tầm, trưng bày, bảo quản, nghiên cứu đều được đầu tư, làm nên những kết quả rất cụ thể, có được những công trình nghiên cứu quan trọng có ý nghĩa lớn. Ngày nay chúng ta có được cái quyền quản lý nhưng còn yếu kém về nhiều mặt. Bản thân chúng tôi phải cố gắng nhiều để nhận biết giá trị và giữ được “viên ngọc quý trong gấu áo” của mình. Do vậy, điều tôi suy nghĩ nhiều trong NDSVHVN chính là cái ý tứ trong Sắc lệnh số 65 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là cái trách nhiệm của những thế hệ công dân Việt Nam độc lập, tiếp nhận và tự mình vươn lên có đủ năng lực và trình độ để gìn giữ di sản của đất nước.
Nguyên Mai (thực hiện)