.

Tấm lòng rộng mở

.
Ngày đón Phetmany Vannalat và Sabayphon Chanthavongxay về sống ở nhà mình, ông Nguyễn Nhi (tổ 37 Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đi cùng cậu “con trai” người Lào đã từng sống ở nhà ông 2 tuần hồi tháng 5, giờ đang học tại ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Ông cười, niềm vui lấp lánh trên đôi mắt: “Đợt trước chú có 2 con trai, giờ có 2 con gái. Vậy là có đủ “cả nếp cả tẻ””.

Mô tả ảnh.
Các nữ sinh viên Lào giới thiệu món Tam Maak Hung.
 
Hai tuần để thực hiện chương trình “Ở nhà dân dành cho sinh viên Lào-homestay” nhanh chóng trôi qua, ngày chia tay cận kề, cả hai vợ chồng ông Nhi cũng như Phetmany và Sabayphon đều nhận thấy thời gian quá ít để “bố mẹ và các con được ở gần nhau hơn, có thể giúp các con nói tiếng Việt được nhiều hơn”. Nhưng trong thời gian khá ngắn ngủi đó, các em đã có thể học tiếng Việt, nghe, nói giỏi gấp nhiều lần so với quãng thời gian từ khi sang Việt Nam du học. Sabayphon còn tự nhận mình trước khi đến sống ở gia đình “bố Nhi”, tiếng Việt khá yếu, mỗi lần nghe em phải dùng đến từ điển, nhưng bây giờ Sabayphon đã có thể nghe, nói trực tiếp, không cần Phetmany phiên dịch hay dùng đến ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh.

Ngoài thời gian lên lớp, Phetmany và Sabayphon có thể thực hành tiếng Việt ở bất kỳ lúc nào trong gia đình bố Nhi. Đó là khi bà mẹ Việt đi chợ về, hai em mang từ điển xuống, hỏi mẹ các loại rau, cá mẹ mua ở chợ về; khi giúp mẹ nấu ăn, hai em học tên các món ăn, cách nấu một số món  đơn giản hằng ngày để khi trở về ký túc xá, các em có thể nấu được món ăn Việt Nam. Các thành viên trong gia đình luôn sẵn sàng trò chuyện với các em, chỉ cho các em cách phát âm những từ khó, giải thích những thói quen, phong tục tập quán của người Việt để khi giao tiếp với bạn bè và những người xung quanh, các em không thấy bỡ ngỡ.
 
Mô tả ảnh.
Các sinh viên Lào tham gia trò chơi “đổ nước vào chai” trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu vực 1 Quang Thành 3B, phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu.
Bố Nhi dạy cho 2 cô con gái tiếng Việt, bù lại Phetmany và Sabayphon lại chỉ cho bố phần tiếng Lào và ông viết kín được gần 4-5 trang giấy. Đến bữa ăn, bố Nhi thường nhắc hai con “ăn nhiều vào, bố mới thích”. Và những lần sau, chỉ cần ông bố nói 3 từ đầu, hai cô con gái sẽ nhắc 3 từ sau và cười giòn tan. Phetmany Vannalat bộc bạch: “Bố mẹ Việt Nam rất giống bố mẹ Lào, không khí gia đình rất vui nên chúng em cũng đỡ nhớ nhà. Khi về ký túc xá, em sẽ rất nhớ bố mẹ”.

Trong 2 tuần ngắn ngủi ở nhà bố Nhi, bố mẹ của Phetmany và Sabayphon ở Lào đã gọi điện thoại sang cho bố Nhi nhiều lần gửi gắm con gái; các ông còn hẹn nhau sẽ có một dịp gặp mặt Lào-Việt trên đất Lào vào những ngày gần đây. Gia đình của hai em còn gửi sang tặng ông Nhi một cái giỏ đựng xôi của người Lào, dầu gió, chiếc khăn quàng cho bà mẹ. Hai cậu con trai trước đó cũng đã tặng cho bố mẹ Việt 2 đôi dép Lào và một lít mật ong. Những món quà tuy giản dị nhưng hàm chứa trong đó bao tình cảm trân trọng của những ông bố bà mẹ người Lào gửi cho ông bố bà mẹ người Việt tuy chưa gặp mặt nhưng như quen thân từ lâu lắm.

Sucsavan Udomsuc, 19 tuổi, đến từ tỉnh Khăm Muộn cho biết, em sống một mình trong gia đình bố mẹ Việt của chương trình homestay lần này. Một mình, nhưng Sucsavan cảm thấy rất vui, không cảm thấy lạc lõng trong gia đình, khi bố mẹ Việt rất quan tâm đến con, dạy cho em rất nhiều tiếng Việt, nấu cho em nhiều món ăn ngon và giờ thì Sucsavan rất thích món ăn Việt Nam. Lalita Phetxila, 18 tuổi, đến từ thủ đô Viêng Chăn lại nói được nhiều tiếng Việt nhất trong số các bạn Lào tham gia chương trình homestay lần này. Trước khi sang Đà Nẵng du học, Lalita đã có 3 tháng học tiếng Việt, và điều quan trọng là mẹ của em là người Việt, quê bà ở Nha Trang nên Lalita đã có 6 lần về quê mẹ thăm bà ngoại và họ hàng. Lalita cũng đã được đi nhiều nơi ở Nha Trang, Đà Lạt và giờ “em rất thích Đà Nẵng vì biển ở đây rất đẹp, từ lúc sang đến giờ khoảng gần 2 tháng và em đã tắm biển rất nhiều lần. Trong thời gian ở nhà bố mẹ Việt em học tiếng Việt, học nấu một số món ăn, em học được cách sống và cả kinh nghiệm sống nữa”.

Những sinh viên Lào khi tham gia chương trình homestay cũng được dịp trổ tài, giới thiệu với bố mẹ Việt một số món ăn Lào như món Tam Maak Hung, còn gọi là nộm đu đủ gồm dưa muối, đu đủ, trộn chung với ớt, tỏi, nước mắm, chanh; món tôm dâm cung (lẩu chua cay nấu bằng lá giang, sả), cá nướng… Lalita Phetxila cho rằng món ăn Lào lúc nào cũng đậm đà hương vị, nếu đã cay phải thật cay, mặn thật mặn và chua thật chua, và cô bé ví “như tính cách của người Lào vậy”.

Khi tiễn hai cô con gái về trường, ông Nguyễn Nhi cho biết dù đây là lần thứ 2, và nếu có nhiều lần thực hiện chương trình homestay, ông muốn nhiều em sinh viên Lào đến sống ở nhà mình, bởi khi các em đến, không khí gia đình rất vui, và điều quan trọng là khi về Lào, các em có thể nhận thấy bố mẹ Việt Nam tốt, người dân Việt Nam rất tốt với người Lào. Những đóng góp như của gia đình ông rất nhỏ bé nhưng đã góp sức giúp tình hữu nghị giữa hai đất nước ngày càng thêm gắn bó. Bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào thành phố Đà Nẵng mong rằng, trong từng khoảng thời gian ngắn thực hiện chương trình homestay, các sinh viên Lào sẽ có cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, gắn bó hơn với cuộc sống của người dân Đà Nẵng và quan trọng hơn hết, trong suốt 4 năm học ở thành phố này, các em sẽ có thêm một gia đình, thêm những người thân luôn quan tâm, giúp đỡ các em. Kể cả sau này khi trở về đất nước, các em vẫn luôn giữ tình cảm thân thiết với người dân Đà Nẵng.

Hoàng Nhung
;
.
.
.
.
.