.
Tản văn

Ngụ cư

Chị ấy quyết về Hội An ở sau gần bốn mươi năm xa Việt Nam, mang theo một ông chồng Pháp già lọm cọm. Tôi hình dung chị ở phố, trong căn hẻm nhỏ với những người láng giềng làm nghề nặn bánh bao bánh vạc, bánh ít lá gai, hay nấu cơm gà đưa ra phố bán.
 
Tôi hình dung chị ở nước ngoài về có nhiều tiền sẽ mua một căn nhà mặt tiền phố cổ, mở một gallery tranh thời thượng, trước hiên trang trí nhiều giỏ hoa treo và chiếc xe đạp, hay một restaurant có treo đèn lồng màu tím cho khác người ta. Tôi hình dung chị mỗi sáng mở tủ chọn một chiếc đầm di-gan bảy màu phết đất, dép nhựa, rồi ra góc ngã tư có cái “viu” ngắm mái ngói cổ đẹp, lẫn lộn trong đám tây ba-lô uống cà-phê cóc. Tôi hình dung chị ngồi trong ánh nến ở nhà hàng Hoa Anh Đào kiểu Nhật ăn bữa tối. Ôi chị thật là sung sướng. Chị, với cái chất Bắc phôi pha từ thuở cha mẹ di cư vào Sài Gòn những năm 1954, rồi bao năm ở nước ngoài, giờ đèo bòng thêm ông chồng Pháp, chọn Hội An là phải.

Nhưng chị báo tin không ở phố cổ, chọn ở làng. Tôi lo cho chị làm sao thành dân ngụ cư ở đấy, bởi rời phố cổ, người Hội An sẽ thành người nông dân chân thật. Tôi không biết hai cựu giáo sư đại học sẽ sống thế nào cho thoải mái và hòa hợp với người làng.

 Làng nằm ven phố cổ Hội An. Quanh năm hàng xóm trồng mai, cúc, ngày tháng lặng lẽ trôi dài bởi thời gian của làng tính theo mùa trăng sáng, trăng tàn để cắt hoa bó bán cho người ta chở đi bán cho người cúng rằm. Những ngôi nhà nhỏ lót gạch âm dương rêu phong gần như không có tiếng động. Ngoài vườn to mồm chính là bọn chim chào mào bu quanh mấy cây ổi chín. Người trồng hoa bao giờ cũng nhỏ nhẹ, có lẽ bởi quanh năm phải chăm sóc những thứ mỏng manh.
 
Chị góp vào không gian đó bằng một ngôi nhà mái ngói, tường gạch thẻ đỏ sậm và vườn xanh mướt. Chị bảo đó là ngôi nhà cho mình, và cho cả cộng đồng xung quanh. Hy vọng người đến sau cũng nhìn cái nhà xinh xắn này mà xây cái nhà tương tự, đừng bê vi-la biệt thự nhà lầu về đây. Chị cất váy di-gan ưa thích, mặc một bộ bà ba đi chợ làm hàng xóm ngỡ ngàng vì lâu ngày không thấy ai mặc như thế. Với ngôi nhà thanh bình ấy, với bộ áo bà ba cho hai vợ chồng, trong vòng hai năm chị có thêm sáu người hàng xóm mới. Một bà giáo sư người Nhật vì mê Hội An rồi chợt bắt gặp cặp vợ chồng Pháp-Việt đang sống tự tin trong xóm nhỏ đã theo chân về làng thuê một khoảng vườn.
 
Bà người Nhật  xây một ngôi nhà nhỏ  khiêm tốn, tường xây gạch trần, cầu thang gỗ, các cửa sổ cửa đi chớp lật làm theo mẫu từ Nhật Bản sang. Bà Nhật chinh phục cả làng bởi hệ thống xử lý và tái sử dụng nước thải. Nước thải xử lý xong được bơm ngược lên mái và cấp vào các bể cá, thả sen nước trên mái tầng 2, tầng 3. Rồi xóm nhỏ có thêm một dân ngụ cư mới, một Việt kiều đến từ Canada. Ông là chồng cũ của một nghệ sĩ rất nổi tiếng với cuốn hồi ký về đời tư riêng gây chấn động. Ông vào làng, lặng lẽ đặt một ngôi nhà mới theo ý riêng, nhà một tầng, gần như không có cửa. Hàng rào nhà là dăm viên đá mang tính ước lệ về không gian. Ngồi trong nhà có mái hiên, lò sưởi ấm, vẫn giống như đang ngồi sát mảnh ruộng trước nhà, tha hồ hít hà hương thơm của lúa non.

Hàng xóm qua tham quan, ai cũng khoái mấy người ngụ cư này có nhiều sáng kiến. Dân ngụ cư bỗng được nể trọng, dù các bà hằng ngày cũng cắp giỏ đi chợ nấu ăn, lại đi bằng xe đạp.

Tôi hình dung một buổi tối nọ, trong ngôi nhà của người trồng hoa trong làng, cụ ông bảo cụ bà: “Thì ra bà là người sung sướng cả đời vì được sống ở cái làng như thế này mà không biết. Đừng có nghe mấy đứa nhỏ đòi sắp quang gánh bồng bế nhau ra phố thị nữa, nghe không!”.

Khải Ly
;
.
.
.
.
.