.
Bếp Việt

Mắm tôm

Nói đến mắm Việt, không thể không nói tới mắm tôm. Nhớ tới mắm tôm, tôi lại nhớ tới ông cụ vợ tôi.

Ông cụ vợ tôi tuổi ngọ. Người ta bảo người cầm tinh con ngựa thích đi, không đi không chịu được. Với ai tôi không biết chứ đối với ông cụ tôi thì đúng như thế. Sở dĩ tôi nói điều này bởi một điều dễ hiểu là cái chân đi đến đâu thì cái miệng đi đến đó!

Vào cuối những năm bao cấp, vẫn tem phiếu, vẫn khó khăn chồng chất. Mỗi lần tôi ra Hà Nội, ông cụ vợ tôi lại đi mua các thứ. Nhà đầy người nhưng ông cụ cứ phải đích thân đi mua - vừa được đi, nhưng quan trọng hơn là ngầm nhắc anh con rể giữ gìn tình cảm của cô con gái ông cụ, tức vợ tôi, một mình theo chồng vào Nam. Phải công nhận ông cụ tinh tế và khéo hết chỗ nói. Mà ông cụ không bao giờ đi một lần. Lên câu lạc bộ Thăng Long mua can bia về, sau đó ra chợ mua đậu mơ, sau đó nữa đi tìm mua mắm tôm! Thực tình tôi áy náy, nhưng ông cụ vui vẻ, phấn khởi. Đậu mơ chấm mắm tôm, bình dân thì bình dân thật đấy, nhưng bảo đặc sản cũng không sai. Mùi mắm tôm nồng nàn, vị mắm tôm ngọt dịu, miếng đậu mơ mềm mại… Bỏ qua quan hệ gia đình giữa ông bố vợ và anh con rể, thì mắm tôm đậu mơ là của một bậc cao niên của mảnh đất nghìn năm văn vật đãi khách từ trong Nam ra.

Ông cụ tôi có lý! Cao lương mỹ vị có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào chứ mắm tôm, nhất là mắm tôm ngon, chỉ có thể bắt gặp ở xứ Bắc. Lý do thứ hai, đó là thứ mắm không giống với bất cứ thứ mắm nào khác trên trái đất này. Mùi vị của nó đặc trưng tới mức người chưa quen khó lòng cầm đũa. Nhưng đã một lần cầm đũa, lại không thể nào quên! Có thể nào thịt cầy lại không mắm tôm? Thậm chí khi nấu giả cầy nhất định phải có mắm tôm thì những miếng giò heo mới đủ sức “giả” miếng thịt cầy.

Bún cá Lã Vọng danh bất hư truyền, ngon tại miếng cá lăng cá chiên, nhưng vẫn phải nhờ chén mắm tôm để cái danh đó trường tồn. Bát bún riêu, bún thang hẳn sẽ không ngon không hấp dẫn như thế nếu không mắm tôm. Và rồi thực ra, miếng lòng luộc, miếng thịt heo luộc chấm nước mắm, chấm mắm tôm chua, chấm mắm rươi… không với thứ mắm nào không ngon, không đem đến một mùi vị khác lạ. Với các chén nước chấm khác nhau, miếng luộc ấy dường như là một miếng khác. Một cách nào đó thì các chén mắm đã chi phối món ăn mà trong đó mắm tôm là thứ chi phối mạnh nhất. Có một điều lạ, so với Huế chẳng hạn, người xứ Bắc gia vị chỉ hương hoa, lại dùng một thứ có mùi mạnh - “nặng mùi”, như mắm tôm!...

Đĩa bún đậu phụ mắm tôm ăn vào thời khắc nào trong năm cũng ý vị. Quả cà nghệ là thứ đưa cơm hữu hiệu trong một ngày hè oi bức. Nhưng muốn bảo đảm nồi cơm không dư, thì hãy bày bên cạnh chén cà một chén mắm tôm tiến mịn, khi đánh với nước cốt chanh và một chút xíu rượu trắng, ánh lên một màu tim tím…

Hoàng

;
.
.
.
.
.