.
Chuyện xưa xứ Quảng

Ông quan chống thi gian

.

Thi thế là một tệ nạn đã có từ xưa chứ không phải bây giờ mới có. Nhưng để bài trừ tệ nạn này cần có những ông quan đầy bản lĩnh như... Viện trưởng Đô sát viện Hồ Lệ.

 

Mô tả ảnh.
Quang cảnh trường thi ngày xưa. (Ảnh tư liệu)

 

Hồ Lệ tự là Trạch Hữu, hiệu Kim Khanh, biệt hiệu là Song Mỹ, sinh năm 1849 tại làng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên (nay là xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ 1860, dưới triều Tự Đức. Năm sau, ông thi Hội dù được điểm cao nhưng bài thi bị khiếm trang (thiếu sự kính trọng) nên không được xét đỗ.

Hồ Lệ trải qua nhiều chức vụ từ Hành tẩu, Lang trung, Biện lý... lên đến các chức vụ quan trọng như Tổng đốc, Thượng thư. Dưới triều Thành Thái ông giữ chức Tổng đốc Bình Phú (Bình Định - Phú Yên), An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), rồi về triều làm Đô Ngự sử, Thương biện Nha Kinh lược, Thượng thư Bộ Binh, Bộ Công. Ông là vị quan nổi tiếng thanh liêm, cương trực và hết sức nghiêm túc từ cách ăn mặc cho đến ngôn ngữ và hành động. Vua Thành Thái cử ông giữ chức Đô Ngự sử cũng vì các đức tính này. Làm Đô ngự sử là để đàn hạch quan lại trong triều ngoài nội và can gián nhà vua nhằm giữ nghiêm phép nước, vì vậy đòi hỏi phải là người trung chính, có uy tín và nhất là phải có bản lĩnh mới có thể hoàn thành được trách nhiệm.

Cả triều đình từ nhà vua, các đại thần trong triều cho đến các quan ở địa phương đều phải kính nể ông vì những đức tính này. Trong triều lúc đó thường truyền câu: “triều Lệ, các Lân” để nói về hai vị quan người Quảng nghiêm túc hàng đầu của triều đình và nội các. Còn trong dân gian thì truyền tụng câu ca dao: Làm quan mà chẳng ăn tiền,/ Như ông Hồ Lệ, chẳng phiền một ai.

Suốt cuộc đời làm quan, ông chưa bao giờ nhận quà cáp của ai. Gặp ngày lễ, Tết ai đem quà biếu dù chỉ là trà rượu ông cũng đều từ chối, tìm mọi cách để trả lại.

Nhưng có lẽ Hồ Lệ nổi tiếng nhất là nhờ luôn ra mặt chống đối tên Việt gian bán nước Nguyễn Thân và cương quyết trừng trị bọn thi gian.

Chuyện kể, năm 1903, dưới triều Thành Thái có tên Lê Tấn đã thuê người thi hộ mà đỗ cử nhân. Tuy nhiên, chuyện gian lận thi cử của y đã không qua được mắt ông Viện trưởng Đô sát viện Hồ Lệ nên học vị cử nhân của Lê Tấn bị tước bỏ.

Lê Tấn là con nhà giàu ở Nghệ An, kỳ sát hạch ở tỉnh không đỗ nên không được đi thi Hương. Y vào Huế, chạy chọt được vào học chữ Pháp tại trường Quốc học và nhờ trường Quốc học làm hồ sơ đi thi Hương khoa Quý Mão (1903) tại trường Thừa Thiên. Đến ngày thi, y thuê một ông tú tài ở Nghệ An giả danh Lê Tấn đi thi thế và thi đỗ. Khoa ấy lấy đỗ 32 người, ông Võ Hoành người Quảng Nam đỗ đầu, ông Nguyễn Thúc Khẩn - người Quảng Bình, đỗ thứ 32.

Đến ngày xướng danh, đích thân Lê Tấn đi lãnh áo mão. Các sĩ tử, nhất là những người quê ở Nghệ An, biết rõ Lê Tấn không thi mà đỗ, mà lại đỗ cao (thứ 11/32) nên rất bất bình.

Dư luận ấy đã đến tai ông Hồ Lệ lúc đó đang làm Viện trưởng Đô sát viện. Khi ấy Lê Tấn đã về quê vinh quy bái tổ, được đón tiếp linh đình, tiệc tùng thả cửa. Nhân danh Viện trưởng Đô sát, ông tâu lên vua, xin đòi Lê Tấn vào Kinh để hội đồng sát hạch lại.

Lê Tấn nghe tin, rất hoảng sợ. Một mặt y lẩn trốn theo ông tú đã đi thi hộ để tập bài, tập chữ cho giống với nét chữ đã viết trong bài thi, một mặt thân nhân của y vào Huế chạy chọt lo lót. Thân nhân của y đã đến được khắp các cửa, trừ chỗ ông Thượng thư Bộ Binh kiêm Viện trưởng Đô sát viện. Họ bèn nhờ đến Nguyễn Thúc Dinh đang dạy học cho các con ông Hồ Lệ bẩm với ông Hồ Lệ cho họ vô tạ lễ, nếu được họ sẽ biếu riêng ông Dinh một nghìn đồng.

Nhưng ông Dinh nhất định từ khước vì biết chắc không ai dám nói chuyện ấy với ông Viện trưởng người Quảng. Sau đó tỉnh Nghệ An đã đưa Lê Tấn vào Huế và Hồ Lệ tâu xin vua lập một hội đồng sát hạch có đủ Thượng thư của 6 bộ.

Hội đồng sát hạch ngồi tại công đường Bộ Binh. Ngoài sân có cắm cờ và lính gác nghiêm trang, các viên ngự sử lại qua kiểm soát đàng hoàng. Đề thi do sáu vị Thượng thư ra tại chỗ. Còn Lê Tấn thì ngồi trên chiếc chiếu trải ở góc trong bộ đường, có đủ dụng cụ để làm bài. Sau khi hội đồng chấm bài, thì thấy nét chữ trong bài có hơi giống nét chữ trong quyển thi nhưng chất lượng bài thì quá kém.

Hồ Lệ bèn tâu lên nhà vua xin tước bỏ học vị cử nhân của Lê Tấn. Trong tờ tấu có câu: “Bài hạch so với bài thi tuy nét chữ có hơi giống nhau nhưng văn lý thì cách xa một trời một vực. Tên Lê Tấn này, đáng tước bỏ tên trong danh sách cử nhân”.

Nhận được tấu trình, vua Thành Thái châu phê: “Tên Lê Tấn này, đem vào mạt hạng cử nhân cũng được”. Sở dĩ có lời châu phê như vậy, vì lúc ấy gia đình Lê Tấn đã tìm đủ cách lo lót với các bà ở Nội cung để tâu vua xin tha thứ cho y.

Tiếp được lời phê của nhà vua, Hồ Lệ liền dâng sớ can vua. Trong sớ có câu: “Tên Lê Tấn mà đỗ cử nhân thì thần không còn mặt mũi nào mà đứng giữa triều đình. Như thế công luận thiên hạ sẽ ra sao và còn gì là kỷ cương phép nước?”.

Trước sự cương quyết của Hồ Lệ, vua Thành Thái phải nghe theo và ra lệnh tước bỏ tên Lê Tấn trong danh sách cử nhân năm ấy.

Giới sĩ tử nghe tin rất hài lòng còn bọn quan lại ăn hối lộ phải một phen sởn tóc gáy.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.