.
Giới thiệu sách

Nơi về và những cuộc hành trình

.

Đã có bao giờ bạn cảm thấy ngực thắt lại khi nghĩ về nơi chốn mình đã được sinh ra, lớn lên, bắt đầu từ những bước đi đầu tiên đến những rung cảm đầu đời.

Một nơi mà ở đó có một gốc cây khế để bạn dựa vào khi vui, khi buồn, khi giận hờn bạn bè hay lúc dỗi mẹ; có một cây ổi quả nào cũng đầy dấu móng tay bạn bấm vào để… thử xem ổi đã chín chưa. Nơi đó, khi lớn lên, như bao người trưởng thành khác, bạn rời bỏ tổ ấm của mình như con chim sãi cánh giữa bầu trời, nhưng vẫn ấm lòng khi quay về. Nhưng rồi một ngày bạn không còn một chốn để quay về. Ngày đó là ngày bố mẹ đã không đủ sức để cầm cuốc, cầm dao, đến sống cùng con cháu ở phố. Ngày đó, bạn vĩnh viễn không còn nơi để quay về, hoặc có muốn thì “đi đến nơi đó như bao vị khách khác” chứ không phải là nơi để “về”… Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, trái tim như bị bóp chặt, muốn khóc, muốn gào lên thật to. Nhưng khóc hay gào thì người muốn về vẫn không có nơi để trở về.

Đó là những cảm giác rất thật của Đỗ Bích Thúy trong tập tản văn Trên căn gác áp mái. Ở đó có một “căn gác áp mái, chỗ đứng thoải mái nhất là nơi chính giữa, nối hai mái nhà với nhau, nhưng cũng chỉ cần giơ tay là chạm tới những viên ngói nâu, viên lành nằm lẫn với viên nứt. Và bên ngoài ô cửa nhỏ tí, bố tôi lắp bằng một mảnh kính kia, cách một vài ngọn cây là rừng mả. Đứng ở đó có thể thấy rất rõ những chú sóc đẹp như trong truyện cổ tích với cái đuôi rất dài, mắt tròn xoe, đen óng ánh, gặm một cách vội vã những thứ quả kiếm được…”. (Trên căn gác áp mái). Ngôi nhà của chị nằm giữa một thung lũng ở Vị Xuyên, Hà Giang với hàng trăm gốc cam trĩu nặng, vàng ươm mùa quả chín.

Những năm học ở Hà Nội, đến mùa cam chín là bố chị gửi về cho lũ nhóc quanh năm thèm ăn như chúng tôi. Và chúng tôi ăn sáng bằng cam, buổi tối tráng miệng bằng cam, rồi xuýt xoa “sao chúng mình giàu (đồ ăn) thế”. Ở mảnh đất ấy, Đỗ Bích Thúy lớn lên, làm bạn với những đứa bé người Tày, người Dao. Có nhiều người là nguyên mẫu nhân vật trong các truyện ngắn của chị, được dựng thành phim như Thương trong phim Chuyện của Pao. Nhưng Thương bây giờ “không biết đến tình yêu là gì, phim xem xong rồi quên, truyện đọc xong cũng quên nốt, chỉ cuộc đời là vẫn lộ diện ra đó, trần trụi và gian khó biết bao” (Chuyện của Thương).

Trong những tháng ngày lập thân, lập nghiệp ở Hà Nội, cái thung lũng yêu thương ấy vẫn hiện diện trong cuộc sống của chị, như nó vốn thế. Nhưng rồi một ngày, nơi thân thuộc ấy sẽ trở nên xa lạ. “Cứ nghĩ đến lúc sau này về Hà Giang mình sẽ như một vị khách như bất kỳ vị khách nào, phải ngủ ở khách sạn, phải uống nước máy, phải ăn cơm hàng, tôi lại buồn đến tê tái… Tôi sẽ phải đi qua nó, y như thể đi qua bố mẹ tôi, đi qua các anh tôi, đi qua chồng và các con tôi, như người mộng du, không dừng lại… Bạn có bao giờ hình dung, khi bạn trở về nhà, thì cánh cổng đã khép trước mắt bạn? Tôi sẽ không còn bước chân qua cây cầu nhỏ, bắc ngang con suối, dưới suối rất nhiều cá trèo đồi, hồi nhỏ tôi hay thức suốt buổi trưa, bắt cào cào làm mồi câu cá trèo đồi… Mảnh đất của tôi sẽ không còn là của tôi nữa. Ngôi nhà của tôi cũng không còn ở đó nữa. Chỉ có núi rừng là đứng yên. Núi rừng vô can. Núi rừng sẽ nhìn tôi như nhìn một người miền xuôi, lần đầu tiên hay lần thứ 10 lên vùng cao thì cũng như nhau cả” (Nơi về).

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, tự nhiên, giản dị nhưng sâu sắc và đậm chất nữ tính, chị viết về cuộc sống, về những kỷ niệm, ký ức của mình với thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Buồn có, vui có, hạnh phúc có mà tiếc nuối cũng có. Và trong tập tản văn có rất nhiều bài giống như một truyện ngắn. Những tản văn - truyện ngắn mang phong cách của Đỗ Bích Thúy: Truyện không có truyện, nhưng vẫn có kết cấu nhân vật, tình tiết và nhịp điệu câu văn, như Đi qua sông, Đá nứt, Ở phố, Tuổi thơ, Chiếc vòng bạc có hình hoa cúc, Cái chậu gỗ và dòng sông, Chảy dưới chân núi…

31 tản văn trong Trên căn gác áp mái của Đỗ Bích Thúy như một hành trình: nơi chị lớn lên, bay đi thật xa, những tháng ngày thân xác ở giữa Hà Nội nhưng trong một góc khuất của tâm hồn là mảnh đất có ba phía núi, một phía đường. Trên căn gác áp mái viết trong nỗi hoài nhớ và dù không còn nơi về nhưng tôi biết, Hà Giang đã ngấm vào máu chị, để khi trải lòng trên giấy, vẫn duy nhất mảnh đất ấy làm chị  sống thực với mình.   

Hoàng Nhung

* Đọc Trên căn gác áp mái, tản văn Đỗ Bích Thúy, NXB Phụ nữ, quý 3-2011.

;
.
.
.
.
.