Một lần, vào tháng 5, năm Kỷ Hợi 1299, Thượng hoàng Nhân Tông từ phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay) về Thăng Long xem xét việc triều chính, suốt cả buổi sáng vẫn không thấy vua con là Anh Tông ra mắt, hỏi ra mới biết nhà vua uống rượu xương bồ say vùi, cung nhân vào gọi mãi vẫn không dậy. Thượng hoàng nổi giận, đùng đùng bỏ về Thiên Trường, xuống chiếu nhóm cho các quan ngày mai đều phải tới phủ để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Mãi đến xế trưa Anh Tông mới tỉnh rượu, hoảng quá, đi bộ qua chùa Tư Phúc định khấn Phật cứu nạn thì bỗng gặp một nho sinh, bèn bảo: Ta vì quá chén mà đắc tội với Thượng hoàng, ngươi hãy thảo cho ta một tờ biểu tạ lỗi. Nho sinh vâng lời làm ngay. Anh Tông lập tức đem người này xuống thuyền, chạy suốt đêm về Thiên Trường dâng biểu tạ lỗi. Đến nơi, nho sinh quỳ dâng sớ. Thượng hoàng làm ngơ, nho sinh vẫn phủ phục ngoài thềm mãi đến chiều, mưa to gió lớn vẫn không đứng lên.
Thượng hoàng thấy vậy cảm động, sai đưa tờ biểu vào xem qua rồi nói với Anh Tông: Trẫm còn có con khác có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà còn như thế, sau này biết đến thế nào?!
Anh Tông cúi đầu tạ lỗi, Thượng hoàng lại hỏi ai làm bài biểu, Anh Tông tỏ thật. Thượng hoàng cho mời nho sinh vào ban lời khen, người này xưng tên là Đoàn Nhữ Hài. Về lại kinh sư, Anh Tông phong họ Đoàn làm Trung tán khi ấy mới 20 tuổi.
Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335) người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông làm quan trải ba đời vua Trần Anh Tông (1293-1314), Trần Minh Tông (1314-1329) và Trần Hiến Tông (1329-1341).
Tương truyền, ông nổi tiếng ham học ngay từ nhỏ, tay không lúc nào rời khỏi sách. Đến tuổi thiếu niên, ông lên kinh đô miệt mài sôi kinh nấu sử, lắm lúc đọc sách mải mê đến quên cả trời đất xung quanh. Trong một lần như thế, ông tình cờ được gặp vua Trần Anh Tông và cuộc hội ngộ ấy đã làm thay đổi đời ông như đã nói trên.
Năm 1312, ông đi sứ sang Chiêm Thành. Theo thông lệ trước đó, sứ ta phải lạy vua Chiêm trước rồi sau mới mở tờ chiếu, nhưng ông thì khác. Ông đi thẳng đến đặt tờ chiếu của vua lên án, rồi nói với vua Chiêm: Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau. Nói rồi, ông quay vào tờ chiếu mà lạy. Vua Chiêm lúc ấy đứng bên cạnh, có ý giận nhưng không bắt bẻ vào đâu được bởi lấy cớ lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà còn giữ khí tiết bất khuất của sứ quan.
Từ đó, noi gương ông, sứ thần nước ta không phải lạy vua Chiêm nữa. Sau sự kiện đó, ông càng được vua Anh Tông sủng ái. Tháng 12 năm Giáp Thìn (1304), ông được thăng làm Tri khu mật viện sự - một chức vụ rất quan trọng trong triều nhà Trần, thường chỉ giao cho những người tôn thất. Đó là ân sủng cao vời vua Anh Tông dành cho ông. Sau đó, ông còn được giao những nhiệm vụ quan trọng như việc đi phủ dụ hai châu Ô, Lý mới được nhập vào Đại Việt và đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa.
Sang đời Trần Hiến Tông, Thượng hoàng Minh Tông thân chinh đi đánh Ai Lao, ông làm đốc tướng. Vốn xuất thân là một văn quan, không có tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm trận mạc, ông bị đánh thua tan tác, bản thân ông sa xuống nước sông La mà chết. Sau khi mất ông được truy phong làm Thượng đẳng phúc thần, các làng trong huyện Gia Lộc như Hội Xuyên, Tăng Thượng, Phó Trào đều có miếu thờ ông.
Về sau, Đặng Minh Khiêm (1470 - 1532), một danh thần đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497) có thơ đề vịnh: “Tạ quá văn thành kết chủ tri,/ Sứ mao võ tiết dự khu trì./ Tự tòng nữu thắng kiêu tâm khởi,/ Tiết thủy giang hàn tráng sĩ bi”. Dịch thơ: “Tạ lỗi văn hay chúa biết tài,/ Cờ mao, cờ sứ ruổi dong hoài./ Sau khi quen thắng thành kiêu ngạo,/ Lạnh lẽo sông La khách thở dài”.
Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường bê-tông xi-măng dài 180m, rộng 5,5m (ảnh), nối từ đường Hà Huy Tập đến đường Nguyên Hồng, thuộc phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, theo Nghị quyết số 28/2003/NQ/HĐND ngày 11-1-2003 của HĐND thành phố về đổi, đặt tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC