.

Học cách yêu thương

.

“Khi mình đến với bạn bằng trái tim, có hành động tốt với bạn, thì làm sao bạn đánh em được?”, đó là câu nói của một học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Hiền. Tình cảm chân thành, sự yêu thương, tính kiềm chế, chia sẻ, giúp đỡ khi người khác gặp nạn… là những vấn đề rất bình thường trong cuộc sống. Nhưng đôi khi vì cái tôi cá nhân, có người không nghĩ đến người khác trong các tình huống xử sự, khiến họ bị tổn thương…

“Hở chút là… gây”

Bài học “Gây nỗi đau cho người khác” của nhóm Mực tím, Trường THPT Nguyễn Hiền.
Bài học “Gây nỗi đau cho người khác” của nhóm Mực tím, Trường THPT Nguyễn Hiền.

Một ngày giữa tháng 10-2009, vào giờ giải lao giữa hai tiết học, một HS Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng đã bị bạn cùng trường dùng kéo cắt giấy đâm nhiều nhát vào lưng ngay tại hành lang lớp học. Nguyên nhân được xác định là do một số học sinh hai lớp học gần nhau có mâu thuẫn từ trước, nhóm học sinh một lớp lôi kéo những HS lớp khác cùng tham gia…  

Cách đây hơn 10 năm, tôi từng chứng kiến một vụ va quệt xe trước cổng trường đại học của tôi ở Hà Nội. Hai bên đã lời qua tiếng lại, xông vào đánh nhau, một người đã lao vào hàng ăn gần đó xách dao ra rượt đuổi người kia chạy trên phố. Trong khi hai cô gái đi cùng hai thanh niên kia đứng rúm ró một góc đường không dám lên tiếng.

Đó là hai trong số hàng chục (có thể con số nhiều hơn thế) vụ cãi vã, tranh giành, thậm chí làm tổn thương nhau bằng hành động do những việc từ nhỏ đến lớn diễn ra hằng ngày. Và nếu sự việc vượt quá giới hạn, dẫn đến thương tích, tử vong thậm chí có thể ra tòa án, thì bên hại đến lúc đó mới tỏ ra hối tiếc cho hành động của mình. Những câu chuyện có vẻ là “vặt vãnh” giữa “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, và những người là sinh viên, công chức, dân lao động… nếu như chỉ là chuyện xích mích, cãi vã và dừng lại ở đó. Nhưng nhiều người hiện nay muốn giải quyết xung đột bằng vũ lực, muốn chứng tỏ mình đúng, chứng tỏ sức mạnh khiến người khác “trầy vi tróc vảy” mới hả dạ. Người ta đã quên đi một điều rằng, khi làm tổn thương người khác thì chính mình cũng bị tổn thương, để lại những “vết sẹo” trong tâm hồn, nhân cách, và nhìn ai cũng thấy cái xấu của họ hiện ra trước mắt mà quên đi phần tốt đẹp, nhân tính trong mỗi người.

Không chỉ HS nam hay giới đàn ông mới có cách hành xử dùng hành động thay vì lời nói, nhiều nữ sinh cũng giải quyết xích mích bằng cách đánh nhau, thậm chí hạ nhục nhau bằng đủ “chiêu” vô văn hóa, mà thỉnh thoảng phương tiện truyền thông đưa tin ở tỉnh thành A, B nào đó.

Cách đây gần 2 tháng, Trường THPT Nguyễn Hiền đã phải buộc thôi học một HS nữ lớp 10 vì một chuyện bé đã bị xé ra to. Vốn là hai nữ sinh trong một lớp lời qua tiếng lại khi nhận xét bạn mình mặc áo… lót không phải hàng hiệu. Một trong số hai HS đã kể chuyện này với phụ huynh, và hôm sau chị gái và bố HS đến trường tìm đánh HS kia. Ban Giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật trong một tâm thế không hề muốn.

Học cách yêu thương

Khi bị khiêu khích hay gặp xung đột, nhiều HS và cả người lớn đành ứng xử tự phát theo cách mà đường phố hay gia đình “dạy” các em. Hay các em “học” những điều xấu diễn ra hằng ngày ở nơi công cộng. Khi có đánh nhau ngoài đường, số hiếu kỳ đứng xem thì nhiều, số cổ vũ nhiều hơn số can ngăn. Kèm theo đó là hình ảnh những thiếu nữ ăn nói đanh đá, bốp chát và sẵn sàng phùng mang trợn mắt để giải quyết vấn đề. Hình ảnh này còn nhan nhản  trên phim ảnh, truyện tranh… Thay vì dùng lý lẽ để giải quyết những xích mích, mâu thuẫn, người ta lại dùng cách nạt nộ, chửi bới, thậm chí dùng tay chân. Từ đó hình thành một lối suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người: hung hăng là thắng thế.

Ở Trường THPT Nguyễn Hiền, đôi khi cô giáo nghĩ ra cách kiểm tra dụng cụ học tập để phát hiện hung khí; với những em chưa ngoan, nếu có một thành tích nhỏ cũng được biểu dương dưới cờ; cô giáo còn dùng cách đưa HS học yếu đi cùng mình “dự giờ” ở lớp học tốt hơn để mong em tiến bộ; thường xuyên tư vấn học đường; tìm hàng chục suất học bổng mỗi năm; viết thư gửi các lớp và làm gương bằng những việc làm của thầy cô… Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng giáo viên của trường đã rất tâm huyết với học trò mới nghĩ ra những cách giáo dục như thế, khi đầu vào của trường còn khá thấp. Và câu lạc bộ Mực tím của trường ban đầu chỉ có vài em tham gia, nay đã có hơn 40 thành viên. Mỗi tháng nhóm thảo luận về nhiều chủ đề. Như chủ đề “Gây nỗi đau cho người khác”, HS sẽ thực hiện bằng cách ghi cách làm đau người khác lên một mảnh giấy, dùng tay dán lên người bạn. Nhưng khi xóa nỗi đau đó, buộc HS phải dùng miệng gỡ miếng giấy ra. Thông điệp đưa ra: Khi gây nỗi đau cho người khác, bạn làm rất dễ, nhưng khi xóa nỗi đau đó, không dễ bằng một hành động hay lời nói…

Với cô Nguyễn Thị Pháp, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, thì nhiều năm áp dụng phương pháp tư vấn tâm lý cho HS và cả phụ huynh, cô trở thành “chuyên gia” tâm lý, với “liệu pháp” ngăn ngừa, đón đầu những hành động tiêu cực có thể xảy ra. Đến giờ chào cờ, trường tổ chức nhiều hoạt động như thi hát, thi thuyết trình, để cho HS nói, tập cho các em cách thể hiện trước đám đông; cân bằng giữa sinh hoạt ngoài trời và lớp học truyền thống. Trong khi đó, thầy Đặng Ngọc Lam, Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách công tác tư vấn tâm lý luôn bày cho HS nhóm các kỹ năng như kiềm chế cảm xúc, lòng tự trọng, cách giải quyết xung đột…

HS hiện nay đến trường không chỉ học kiến thức, mà còn học cách làm người thông qua các kỹ năng sống bao gồm những nội dung “lớn lao”  như thái độ với môi trường, với ma túy..., đến những nội dung “nhỏ” như thái độ với thuốc lá, thái độ thông cảm, cách ứng xử giữa người và người khi có xung đột xảy ra. TS Huỳnh Thị Thu Hằng, Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng nhiều gia đình hiện nay cho con theo học các lớp kỹ năng sống, nhưng thực ra cha mẹ cần học kỹ năng sống, và chính họ phải dạy kỹ năng sống cho con. Bởi cách hành xử vô thức của người lớn rất dễ là bài học cho con cái. Cha mẹ phải nhìn lại những phương pháp giáo dục đã từng áp dụng với con có phù hợp hay không để kịp thời điều chỉnh…

Hoàng Nhung

 

;
.
.
.
.
.