Ngày 14-12 vừa qua tại cột mốc 90°N của Trái đất, Chính phủ Na Uy và Ủy ban Quốc gia về khoa học của Hoa Kỳ đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày con người đặt chân lên Nam cực (còn gọi là Antarctica hay châu Nam cực), được xem là vùng bí hiểm suốt mấy vạn năm lịch sử loài người tồn tại trên mặt đất. Về phía Hoa Kỳ có một quan chức cao cấp của Ủy ban Khoa học Quốc gia còn về phía Na Uy thì đích thân Thủ tướng đến dự.
Nguyễn Trọng Hiền cắm cờ Việt Nam tại Nam cực năm 1994 (trên) và trước cột mốc Nam cực. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Cách đây 100 năm, ngày 14-12-1911, hai đoàn thám hiểm đã đến Nam cực, một của nước Anh được dẫn đầu bởi Robert Falcon Scott và một của Na Uy do Roald Amundsen dẫn đầu. Hai đoàn đã nhận hai số phận khác nhau. Đoàn của Roald Amundsen đã cắm được lá cờ của Na Uy lên Nam cực còn đoàn của Robert Falcon Scott đã vĩnh viễn nằm lại với băng tuyết vĩnh cửu của lục địa này. Xác của 3 người trong đoàn thứ hai hiện còn tại một căn lều ở nơi ngày trước họ hy sinh vì không chịu đựng nổi cái lạnh ghê người ở đây. Ngày 17-1-2012 sắp tới tại căn lều này cũng sẽ tổ chức lễ truy điệu cho những người đã hy sinh. Lễ truy điệu có sự tham gia của người chắt nội của Trưởng đoàn Robert Falcon Scott.
Trong đợt này cũng có rất nhiều người du lịch đến Nam cực, nhất là người Anh và người Mỹ. Theo Tiến sĩ vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền thì hiện ở Hoa Kỳ có tổ chức chuyên thực hiện những đợt du lịch đến Nam cực, giá vé có ba mức từ 50.000 đến 100.000 USD tùy theo quãng đường tham quan ở quanh cột mốc 90°N. Cũng theo Tiến sĩ Hiền, hiện nay là thời điểm “dân cư” Nam cực đông nhất với khoảng 300 người ở rải rác quanh cột mốc Nam cực và trong Trạm nghiên cứu Amundsen – Scott (Trạm nghiên cứu Nam cực thuộc Ủy ban Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, mang tên hai trưởng đoàn thám hiểm đầu tiên của thế giới đến Nam cực).
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền đang làm việc tại trạm nghiên cứu trên. Anh đến đây từ ngày 29-11 và sẽ làm việc ở đây 3 tuần cho đến sau ngày Noël mới về lại. Theo anh, việc nghiên cứu Nam cực sẽ có tác động rất lớn đến đời sống trên Trái đất vì tính chất đặc thù của môi trường ở đây. Chương trình bao gồm những tìm hiểu về ảnh hưởng của hai miền Cực Bắc và Cực Nam trên Trái đất đến khí hậu toàn cầu (mà lỗ thủng ở tầng ozon và hiện tượng ấm nóng toàn cầu được phát hiện lần đầu qua các quan sát vùng khí quyển tại Nam cực), các công cuộc khảo sát địa chất và sinh học ở môi trường lạnh, và các nghiên cứu khoa học cơ bản như thiên văn học và vũ trụ học.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền là người Việt Nam đầu tiên đến Nam cực và là người đầu tiên cắm cờ Việt Nam lên lục địa xa xôi và hoang vắng này. Anh sinh năm 1963 tại phường Hải Châu, thành phố Đà Nẵng và là cựu học sinh của Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng.
Sau khi tốt nghiệp THPT anh sang định cư ở Hoa Kỳ, tốt nghiệp Tiến sĩ vật lý thiên văn tại Đại học Berkeley và Đại học Chicago. Hiện nay anh là nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), giảng viên vật lý tại Viện Công nghệ California. Mấy năm gần đây, anh về tham gia giảng dạy (giảng viên thỉnh giảng) tại Đại học Huế. Tháng 9-1994 trong chuyến công tác lần thứ hai đến Nam cực, Nguyễn Trọng Hiền đã tự tay may một lá cờ Tổ quốc Việt Nam đem cắm tại cột mốc Nam cực cùng cờ của một số quốc gia khác.
Lần công tác này ở Nam cực anh đã cộng tác cùng Đài Tiếng nói Việt Nam, tranh thủ gửi nhiều thông tin về những hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày chinh phục Nam cực và ý nghĩa của việc nghiên cứu lục địa đặc biệt này của thế giới đến với đồng bào trong nước.
Lê Bình Trị