.

Sợi dây dài nhất…

Tôi nhớ có một lần, tại một kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh có nói một câu làm cả hội trường cười ồ, đại ý: “Có một loại dây rất dài mà không bao giờ rút cho hết, đó là “dây kinh nghiệm”! Ngẫm lại thấy rằng quả đúng như vậy!

Vào những dịp cuối năm trong những báo cáo tổng kết, những bản kiểm điểm cá nhân, tập thể… Một cụm từ thường hay thấy xuất hiện là “rút kinh nghiệm”. Điều đáng nói là, có những việc gây hậu quả nghiêm trọng đến mức gây chết người, gây thất thoát hàng tỷ đồng mà người ta vẫn chỉ… rút kinh nghiệm, không những một lần mà là năm này qua tháng nọ.
 
Nhiều khi cũng là một tồn tại, khuyết điểm đó nhưng người ta vẫn  tiếp tục rút… kinh nghiệm nhiều lần. Một bác sĩ tắc trách gây ra cái chết của bệnh nhân: rút kinh nghiệm; một lãnh đạo bị tố cáo vi phạm tư cách đạo đức, làm mất uy tín của cả một tập thể, đảng bộ ở đó cũng… rút kinh nghiệm; một dự án giao thông có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khánh thành chưa bao lâu thì đã xuất hiện lún, nứt, vậy mà ban quản lý dự án cũng chỉ bị xử lý ở mức yêu cầu “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Minh chứng “sinh động nhất” là chuyện “rút kinh nghiệm” của đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam tại Sea Games vừa rồi. Với kết quả thất bại ê chề ở Sea Games 26, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ngộ ra rằng “Đây là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam, hy vọng từ thất bại này, chúng ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để củng cố và xây dựng đội tuyển U23 vững mạnh hơn”. Cũng nên nhớ rằng, 20 năm tham dự Sea Games rồi mà chiếc Huy chương vàng môn bóng đá nam vẫn mãi chỉ là trong mơ, sau chừng ấy năm… rút kinh nghiệm!?

Xin lấy thêm một ví dụ cũng trong lĩnh vực thể dục thể thao nước nhà cách đây chưa lâu, dẫn chứng cho cái sự “rút kinh nghiệm” càng rút càng dài, càng… thụt lùi. Đó là chuyện tại Á vận hội (ASIAD) lần thứ 15, đoàn vận động viên Việt Nam đạt thành tích với 3 Huy chương Vàng thì đến ASIAD lần thứ 16, sau khi “nghiêm túc rút kinh nghiệm” số Huy chương Vàng của đoàn chúng ta là… chỉ còn duy nhất một chiếc! Quả là cái “dây kinh nghiệm” thật là dài!

Đành rằng không có ai toàn mỹ cả, có làm, nhất là làm nhiều thì không tránh khỏi sai sót, cũng như có vấp ngã, có thất bại mới có thành công… Nhưng sai sót nhỏ, khuyết điểm nhẹ không xử lý, uốn nắn, để tích tụ lâu ngày thành sai phạm lớn, vỡ lở ra rồi mới xử lý, mới khắc phục. Không thể vin vào đó mà lạm dụng chuyện “rút kinh nghiệm” để trốn tránh trách nhiệm, khỏa lấp yếu kém, bao che cái xấu. Thực tế cuộc sống đã có những bài học kinh nghiệm, thậm chí là “bài học xương máu” được đúc kết để qua đó, người ta làm tốt hơn, tránh được những “vết xe đổ”, sai lầm đã mắc phải, hạn chế tối đa thiếu sót ở lần sau…
 
Nhưng có những việc phải xử lý một cách nghiêm khắc, phải truy tố, phải ra tòa thì chỉ dừng lại ở mức rút kinh nghiệm!? Cái “dây kinh nghiệm” cứ “dài theo năm tháng” vì không năm nào, không báo cáo, không khuyết điểm nào mà người ta bỏ quên cụm từ đó. Chính vì vậy mà sự phát triển mang tính tích cực của bất kỳ một quá trình nào đó sẽ khó mà đạt được “tốc độ” như mong muốn. Nghiêm trọng hơn nó làm trì trệ thêm sự phát triển của xã hội, làm người ta dễ dãi hơn với những vấn đề mang tính sống còn bức thiết.

Cái giá phải trả cho việc “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” bằng sự thất thoát tiền và tài sản, công sức là rất lớn. Song, lớn hơn là lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước sẽ bị xói mòn, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” khó có thể trở thành hiện thực.

Dân Hùng
;
.
.
.
.
.