.

Theo dòng thư cũ

.

Với những người từng bước qua cuộc chiến tranh của dân tộc, lá thư tay luôn là kỷ vật vô giá, bởi nó chất chứa bao nhiêu tình cảm, vượt qua đạn bom để đến được tay người nhận. Bên cạnh những lá thư đong đầy nỗi nhớ mong của tình yêu đôi lứa, thì bao tình bạn đẹp của lứa tuổi mười tám, đôi mươi cũng gom đầy trong những dòng thư chia sẻ ấy.

 

Mô tả ảnh.
Bên cạnh những lá thư được mọi người cất giữ, còn rất nhiều thư thời chiến được lưu cẩn thận tại Bảo tàng Quân khu 5.

 

Trong phần lớn những lá thư tôi may mắn được đọc luôn chan đầy sự động viên, chia sẻ, tin tưởng vào ngày chiến thắng của những con người cùng chí hướng. Ví như thư của Trương Công Lâm (tức Năm Thắng) từ Sài Gòn gửi cho người bạn Đỗ Pháp (nguyên Phó Chủ tịch Nội vụ của Tổng Đoàn Học sinh Đà Nẵng) vào khoảng cuối năm 1972 có đoạn: “Tao vào Nam gấp quá không kịp xuống nhà mày nói lời từ giã, đừng trách chi hết nghe Pháp. Tao đi gấp như vậy vì anh em quận xã cứ gửi giấy mời hoài, tao sợ tốn giấy mực hao hụt công quỹ nên tao phải đi Pháp ạ. Tao yêu nước mà Pháp…

Bây giờ mọi tị hiềm, mọi hiểu lầm phải được gạt bỏ. Chính tụi mình phải mang tình thương hòa hợp đi gieo khắp nơi-Bây giờ mà còn hiểu lầm nhau là vô tình vướng vào chiếc bẫy của kẻ thù giương sẵn”. Hay như thư của Huỳnh Kim Sánh (nguyên cán bộ Thanh vận của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Đà gửi từ chiến khu cho cô bạn Nguyễn Thị Tam (tức Sử) ngày 11-3-1975 có đoạn: “Sử thân, sống ở đây tuy hoàn cảnh có khác nhưng anh em thương yêu nhiều lắm-anh em cho mình thêm sức mạnh, cách mạng làm mình lớn hẳn lên. “Đảng cho ta trái tim giàu/Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”…

Nói như Luật sư Đỗ Pháp khi lần giở lại những dòng thư cũ của bạn bè: “Lớp trẻ chúng tôi lúc đó yêu nước hồn nhiên lắm lắm. Hồn nhiên đến độ tôi tin rằng không ai bảo, nhưng sau này, khi Trương Công Lâm, Trần Phú Quý từ Sài Gòn, từ vùng giải phóng gửi về cho tôi những lá thư, tự trái tim họ đã nói thay cho tôi bao điều mà tôi luôn ấp ủ trong lòng. Chúng tôi hoạt động phong trào bằng trái tim cháy bỏng, trong tâm khảm mỗi người chỉ có khát vọng sâu xa, chỉ có tinh thần chiến công rực lửa, chỉ có tinh thần không biết sợ. Đó là vũ khí giúp chúng tôi tồn tại”. Có lẽ, ai cũng hiểu rằng, đó không còn đơn thuần là những dòng thư thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống, mà đó còn nuôi dưỡng niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của một Việt Nam độc lập, tự do.

Trong khung cảnh ác liệt của chiến tranh, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi vẫn giữ được nét nghịch ngợm, hồn nhiên qua những dòng bạn bè tâm sự. Như lá thư của chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh từ Huế gửi cho người bạn Lê Văn Thọ đang ở nhà tù Chí Hòa còn nguyên dấu kiểm duyệt của Trung tâm Cải huấn Sài Gòn năm 1974 ví von: “Huế vẫn còn lạnh và mưa. Trong khi Huế như cái tủ lạnh thì Sài Gòn lại là 1 cái lò uốn tóc. Thật là ngược đời. Huế lạnh chịu không nỗi. Đi học phải mặc 6 lớp áo và trong đó hết 3 cái áo len. Anh thấy kinh khiếp chưa… Trinh phải đặt tên xứ Huế là xứ buồn muôn thuở”. Tình bạn sôi nổi, trong sáng của những người từng tham gia Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng cũng được nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái nhớ lại trong hồi ức của mình. Ông nói, bốn mươi năm đã trôi qua, nhìn lại quãng đường đã đi, có vui có buồn, có hạnh phúc có khổ đau, có lần ngã xuống, đứng lên, tôi vẫn hoài đinh ninh, cái thời học sinh sôi nổi, chạm tay vào lửa không sợ bỏng ấy, với tôi, thật tuyệt vời, đáng nhớ và đáng sống biết bao.

Cũng có lẽ vì thế mà khi trải lòng với tôi, nhà báo Lê Đức Hùng (nguyên Ủy viên BCH Hội LHTN Giải phóng Quảng Đà, Ủy viên BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHTN Việt Nam) đã nói, trong những năm tháng ấy, trong những ngày quê hương chìm trong ngút ngàn khói lửa, đạn bom, hận thù và đau thương ấy, những cảm nhận trong sáng và chân thực về lý tưởng, tình đồng đội, tình đồng chí, nghĩa đồng bào là có thực, hoàn toàn chân thành và trong sạch. Đó là điểm tựa, đòn bẩy mà tuổi trẻ học đường những năm 70 dựa vào để đối diện với những mất mát, thiệt thòi, ngục tù và cái chết để vươn lên góp phần làm nên sự sống của ngày 30-4-1975.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.