.
Truyện ngắn

Chuyện vụn vặt ngày chủ nhật

.

Chủ nhật tuần này vào đúng đợt rét đậm rét hại kéo dài toàn miền Bắc. Rét đến thấu xương, sáng ra đánh răng mà như ngậm nước đá trong mồm. Nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, học sinh tiểu học được nghỉ học. Bố mẹ khăn áo kín mít co ro đi chợ, lẩy bẩy chen lấn ngoài đường để đi làm ca. Tôi đã tỉnh dậy từ lâu nhưng cứ lần chần, tự động viên mình nằm trong chăn thêm chút nữa… chút nữa… chút nữa… Ngoài đường, qua tiếng than thở của bà bán rong giấy vệ sinh, khăn mặt, tôi biết trời đã đổ cơn mưa.

Chẳng có việc gì làm, tôi và đứa em cùng phòng chơi trò “ai im lặng lâu hơn?”. Tôi thích sáng kiến này, bởi ít ra tôi cũng có thể trùm chăn đọc sách, lướt web xem báo mà không bị ai quấy rầy. Sự im lặng thường là một món quà ý nghĩa đối với tôi. Đứa em trùm chăn cười khúc khích, tôi biết với một đứa mồm mép tép nhảy như nó thì việc im lặng là cả một cực hình. Còn tôi, đã bắt đầu chú tâm vào bài báo viết về các tử tù trước giờ đi trả án. Một bát cơm, một đĩa thịt gà xé, một đôi mắt ầng ậc nước và những bộ quần áo xanh đứng vây quanh. Đó là bữa cơm ngon, được người đầu bếp trại giam nấu rất chu đáo.

Khi nhìn hình ảnh ấy, không hiểu sao nước mắt tôi cứ lặng lẽ trào ra. Bữa cơm ấy là sự nhân văn, nhân đạo của con người dành cho nhau, mà sao nghe đau xót quá. Một bữa cơm ngon đối với những người tử tù khi ấy, chẳng khác gì một lần nữa họ nghe lại bản tuyên án của mình. Có thể họ không nhận ra cơm hôm đó rất dẻo, thịt gà hôm đó rất ngon. Nhưng họ nhận ra một điều rõ ràng nhất là họ không còn được tồn tại trên cuộc đời này để ăn những bữa cơm do người mẹ già còng lưng thổi lửa. Hay do người vợ tảo tần, người con hiếu thảo vẫn hằng ngày đợi họ về sum họp. Có thể họ sẽ coi những miếng ăn cuối cùng là vô cùng đau đớn và nhục nhã. Họ nhục bởi vì cái quyền sống của chính bản thân, không ai khác lại bị chính họ tước đi. Và tôi biết, có rất nhiều người trong số họ thấy sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy bát cơm trắng và đĩa thịt gà. Họ đã không nuốt nổi.

Tôi đọc xong bài báo về tiếng mở cửa rất sớm, tiếng súng phía xa xa ở khu trại tử tù. Tự nhiên tôi thấy sợ những buổi bình minh đến vậy. Có những nỗi hoảng loạn, những sự sợ hãi khi nghe thấy tiếng chân người quản giáo chậm chậm dừng lại ở một phòng giam nào đó. Rất có thể, sáng mai, sáng kia sẽ dừng lại ngay trước cửa phòng mình. Những tiếng chân rất khẽ nhưng tiếng nhịp tim thì rất mạnh. Mỗi ngày, có một phạm nhân nào đó sẽ nghĩ “làm ơn hãy đến và mang tôi đi khỏi sự chờ đợi khủng khiếp này”. Hôm nay là chủ nhật. Trời rất lạnh. Tôi cứ thắc mắc mãi, người tử tù đi trả án hôm nay liệu có ai khoác cho họ một manh áo ấm. Miền Bắc lạnh chi mà lạnh thấu da thấu thịt.

Tôi và đứa em vẫn cần mẫn chơi trò “im lặng”. Đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua, chúng tôi không có gì thật cần thiết để phá lệ, để nói với nhau một câu. Thế mới biết hằng ngày mình toàn nói những câu thừa thãi và vô nghĩa. Thành phố đông đúc như càng chật chội thêm bởi hàng nghìn, hàng vạn ngôn từ tuôn ra từ những cái miệng méo tròn. Để rồi cuộc sống cứ dẫm lên cái lớp vỏ ngôn từ ấy mà trôi qua lặng lẽ. Những thân phận, những kiếp người…

Tôi đã gặp người đàn ông ấy sáng nay, ngoài chợ. Ông đứng ở cột điện, chờ vợ chồng cô hàng rau sai đi đưa hàng cho các nhà dân trong phố, rồi quay lại lấy mấy nghìn tiền công ít ỏi. Người đàn ông ăn mặc nhếch nhác, râu ria xồm xoàm, đôi mắt u buồn luôn nhìn xuống đất. Người ta bảo ngày xưa người đàn ông ấy rất giỏi, làm chủ thầu hết công trình này đến công trình kia, tiền kiếm rất hời. Nhưng khác hẳn với những người đàn ông cùng nghề, nay đây mai đó trăng hoa, ông rất yêu vợ nên làm được bao nhiêu đều mang về cho vợ hết. Họ bảo:

- Nó bị điên cũng chỉ vì vợ mang hết số tiền vất vả tích cóp bao nhiêu năm đi cho trai. Uất ức, suy nghĩ nhiều quá mới thành ra như thế.

Người đàn ông nghe người ta kể chuyện mình mà im lặng như nghe chuyện người dưng vậy. Đôi mắt vẫn nhìn xuống đất, chìa bàn tay gầy guộc nhận lấy vài nghìn tiền công, rồi lại ngồi thu lu hứng chịu những cơn gió buốt.

- Chú ấy cứ ngồi mãi đó làm gì ạ?

- Đợi vợ về chứ còn làm gì. Vợ nó đi theo trai từ khi cơ nghiệp chẳng còn gì ngoài cái xác nhà. Kể mà đứng tên nó chắc nó cũng bán nốt. Loại đàn bà bạc bẽo thế mà hôm nào cũng ra cổng đợi từ mờ sớm.

Tôi đi hết hai dãy chợ, mặc cả hết cá tôm đến rau cỏ mà trong đầu vẫn không dứt nổi hình ảnh về người đàn ông ấy. Khi tôi nằm ngủ nướng trên giường và tự động viên mình nằm chút nữa thôi… chút nữa… thì có thể người đàn ông ấy đã dậy thật sớm, ra cổng ngồi và tự dặn mình từ ngày này qua ngày khác “cố chút nữa thôi…chút nữa…”. Thế nhưng người vợ vẫn không về. Tôi bỗng rùng mình khi nghĩ rằng, mùa đông con người ta cần nhau hơn và những người không có ai bên mình thì sẽ trở nên cô đơn khủng khiếp. Mà nỗi cô đơn nhiều khi giết chết con người. Hôm nay là chủ nhật, mọi người được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc. Những người vợ đi chợ bảo nhau:

- Mua cái này về hầm khoai tây thì ngon phải biết. Ông xã tôi khoái nhất món này!

- Ông nhà tôi ấy hả? Chỉ thích ăn thịt bò súp vang thôi. Đến là khó chiều, nấu mấy món ấy lâu lắm mà tôi thì có khéo léo và kiên nhẫn gì trong chuyện bếp núc đâu.

Người đàn ông vẫn cúi đầu. Trán ông khẽ giật giật. Những đợt gió mùa vẫn lùa qua tai lạnh buốt. Trời rét nhưng chợ vẫn đông, những bước chân run run vội vã đi qua trước mặt. Người đàn ông vẫn nhìn xoáy vào mặt đất.

Tôi nhớ ra một vài điều định nói nhưng rồi lại nhớ đến luật chơi “im lặng”. Đứa em cùng phòng dường như cũng muốn nói với tôi điều gì đó rồi thôi. Chúng tôi, mỗi người lại theo đuổi một ý nghĩ vu vơ nào đó. Lào Cai, Lạng Sơn mấy hôm nay nhiệt độ xuống rất thấp. Người ta dự báo trên đỉnh Mẫu Sơn nhiệt độ đã âm vài độ, đã có băng tuyết bao phủ. Ở Sapa mọi thứ cũng gần đóng băng rồi. Người ta đua nhau lên đó du lịch, ngắm cảnh băng tuyết vốn hiếm hoi của đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới này. Thậm chí người ta còn mong nhiệt độ xuống thấp hơn nữa, để có thể thỏa mãn trí tò mò, để được sống trong cảm giác mới lạ. Trâu bò rét quá chết nhiều, những hàng thịt trâu la liệt bày bán trên quốc lộ. Người dân phơi mặt ra sương, đốt đống củi chống chọi với cái rét để mong bán được hết thịt trâu, bù lại phần nào tiền mua giống. Khách du lịch lại có thêm món thịt trâu rừng cho chuyến đi thêm phần thú vị. Những tiếng thở dài chìm xuống, bao ánh mắt lo âu mờ đục trong màn sương lạnh giá. Chỉ có nhà nghỉ, các công ty du lịch là hồ hởi, tấp nập đón tiếp và thu lợi từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

 Bạn tôi đi công tác vùng cao, mang về một bức ảnh chụp hai em bé đứng co ro trong giá rét khi chỉ mặc độc một chiếc áo mà không có quần. Các ngón chân em còn bám đầy bùn đất, dù chỉ nhìn qua ảnh người ta cũng có thể thấy hai con giống nhỏ đỏ tấy lên vì rét. Dưới thành phố, người ta bàn nhau lên Sapa hưởng tuần trăng mật, khám phá thiên nhiên, tận hưởng cảm giác mới lạ. Còn tôi, tôi rất sợ chạm tay vào băng tuyết. Bởi vì chúng rất lạnh. Tôi sợ một ngày nào đó trái tim mình cũng đóng băng như thế. Và… biết đâu lại có người đến hả hê xem…

Chúng tôi đã im lặng với nhau gần hết một ngày dài. Để giật mình nhận ra rằng hình như chúng ta đã quen dần với sự im lặng đó. Một ngày, hai ngày rồi mười ngày. Rất có thể sẽ là mặc định chứ không còn chỉ là một trò chơi nữa. Chủ nhật buồn không phải vì sự im lặng, sự thiếu vắng của những câu chuyện tếu táo, vô bổ. Mà chủ nhật buồn vì có quá nhiều khoảng lặng để mà ngẫm nghĩ… Mai lại là ngày đầu tuần. Cuộc sống lại vùn vụt trôi đi…

Câu chuyện mà tôi kể trên đây nó thực chất chỉ là những chuyện vụn vặt trong một ngày chủ nhật gió rét toàn miền Bắc. Bạn phải sống trong những ngày này mới có thể hiểu được vì sao tôi lại quan tâm đến những chuyện chẳng đâu vào đâu như thế. Có thể đã làm bạn thất vọng vì nó không đáp ứng thỏa trí tò mò của các bạn. Có thể đã làm phiền các bạn phải quan tâm. Nhưng tôi biết rằng, trong chúng ta ngày nào chả gặp những câu chuyện vụn vặt tương tự như tôi. Chỉ có điều nếu nó không phải là một ngày rét buốt, thì rất có thể tôi đã phóng xe ra đường, tụ họp bạn bè đâu đó mà quên béng những hình ảnh lướt qua trong đầu. Ừ! Chỉ là một ngày rét mướt, chúng tôi trùm chăn ngồi ở nhà và chơi trò “ai im lặng lâu hơn?”.                         

Vũ Thị Huyền Trang
 

;
.
.
.
.
.