Nhà bác Châu có giấy báo ra nhận tiền ở bưu điện. Ông bưu tá già đưa tờ phiếu viết nguệch ngoạc cho bà Chung nhờ mang vào giúp. Nhà ở đầu xóm, lại bị đau chân nên bà đứng ở ngã ba đúng hai tiếng đồng hồ mới gửi được tờ giấy báo cho anh Hải chuyển vào cuối xóm.
Anh Hải đang có xích mích với ông Châu nhưng vì nể bà Chung nên cố cầm tờ giấy về, đi khắp xóm mới gặp được cô Chiêm ẵm con đi chơi, gửi cô mang vào luôn. Gần đến nhà ông Châu thì thằng cu Tí tè dầm, cô Chiêm ôm con quay về, sẩm tối mới nhờ được thằng cu Bầu mang giấy vào cho bác Châu. Thằng cu Bầu mải xem phim “Thiên long bát bộ” bỏ quên khuấy tờ giấy ở đầu hồi nhà cụ Bính. Con chó Gấu càm ra vườn, nhay tan tành.
Chín giờ tối con Nguyệt với bác Châu gái mới đốt đóm ra tận nhà bà Chung hỏi xem thực hư thế nào mà cả xóm đồn ầm ĩ lên rằng: Có người gửi cho nhà ông Châu một món tiền, nhà ông sắp giàu to rồi! Chẳng ai biết sự thật ra sao? Những người quý bác Châu thầm chúc mừng, còn những người không ưa tính của bác thì giận ra mặt, giận luôn cả người thân, giận không nói câu nào, mặt cứ khoặm lại… Món tiền kia làm xôn xao cả xóm nghèo.
Giờ bà Chung mới khẳng định đúng là có một tờ giấy báo nhận tiền gửi cho ông Châu.
Đêm đó cả nhà gần như thức trắng để nói về món tiền mà chưa biết rõ kia. Cuối cùng họ kết luận: Chắc chắn số tiền đó là của chú Ích gửi từ Canada về. Chú Ích là em ruột của bác Châu, chú bỏ nhà đi đã mười lăm năm, cách đây lâu lắm bà nội nhận được một lá thư của chú nói là đang ở Canada. Nhà ông Phụng cũng có anh em sống ở bên đó, họ giàu lắm, gửi tiền về liên tục, ông Phụng ở bên này cứ việc ra nhận tiền rồi xây biệt thự, mua xe, đi du lịch khắp nơi.
Không sai rồi, số tiền đó chắc chắn của chú Ích gửi về.
Thằng Minh út nãy giờ ngồi im trên ghế nghe người lớn nói chuyện, thấy cả nhà im lặng, nó chống hai cánh tay gầy đét cạnh bên đùi, cổ rụt xuống, mãi sau mới ngước đôi mắt ngây thơ lên nhìn bác Châu:
- Nếu được thật thì bố cho tiền mẹ mua cho con một cái quần đùi nhé.
Cả nhà phá lên cười, anh rể cười to nhất:
- Phải đòi mua một cái xe đạp, cậu ngốc quá!
Con Nguyệt phụng phịu:
- Con còn chẳng có dép để đi đây này, dép rách hàn đi hàn lại, phồng rát hết cả chân!
Bác Châu gái hôm nay ngồi vắt chân lên đùi, hai tay đang khoanh trước ngực hất tung ra:
- Tao thấy bố mày còn không có quần áo để mặc đi ra ngoài kìa.
Bác Châu rít một hơi thuốc lào dài như không bao giờ ngừng, khiến cả nhà há mấy cái miệng tròn vo chờ đợi, bác nhả khói, chống điếu cày xuống vừa ngẫm nghĩ vừa nói:
- Nếu được tiền thì phải trả ba triệu vay nhà ông Phú cho con Vi đi học hồi đầu năm trước đã.
Đợi cho cả nhà đã chìm vào giấc ngủ say, bác Châu khẽ lật chăn, nhón chân bước ra ngoài. Ít ỏi ngôi sao mờ mờ không thắp sáng được màn trời đêm, mất ngủ bởi món tiền ngày mai sẽ nhận kia ám ảnh, bác Châu băn khoăn nửa muốn nhận nửa lại mong đẩy nó ra xa.
Nhà ông Phụng giàu lên nhanh chóng nhờ có người anh trai bên nước ngoài gửi tiền về, giàu nhưng gia đình ông không có hậu, hai đứa con của ông, cái Thắm với thằng Thiết từ đó đâm ra hư hỏng. Mới đây chúng tậu được một con xe mô-tô đời mới, phóng như điên trên con đường ngoằn ngoèo vách núi bao xung quanh, rồi chỉ “rầm” một cái thôi, một cái chớp mắt chúng đã không còn là con người nữa. Bác Châu giật nảy mình khi nghĩ đến cái chết của hai đứa con người hàng xóm, khẽ chép miệng hỏi có mối liên quan nào đến món tiền kia không? Tự đấu trí chán chê bác vào nhà, đặt mình xuống giường, chập chờn cơn mê rồi cũng gượng gạo thiếp đi.
Sương mù dày đặc, ngoài sân vẫn còn mờ mờ, bác Châu phải bật đèn pin mới thấy đường mở cửa đi ra. Hai đứa nhỏ cũng gọi nhau dậy theo, con Nguyệt ngồi, thằng Minh thì đứng ngủ gà ngủ gật tè “tồ tồ” vào cái ống tre đặt ở đầu hồi. Hôm nay trông chúng thật lạ, mặt cứ vênh lên giống như chúng sắp giàu to đến nơi rồi.
Tám giờ sáng bưu điện xã mới mở cửa. Bác Châu nhìn đồng hồ lẩm nhẩm tính mình đã chờ đúng một tiếng bốn mươi chín phút.
Ông bưu tá xô cánh cửa xếp sang hai bên, tìm chổi quét một lượt phòng làm việc, lắc lắc cái phích mà không còn hạt nước nào nên lụi cụi đi đun để pha trà. Chờ mãi cũng đến lúc ông giở quyển sổ to, chi chít chữ ra. Bác Châu không mang theo giấy tờ gì, mà ông bưu tá thì nhất quyết nói không làm việc sai nguyên tắc. Nhà cách bưu điện những bảy cây số, đi xe đạp thì lâu lắm! Bác Châu đành phải lên Ủy ban xin một cái giấy xác nhận. Ông trưởng công an xã là người quen nên đã đứng ra ký cho một tờ giấy xác nhận, chị văn thư thấy bác cứ lúng ta lúng túng nên đóng cho ba con dấu liền, mỗi con dấu đỏ chị lấy năm nghìn đồng, vừa đếm tiền lẻ trả lại vừa cười toe toét:
- Nhà bác may mắn thật!
Ông bưu tá chỉ cho bác Châu ký vào bốn tờ giấy. Số tiền bác nhận được tổng cộng là chín mươi sáu nghìn đồng, không rõ từ nơi nào gửi đến.
Dắt xe ra khỏi cổng bưu điện, dắt thêm một đoạn khá xa bác Châu mới đem số tiền vừa nhận ra đếm, đếm đi đếm lại vẫn là chín mươi sáu nghìn đồng, không thừa không thiếu một xu, không phải nhầm lẫn, giấy biên nhận ghi rõ ràng như thế.
Tiếng thằng Minh út ngô nghê văng vẳng bên tai “Con thèm thịt lắm rồi mẹ ạ!”. Tự nhiên thấy ở sống mũi cay cay, bất giác, bác Châu leo lên xe đạp, lao thẳng tới cửa hàng bán thịt lợn, mua hết sạch số tiền vừa nhận được.
Sáng hôm sau ông bưu tá lại gửi vào cho nhà bác Châu một gói nhỏ, cả nhà xúm lại, bóc ra xem. Bên trong là một cuốn tạp chí địa phương. Con Nguyệt cầm tờ giấy đính kèm đọc to: “Cảm ơn bạn đã gửi bài đến tạp chí! Mong tiếp tục cộng tác!”.
Trên trang chín của tạp chí có đăng một truyện ngắn mà chị Vi viết và gửi từ lâu lắm, dưới phần tác giả ghi tên của bác Châu.
A Kiều