.

Vấn đề cũ - Nhiệm vụ mới

Đây là lần thứ ba, Thành ủy, HĐND thành phố quyết định lấy chủ đề  “Năm giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội” cho năm 2012. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là vấn đề thực sự lớn, để 3 năm liên tiếp thành phố lấy làm chủ đề nhằm hướng đến tập trung mọi nguồn lực để giải quyết một cách quyết liệt?

Nhìn một cách tổng thể, thì rõ ràng, Đà Nẵng trong những năm tới vẫn cần tập trung vào những lĩnh vực vừa mang tính trọng tâm trọng điểm của giai đoạn nhưng cũng vừa mang bản sắc của thành phố như thế. Bởi, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đã đặt ra quan điểm phát triển của thành phố đến năm 2015 là “Phát triển nhanh, hài hòa, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của thành phố. Coi trọng phát triển chiều sâu; lấy chất lượng, hiệu quả làm tiêu chuẩn hàng đầu trong phát triển”.

Trong quá trình phát triển đó, vấn đề quy hoạch, chỉnh trang đô thị; trong đó có nhiệm vụ cụ thể là giải tỏa, đền bù, tái định cư đang chiếm một “hàm lượng” khá lớn trong số những việc “cần làm ngay” để tạo một nền tảng vững chắc cho quy hoạch đô thị theo đúng định hướng, tạo bước đi “nhanh, bền vững” trong phát triển đô thị Đà Nẵng.

Thế nhưng, qua 15 năm xây dựng và phát triển trên nền tảng đô thị trực thuộc Trung ương với những thành tựu nổi bật, vẫn còn những vấn đề bức xúc. Đó là việc chưa có sự tổng kết thực tiễn để đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và những bài học kinh nghiệm quý báu, để từ đó xây dựng một hệ thống vững chắc, vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn cho công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư. Trên thực tế, với hàng trăm dự án được triển khai hằng năm và trên quy mô mở rộng toàn thành phố, việc thực hiện chủ yếu vẫn mang tính kinh nghiệm; chế độ, chính sách chậm được đổi mới một cách khoa học. Một số dự án triển khai chậm tiến độ; công tác áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư... chưa được áp dụng thống nhất, đồng bộ, công bằng... Đó là chưa nói đã tạo điều kiện cho những sai phạm của một số cán bộ, công chức, càng nhân thêm bức xúc trong nhân dân.  

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nguồn thu của thành phố những năm qua vẫn còn phụ thuộc nhiều từ nguồn thu tiền sử dụng đất, với kết quả từ năm 2003 đến nay, thành phố đã thu được khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Có thể thấy rằng, với nguồn thu này, Đà Nẵng đã nhân lên nhiều lần giá trị sử dụng của đất đai với việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và ngày càng hiện đại, tạo cảnh quan đô thị theo đúng định hướng quy hoạch, đồng thời đầu tư có hiệu quả cho phát triển các ngành dịch vụ, du lịch... từ đó tạo sức bật mạnh mẽ cho phát triển kinh tế và giải quyết căn bản các vấn đề an sinh xã hội. Nhưng, trước những khó khăn của thị trường bất động sản, thì vấn đề giải tỏa, đền bù, tái định cư gặp những khó khăn nhất định; từ đó dẫn đến những khó khăn về nguồn thu cho việc quay vòng vốn tạo sự phát triển thành phố những năm đến.

Vì vậy, cùng với việc tăng cường cải cách, đổi mới công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, thì nhiệm vụ trước mắt cho năm trọng điểm này chính là xây dựng cơ chế thúc đẩy thị trường bất động sản minh bạch và sôi động, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố thực hiện tốt hơn chủ trương này.

Bên cạnh đó, với những chủ trương mạnh mẽ, thiết thực nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội như: “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”; Chỉ thị 24-CT/TU; tập trung giải quyết chế độ, bảo đảm đời sống cho gia đình chính sách..., qua 2 năm thực hiện chủ đề của năm (2010 và 2011) thành phố đã giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, nhà ở... cho nhân dân. Tuy nhiên, trước tình hình lạm phát ngày càng tăng, dưới tác động bất ổn của kinh tế thế giới và nhất là đời sống của nhân dân ngày càng khó khăn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho vấn đề an sinh xã hội của Đà Nẵng. Theo đó, giải quyết việc làm, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đặc biệt nghèo... có nguy cơ không bền vững; từ đó dẫn đến bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Vì thế, để thực hiện tốt “Năm giải tỏa, đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”, bên cạnh sự đồng thuận xã hội có sẵn, thì luôn cần sự nỗ lực nhiều hơn từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đến việc triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương này từ các cấp chính quyền!

Anh Quân

;
.
.
.
.
.