.

Chuyện tình trên đỉnh Lang Biang

.

Lang Biang – điểm du lịch nổi danh của thành phố Đà Lạt sương mù, vốn được ghép từ hai cái tên của đôi tình nhân : chàng K’lang và nàng H'biang theo truyền thuyết của dân tộc K'Ho. Câu chuyện tình của họ thơ mộng, bi tráng lạ lùng chẳng thua kém chuyện tình Romé và Juliette của thi hào Shakespeare. Chính vì vậy, Lang Biang không chỉ là một điểm tham quan hấp dẫn du khách mà còn là một điểm hẹn lý tưởng dành cho những đôi lứa yêu nhau mỗi khi có dịp đến Đà Lạt.

Tượng đôi tình nhân K’lang- H’biang.
Tượng đôi tình nhân K’lang- H’biang.

Lang Biang thuộc huyện Lạc Dương, cách thành phố Đà Lạt chừng 12km,  nằm ở độ cao 2.167 m so với mặt biển nên còn được ví như “nóc nhà” của Đà Lạt.

    Ngay khi vừa đến dưới chân núi, đập vào mắt chúng tôi là cụm chữ LANG BIANG in đậm giữa nền trời, gợi nên cảm xúc gọi mời đầy hào hứng. Tại đây, có sẵn một đoàn xe Jeep túc trực sẵn sàng đưa khách lên đỉnh núi theo yêu cầu. Bên cạnh đó, là những chú ngựa một mình nhẩn nha qua lại, hoặc có khi ngồi trên là một gã “cao bồi” với trang phục đậm nét cao nguyên vẫy tay chào đón. Dọc đường đi, bên dưới chân núi, có một thung lũng rộng lớn, với những đàn ngựa đang tự do gặm cỏ dưới nắng xuân. Càng bước lên những khúc dốc cao, cảm giác càng thật dễ chịu, bởi màu xanh bạt ngàn luôn hiện ra trong tầm mắt. Đến đỉnh núi cao nhìn xuống, đã dễ dàng nhận ra dòng Đankia với những con suối nhỏ uốn lượn bên chân núi. Xa xa, thành phố Đà Lạt hiện ra với những ngôi nhà ẩn hiện xen lẫn giữa núi và cây đẹp tựa bức tranh...

    Điểm dừng tại đỉnh Lang Biang, rải rác có các hàng quán cà phê, giải khát và các dịch vụ như: nhìn cảnh quan qua ống kính viễn vọng, cưỡi ngựa chụp hình, khu bán hàng lưu niệm... Thế nhưng, điều ấn tượng và gây cảm xúc  nhất tại đây, chính là khu vườn hoa, với hai pho tượng của đôi tình nhân K’Lang - H’Biang, cùng những giai thoại đầy sống động về chuyện tình của họ.

        Ngày xưa tại vùng núi này, có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương người con gái tên Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc nên nàng Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré... thành chung một dân tộc K'Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’lang và nàng H'biang chết được đặt lên là Lang Biang - tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người và tình yêu của họ.

Tuy nhiên, chuyện về K’lang và H'biang qua lời kể của một vài người già buôn Kon Đó, xã N'Thol Hạ, huyện Đức Trọng còn có một dị bản khá khác biệt:

 Thuở ấy, làng buôn Kon Đó, có một chàng trai con nhà nghèo, mồ côi cha, tên là H’ biang. Và một cô gái xinh đẹp tên K’lang, con gia đình nọ, bố mẹ song toàn. Hai người lớn lên yêu nhau và thành vợ chồng. H’biang và K’lang sau 7 năm ở chung với nhau, yêu thương, hòa thuận, bỗng dưng một hôm, đất trời xảy ra hạn hán liên miên, đốt cháy mùa màng. Bà con buôn làng ai cũng lo đói kém. H’biang tức lắm, quyết tâm đi kiện trời bằng được! H’biang dặn vợ: 

- H’biang đi... nếu qua bảy ngày không thấy về K’lang hãy tìm đường theo tiếp gạo. Trên đường đi, cứ ba bước, H’biang sẽ bẻ một cây con làm dấu vết để K’lang dễ tìm...

H’biang đi từ núi Kon Đó đến núi Găng Reo, bảy ngày đường rừng mệt mỏi. Càng lên cao càng khát nước. Sức kiệt, gạo không còn, sông suối, núi non hiểm trở, không mở lối cho H’biang đi... H’biang gục xuống và chết lưng chừng núi Găng Reo... Sang ngày thứ tám, nóng ruột, K’lang đeo gùi, xách gạo đi tìm H’biang, lần theo vết gãy cây con đến chỗ H’biang nằm chết và khóc thương thảm thiết. Tiếng khóc K’lang vang xa khắp tám núi, tám sông, tám rừng, tám suối... Tiếng khóc K’lang bay tới tận trời. Trời nghe chuyện, động lòng, phán truyền Thần mưa tung mưa xuống... Trong mưa, K’lang vẫn khóc, khóc dữ dội hơn, khóc mừng làng buôn có nước, khóc thương H’biang chết tội nghiệp giữa rừng. Tiếng khóc K’lang làm xúc động con voi đầu đàn. Con voi đầu đàn dẫn bước đến chỗ K’lang và che mưa cho K’lang và H’biang. Và sau bảy ngày K’lang chết theo.  Con voi đầu đàn không nỡ bỏ đi, suốt ba tháng ròng đứng khóc và che mưa cho K’lang, H’biang rồi cũng chết theo K’lang, H’biang. 

Nước mưa hòa cùng với nước mắt K’lang, nước mắt voi tưới mát khắp núi đồi, nương rẫy, làng buôn và chảy thành suối nước! Suối nước ấy được bà con buôn làng gọi là suối Đa Nhim (nước mắt), dẫn qua thác Liên Khàng (Liên Khương) rồi về sông lớn (Đạ Đờn - Đồng Nai). Sự tích núi Lang Biang, Núi Voi và suối Đa Nhim là thế! 

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.