Xuất phát từ truyền thống yêu nước, từ đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ đời sống tâm linh mang đậm tính chất Phật giáo, người dân Việt Nam bao đời nay luôn tôn thờ những người anh hùng dân tộc với lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc. Các vị ấy đã được huyền thoại hóa và được phụng thờ như những phúc thần, thành hoàng bảo vệ làng. Mạc Cảnh Huống, từ một nhân vật lịch sử với cuộc đời đầy thú vị dưới tác động của quá trình dân gian hóa, ông đã trở thành một nhân vật tín ngưỡng, một nhân vật huyền thoại của xứ Quảng.
Sắc phong thống binh Thái phó Mạc Cảnh Huống (năm Duy Tân thứ nhất -1907) |
Từ một thái tử…
Thái tử Mạc Cảnh Huống (1542-1677) là con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang, quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Từ một thái tử nhà Mạc, ông theo anh em “cọc chèo” của mình là Nguyễn Hoàng vào vùng Thuận Hóa xây dựng sự nghiệp. Năm 1568, dưới triều vua Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592), Mạc Cảnh Huống quyết định đưa gia đình vào Đàng Trong. Lúc đầu định cư ở làng lấy tên là Cổ Trai ở vùng Cửa Tùng, huyện Minh Linh (nay là Quảng Trị).
Khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lần hai vào năm 1600 thì Mạc Cảnh Huống trở thành một trợ thủ đắc lực nhất cùng với Nguyễn Ư Kỷ và Tống Phước Trị. Sự lớn mạnh của quân đội Đàng Trong nói chung và Hội An đầu thế kỷ XVII là nhờ sự đóng góp quan trọng của ông. Mạc Cảnh Huống là chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, ông đã viết cuốn “Binh thư trận đồ” có thể sánh với cuốn “Binh thư yếu lược” của Trần Quốc Tuấn nhưng rất tiếc cuốn sách đã không còn từ năm 1978. Ông cũng là người phục vụ lâu dài nhất dưới thời các chúa Nguyễn, kể từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan trong suốt 38 năm liên tục từ 1600 đến 1638.
Ở tuổi 96, ông xin về hưu và định cư ở làng Trà Kiệu (Duy Xuyên – Quảng Nam) và trở thành thủy tổ của tộc Mạc ở đây. Mạc Cảnh Huống được chúa Nguyễn ban cho quốc tính là Nguyễn Phước, đến thời kỳ Tây Sơn đổi thành Nguyễn Trường. Khi vua Duy Tân lên ngôi (1907 – 1916) đã đánh giá lại công lao của các huân thần trong buổi sơ khai xây dựng vương triều nhà Nguyễn, ban sắc phong ngày 24 tháng 12 năm Duy Tân thứ nhất (1907) truy tặng Mạc Cảnh Huống (tức Nguyễn Trường Huống) là Khai quốc công thần. Trong sắc phong có ghi: Triều trước thống binh thái phó được truy phong Nguyên huân Nguyễn Trường Huống, chí lớn nuốt trôi sao Đẩu, dũng khí cầm ngang ngọn giáo, coi khinh mưu lược Vệ Khanh, Anh Bố, hoài nhớ tài cao Quản Trọng, Khổng Minh.
…Đến vị Phật sống
Sắc phong thống binh Thái phó Mạc Cảnh Huống (năm Duy Tân thứ nhất -1907) hiện được lưu tại nhà thờ Tiền hiền làng Trà Kiệu |
Trong tâm thức của nhân dân, nhân vật được thờ thường phải thiêng liêng, mang chút huyền bí dựa trên cuộc đời thực của họ và được huyền thoại hóa, lịch sử hóa, địa phương hóa. Mạc Cảnh Huống là người rất sùng đạo Phật nên khi vào Đàng Trong, lúc ở làng Cổ Trai (Quảng Trị) đã xây dựng chùa thờ Phật gọi là Lam Sơn Phật Tự. Đến khi định cư ở làng Trà Kiệu, ông trùng tu ngôi chùa trên đồi Bảo Châu có tên gọi là Bảo Sơn Phúc hay Bảo Châu Sơn Tự và trụ trì với pháp danh Thuyền Cảnh Chân Tu. Cũng như Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, ông thực hành các phương pháp thiền Phật giáo, tương truyền ông đạt đến trạng thái trở về hoàn toàn bản lai. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương cũng như nhân dân trong làng là ông đã sống đến 135 tuổi nhờ thực hiện phương pháp thiền này.
Đó được xem là một huyền thoại về ông, nếu không nói là người sống lâu nhất thế giới. Đồng thời ông được nhân dân trong vùng và dinh Quảng Nam tôn vinh như vị Phật sống. Nhân dân làng Cổ Trai (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam) trong lời tưởng niệm ông có khấn: Ngài đã trở lại hoàn toàn sự hoàn thiện bản lai như cũ bằng những cố gắng. Ngài đã thực hiện các tuân thủ và nhịn ăn một cách chu đáo, Ngài thực hiện việc tích đức với tất cả sức lực của mình trong một ngôi nhà hưu trí thờ Phật… Ngài đã tự nâng cao sự tinh thông hoàn toàn, sau khi Ngài tịch, người ta đã dâng tặng nhiều phẩm tước cao quý và chúa Nguyễn đã tôn kính Ngài như một vị Phật mà sự xuất hiện trên cõi đời này cũng giống như sự xuất hiện của các Đức Phật khác.
Mạc Cảnh Huống từ một nhân vật anh hùng với những chiến công hiển hách trong thời kỳ đầu chúa Nguyễn đã được địa phương hóa trở thành vị Phật sống, phúc thần, là ân nhân của làng, vị thần bảo hộ cho làng Trà Kiệu (Quảng Nam) cũng như làng Cổ Trai (Quảng Trị) và được nhân dân hai làng trên phụng thờ nơi tôn kính nhất.
VÕ HÀ