.

Cơ hội từ Nhật

Trong kế hoạch năm 2012 của Sở Ngoại vụ thành phố, những chỉ tiêu về hợp tác với Nhật Bản được đặt ra rất cụ thể: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thành lập ít nhất 5 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Đà Nẵng; tổ chức đón tiếp khoảng 50 đoàn khách Nhật đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư trong tổng số dự kiến 175 đoàn khách quốc tế đến Đà Nẵng; chủ trì tổ chức khoảng 3-4 hoạt động giao lưu văn hóa với Nhật Bản...

Đặt ra những con số cụ thể như vậy, theo lý giải của ông Mai Đăng Hiếu, Phó Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản, là căn cứ trên tình hình thực tiễn và sự chuyển động của kinh tế thế giới cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các địa phương, DN của Nhật Bản.

Trên thực tế, năm 2011, trong khi các đoàn khách quốc tế đến Đà Nẵng giảm về số đoàn và lượt người do khủng hoảng kinh tế và thắt chặt chi tiêu, với số giảm lần lượt là 23,8% và 45,46%; thì số lượng đoàn và lượt người từ Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng tăng lần lượt là 88% và 122,6% so với năm 2010!

Vì sao có sự tăng đột biến đó? Câu trả lời trước tiên là sau thảm họa động đất, sóng thần diễn ra ở Nhật Bản vào đầu năm 2011 và lụt lội ở Thái Lan - một quốc gia Đông Nam Á thu hút đầu tư lớn từ Nhật, các DN của xứ sở Hoa Anh đào muốn cơ cấu lại đầu tư, nhất là đầu tư ra nước ngoài. Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của các DN Nhật. Trong đó, các yếu tố có tính cạnh tranh cao như: Môi trường chính trị ổn định, ít chịu tác động mạnh mẽ của thiên nhiên, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và tương đối minh bạch... đã tạo nên lợi thế cho Đà Nẵng.  

Bên cạnh đó, theo ông Mai Đăng Hiếu, thì chữ “tín” là nền tảng vững chắc nhất để thu hút đầu tư từ đất nước “Mặt trời mọc” này. Trước hết, là chính quyền thành phố đã tạo được uy tín đối với các DN đang làm ăn trên địa bàn thông qua tạo dựng mối quan hệ bền vững, sẵn sàng đối thoại để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của họ. Từ đó, các DN này là cầu nối quan trọng đối với những nhà đầu tư đang mong muốn tìm hiểu môi trường thuận lợi cho phát triển DN. Đồng thời, Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản đã có nỗ lực mạnh mẽ trong việc cung cấp thông tin bằng tiếng Nhật thông qua nhiều hình thức cho các DN dễ dàng tiếp cận, để các chủ DN tìm hiểu kỹ về Đà Nẵng trước khi đi khảo sát thực tế - một cách tiết kiệm hiệu quả của người Nhật. Cùng với đó, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng tạo điều kiện cho việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc...

Những lợi thế quan trọng đó của Đà Nẵng so với các địa phương trong nước đã tạo điều kiện và cơ hội cho việc thu hút đầu tư từ các DN Nhật Bản; qua đó cũng lý giải vì sao người Nhật quan tâm tới thành phố được xem là mảnh đất năng động của Việt Nam!

Thế nhưng, từ cơ hội đó cũng cho thấy những thách thức đặt ra trong quá trình thu hút đầu tư này.
Trước hết, đó là chính sách thu hút đầu tư cần tiếp tục được thể hiện rõ ràng, minh bạch hơn nữa và quan trọng với người Nhật là phải bảo đảm tính bền vững. Những ưu đãi ban đầu không quan trọng bằng việc bảo đảm môi trường hoạt động lành mạnh, ổn định lâu dài để có nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển của DN. Đồng thời, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố cũng cần được triển khai nhanh để có nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của các DN Nhật Bản, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao...

Trong làn sóng tìm kiếm cơ hội và đầu tư từ DN Nhật Bản vào Đà Nẵng tăng nhanh hiện nay, các cơ quan xúc tiến đầu tư cũng cần tăng cường tìm kiếm thông tin để chọn lọc, thu hút những DN có chất lượng thực sự, theo đúng định hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường... của thành phố. Bởi, trong xu thế chuyển hướng đầu tư, cũng có cả việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, lỗi thời.

Cơ hội chọn lọc đầu tư nước ngoài của Đà Nẵng cũng chính từ đây!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.