.
CỬA SỔ TRI THỨC

12 con giáp có nguồn gốc Việt

.

Về 12 con giáp, lâu nay cứ tưởng là mình “ăn theo” Trung Quốc, nhưng Tết rồi, tôi nghe anh bạn bảo là có tài liệu cho rằng 12 con giáp có nguồn gốc từ tiếng Việt cổ. Xin quý báo giới thiệu giùm thông tin này. (Nguyễn Hùng, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Đây được xem là công trình nghiên cứu quan trọng của Nguyễn Cung Thông.
Đây được xem là công trình nghiên cứu quan trọng của Nguyễn Cung Thông.

- Bài viết “Người tìm nguồn tên 12 con giáp” đăng trên báo Tiền Phong ngày 8-2-2009 giới thiệu ông Nguyễn Cung Thông, một kỹ sư gốc Việt hiện sống tại Melbourne, Australia, đã bỏ ra gần 20 năm nghiên cứu và tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy tên gọi của 12 con giáp bắt nguồn từ tiếng Việt cổ.

Kỹ sư Thông, qua phân tích chữ viết, cách phiên âm của tên gọi 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão...) từ tiếng Việt cổ, tiếng Mường, tiếng Hán cổ, Hán Việt, đã thấy chúng có liên hệ mật thiết với tên gọi các con vật trong tiếng Việt hiện nay. Chẳng hạn như Mão - Mẹo - Mèo, Ngọ - Ngựa , Tý - Chút - Chuột, Sửu - Tru - Tlu - Trâu, Hợi - Gỏi - Koi- Cúi (Cúi là con lợn, tiếng Mường).

Sửu có dạng âm cổ phục nguyên gần với Trâu/Tru của tiếng Việt nhất (âm Hán Việt của Trâu phải là Ngưu). Đi ngược dòng thời gian về thời Tần, các hình vẽ, khắc trên giáp cốt văn, kim văn đều cho thấy Ngưu là chữ tượng hình - hình phía trước của con trâu có hai sừng.

Nếu chữ Ngưu được dùng thay chữ Sửu trong tên 12 con giáp thì nguồn gốc tiếng Hán của chúng có cơ sở chứng minh, nhưng chữ Sửu (và các chữ khác như Tý, Dần, Hợi) chẳng dính líu gì đến tên gọi 12 con vật trong tiếng Hán.

Trong An Nam dịch ngữ (NXB Đà Nẵng 1995), Trâu còn được phiên âm là Klâu. Tự điển Việt - Bồ - La (1651) thì phiên âm Trâu là Tlâu. Các dạng tiếng Mường, Trâu là Tlu - Klu.

Qua các phân tích ngôn ngữ học, ông Nguyễn Cung Thông tìm ra các tương quan ngữ âm giữa Sửu - Klu - Tlu - Tru - Trâu. Từ đó, ông cho rằng hệ thống tên gọi Tý, Sửu, Dần, Mão… chính là hệ thống ký âm của người Hán ghi lại tên gọi các con vật từ tiếng nước ngoài. Tiếng nước ngoài đó không đâu khác, chính là tiếng Việt cổ.

Điều thú vị là ngay cả các học giả Trung Quốc hiện vẫn không lý giải được xuất xứ tên gọi của 12 con giáp. Và, nếu các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đều đồng ý tên 12 con giáp là của tiếng Việt thì sẽ có nhiều hệ luận quan trọng như đóng góp của người Việt cổ vào văn hóa cổ châu Á mà ít người biết đến.

Nói thêm, Nguyễn Cung Thông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Đại học Melbourne, sau đó dạy thêm toán, vật lý khi có bằng sư phạm của Đại học Sư phạm Melbourne. Ông bắt đầu say mê ngôn ngữ học cách đây hơn 20 năm khi theo học ngành ngôn ngữ tại Đại học Queensland và giáo dục tại Đại học Monash. Ông hy vọng trong tương lai có thể tìm, xác nhận và liệt kê các tiếng Việt cổ chỉ súc vật trong vốn từ Hán (thường bị đào thải và trở nên hiếm dùng).

Tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ ba tại Hà Nội từ ngày 4 đến 7-12-2008, ông cũng đề cập việc này. Do yếu tố tâm linh, tín ngưỡng mà các chữ Tý, Sửu, Dần, Mão... vẫn trường tồn trong quảng đại quần chúng. Theo ông, nên có những đề án khôi phục các dạng tiếng Việt cổ một cách hệ thống như từ thời thượng cổ, thời Văn Lang, thời Hai Bà Trưng... cũng như nghiên cứu những đóng góp của tổ tiên trong văn hóa cổ đại châu Á (như tên 12 con giáp…), tổng hợp các kết quả nghiên cứu từ khảo cổ, di truyền học, ngôn ngữ học, lịch sử...

ĐNCT

;
.
.
.
.
.