Nhiều cách chữa bệnh ngó rất đơn giản nhưng hiệu nghiệm bất ngờ, dân gian gọi là “chữa mẹo”, “chữa khoán”. Hầu hết các phương thuốc dân gian này không được chép trong y văn và, tất nhiên, không rõ ai là tác giả.
Rẻ mà hiệu nghiệm
Lương y Trần Đình Niên sưu tầm các phương thuốc dân gian để truyền dạy cho 4 người con đang hành nghề Đông y. |
Đã có không ít người bệnh đi khắp các bệnh viện, dùng hết các loại Tây y nhưng vẫn tiền mất tật mang. Thế nhưng, nếu may mắn được ai đó mách cho cách “chữa mẹo” là tai qua nạn khỏi, các “bí quyết” này nằm rải rác trong dân gian, chỉ có duyên mới “học” được chúng.
Lương y Trần Đình Niên, chủ nhà thuốc Vạn Phát Đường, 380 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng, có lần ngồi trên một chuyến xe thấy một bà cứ ôm bàn chân la đau hoài. Bà bị chứng chai chân, muốn chữa phải phẫu thuật cắt phần chai đi. Một bà ngồi bên khuyên bà về ăn chuối mốc rồi dán vỏ lên chỗ chai, một tuần là hết. “Học” được mẹo này, ông Niên về chữa thử mấy người thì quả là hiệu nghiệm.
Ông Niên kể, gần 40 năm trước, có một cháu bé 8 tuổi bị tiêu chảy, mất kiệt nước làm da nhăn nheo, bệnh viện “chạy”, khuyên người nhà đưa về. Một ông không phải thầy thuốc đến thăm, bảo để ông lo. Ông nhổ một bãi nước miếng xuống đất rồi lấy một củ gừng mài lên đó, xong quệt chất sền sệt đó lên cho cháu uống. 10 phút sau là cầm ngay tiêu chảy, đứa bé được cứu sống. Khi ông Niên cho là mất vệ sinh, ông bảo phải làm vậy vì cứu người như cứu hỏa, rồi giải thích: Gừng tính ôn trung làm ấm bụng, mài dưới đất để cho thổ nhập tỳ, nước miếng là tân dịch, mượn tân dịch để dẫn thuốc cho nhanh.
Anh Lương Xuân Phước, chủ quán Thanh Trúc ở 958 Nguyễn Lương Bằng, phía Nam cầu Nam Ô, kể chuyện chữa bệnh bằng... đồ biển. Lần nọ trong xóm có người bị táo bón cả tuần, uống thuốc gì cũng không đỡ. Anh khuyên nên ăn ốc cay, loại ốc biển có gai nhưng không nhọn, thịt có vị cay cay, đắng đắng, là khỏi ngay. Gắn bó với biển từ nhỏ, hơn 15 năm chuyên bán hải sản, Phước tích lũy được một số kinh nghiệm chữa bệnh: Mất ngủ thì ăn đầu cá giò (càng nhiều càng dễ ngủ), đau khớp thì ăn ốc trinh nữ (còn gọi là bướm tiên, loại ốc hình ô-van, da trơn, miệng có khe rất đặc trưng, sống từng cặp dưới biển), bồi dưỡng sức khỏe sau bệnh thì ăn hàu hoặc bào ngư…
Điểm chung của các bài thuốc dân gian này là cực rẻ, nhưng hiệu quả thì Tây y tiền triệu cũng không sánh kịp.
Để các nhà khoa học phân tích
Anh nọ vô ý đạp phải cái dằm gỗ lim vào giữa móng chân cái, máu chảy hàng bát, mặt tái xanh, đau nhức vô cùng. Một người thấy thế, giúp buộc chặt ngón chân đau lại, rồi cầm con dao sắc ra vườn tìm cây chuối chém một nhát cho đứt ngang. Hơn 1 giờ sau giữa thân chuối sẽ trồi lên một nõn non chừng nửa đốt tay. Cắn nõn chuối, thêm vài hạt muối nhai nhuyễn đắp vào đầu ngón chân, buộc lại, chừng 4 giờ sau là có thể rút được dằm ra.
Ốc cay và lá cây phèn đen là hai vị thuốc dân gian rất hiệu nghiệm mà không phải ai cũng biết. |
Lương y Nguyễn Tử Siêu (1887 – 1965) thuật lại cách chữa trị ly kỳ này trong quyển Tử Siêu y thoại (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1990) của ông, theo lời kể của ông Lê Hữu Thành, dòng dõi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nhân đó, ông Siêu nhớ hồi còn bé thấy một ông lang chữa chứng đau bụng kinh niên cho chị ông. Ông lang bảo tìm một cây chuối tiêu cao, chém ngang cây rồi đào lấy cả gốc đem về dựng trong xó nhà phía đông. Sáng hôm sau thân chuối trồi nõn lên, bệnh nhân ngủ dậy khoan súc miệng, cắn cái nõn thành 3 miếng, thêm mấy hạt muối, nhai rồi nuốt, xong, tráng miệng bằng một hớp nước nóng. Chị ông ăn một lần là dứt chứng đau bụng đã 4-5 năm.
Xâu chuỗi hai cách chữa này, ông Siêu nhận thấy công dụng của nõn chuối thật là lạ và lưu lại một câu hỏi mở: “Vậy nõn chuối vì sao mà có công dụng như thế, để nhờ các nhà khoa học phân tích…”.
Lúc làm Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Phạm Thị Mai nhân có lần điện thoại anh Trần Văn H. ở phường Khuê Trung, báo bị sưng tấy cánh tay do tiêm thuốc (áp-xe), đau nhức không cử động được. Bác sĩ Đặng Thị Phương ngồi gần đó nghe chuyện, góp ý, bị thế đắp lá cây phèn đen thần hiệu lắm. Hai chị em dẫn nhau lên khu dân cư số 4 Khuê Trung, khi đó đang quy hoạch, nhiều cỏ hoang, tìm được cây phèn đen, lá rất giống rau bồ ngọt, nhưng nhỏ và thon hơn. Đêm đó, H. đắp lá cây giã giập trộn ít muối vô chỗ đau, hôm sau khỏi hẳn, cứ như thuốc tiên vậy.
Hơn 200 năm trước, Hải Thượng Lãn Ông đã từng viết trong Lĩnh Nam bản thảo: “Thuốc thang có ở khắp nơi/ Trong vườn ngoài bãi trên đồi dưới sông/ Hàng ngàn thảo mộc thú trùng/ Thiếu gì thuốc bổ, thuốc công bên mình”. Tiền nhân, qua đấu tranh với thiên nhiên để bảo vệ sức khỏe mình, đã ngộ được kinh nghiệm chữa bệnh, đúc kết và truyền đạt cho thế hệ sau. Những thầy thuốc khuyết danh đã để lại nhiều phương hay thuốc quý, đã không tốn tiền mà rất hiệu nghiệm.
Thuốc hay không hẳn là đắt tiền, mà ở chỗ diệu dụng của nó. Có điều, hiện vẫn chưa có một công trình nghiên cứu rốt ráo nào mang tính khoa học để đặt các phương thuốc dân gian này vào vị trí xứng đáng, gác lại những hoài nghi không đáng có. Các thầy thuốc, những nhà khoa học thời nay vẫn còn mắc nợ với tiền nhân, với xã hội vậy.
VĂN THÀNH LÊ