Thường vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, câu chuyện đối với các doanh nghiệp (DN) không chỉ là đơn hàng, vốn vay... mà điều không kém phần quan trọng là giữ chân người lao động (LĐ), nhất là LĐ phổ thông. Bởi, qua một năm làm việc, cùng với tay nghề đã ngày càng vững hơn, thì người LĐ có xu hướng tìm kiếm nơi làm việc có điều kiện tốt hơn, thu nhập cao hơn...
Trong khi đó, với sự phát triển như hiện nay, các địa phương trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung đã có những kết quả cụ thể trong việc thu hút đầu tư, khai thác dòng vốn từ trong và ngoài nước để mở mang DN trên địa bàn mình, nên người LĐ cũng dễ dàng tìm kiếm việc làm ngay tại địa phương, chứ không còn tình trạng ồ ạt đổ về các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp như trước đây.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng đối với các DN trên địa bàn Đà Nẵng, là người LĐ đã không còn tình trạng quay lưng sau một năm làm việc nữa. Theo bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, qua khảo sát và báo cáo từ các DN, hiện đã có khoảng 90-95% LĐ quay lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Lý giải điều này, bà Liên cho rằng, ngay trước Tết, các chủ DN đã tỏ thái độ cầu thị, muốn giữ chân người LĐ bằng các chế độ lương, thưởng Tết... sòng phẳng, minh bạch; mặc dù năm 2011 không phải là năm thuận lợi cho phát triển kinh tế. Bởi, họ đã thấm thía bài học cứ sau Tết là phải vừa lo đơn hàng, vừa lo tuyển dụng lao động; mà tuyển dụng lao động mới, là phải bỏ kinh phí, thời gian ra đào tạo lại và để người LĐ thích ứng với môi trường làm việc mới. Cũng chính vì thế, trên địa bàn Đà Nẵng, vào thời điểm nhạy cảm này của năm qua, chỉ có 2 DN xảy ra tình trạng người LĐ lãn công, phản ứng trước chế độ lương, thưởng Tết nhập nhằng của chủ DN. Nhưng nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng, tình hình đã được kiểm soát và hoạt động trở lại bình thường.
Bên cạnh thái độ cầu thị của chủ DN đối với người LĐ, thì những động thái tích cực của chính quyền trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển của DN, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, hỗ trợ cải thiện đời sống cho người LĐ... cũng là yếu tố quan trọng trong việc giữ chân họ gắn bó với DN, nhất là trong những thời điểm khó khăn.
Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động thành phố, trên địa bàn quận Liên Chiểu và Sơn Trà đã thành lập thí điểm 2 Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân nhằm hỗ trợ cho việc quản lý của chính quyền và tạo điều kiện về sinh hoạt cho người LĐ; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vận động các chủ nhà trọ đang cho công nhân thuê không tăng giá tiền nhà, thu đúng giá điện, giá nước theo quy định của Nhà nước; từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN; tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá... Mặc dù so với nhu cầu, những hoạt động này vẫn chưa đáp ứng cho đông đảo người LĐ nhưng cũng là yếu tố tác động tích cực đến việc đồng hành DN giữ chân người LĐ.
Nhìn vào bức tranh phát triển kinh tế trong năm 2012 cũng như tổng thể đời sống, việc làm của người LĐ trên địa bàn thành phố, thì việc giữ chân người LĐ không chỉ là việc của một năm mà có ý nghĩa lâu dài.
Theo một lãnh đạo thành phố ví von, thì hiện nay, người LĐ, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang ở trong tình trạng “4 thấp, 1 cao”. Đó là: Trình độ văn hóa, tay nghề; chất lượng nhà ở; thu nhập và đời sống văn hóa tinh thần thấp; chỉ có cường độ lao động là cao! Trong đó, có những dẫn chứng cụ thể như: Trình độ học vấn từ tiểu học đến THPT chiếm 89%, tay nghề chủ yếu bậc 2 và 3; thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng chiếm 69%; hơn 50% người LĐ là nhập cư nên phải thuê nhà với diện tích bình quân từ 3-4m2/người; thời gian lao động mỗi ngày từ 8 giờ đến 16 giờ chiếm 69,4%...
Chính vì vậy, cần có những giải pháp dài hơi trong việc giải quyết những bất cập của “4 thấp, 1 cao” như trên để giữ chân người LĐ một cách bền vững hơn!
ANH QUÂN