.

Giữ lời thề blouse trắng

.

Với bác sĩ (BS) Trần Hùng, Trung tâm Family hiện tại và Bệnh viện Family trong tương lai là niềm tâm huyết, đánh dấu hành trình chông gai, bền bỉ cũng như nỗ lực không ngừng của ông cùng các cộng sự.

Bác sĩ Trần Hùng chúc mừng một nhân viên xuất sắc của Family.
Bác sĩ Trần Hùng chúc mừng một nhân viên xuất sắc của Family.

1. Cái tên Family - Trung tâm BS gia đình Đà Nẵng - đang được nhiều người dân thành phố cũng như khu vực miền Trung biết đến. Với Trần Hùng, đó là sự tưởng thưởng xứng đáng. Ông cảm nhận và hiểu rất rõ giá trị của cuộc sống là sống có ý nghĩa, tận dụng thời gian để thực hiện những đam mê. “Với người thầy thuốc, giá trị của cuộc sống là cứu người và vì lợi ích của bệnh nhân”, Trần Hùng tâm sự. Việc Family ra đời và hoạt động theo đúng hướng vạch ra đã là niềm hạnh phúc lớn lao với BS Hùng. Song, ông vẫn ấp ủ khát vọng đưa mô hình BS gia đình áp dụng cho một bệnh viện đa khoa cũng mang tên Family và sẽ là điểm đến của người dân miền Trung, góp phần hỗ trợ cấp cứu, đồng thời giảm tải ở các bệnh viện của thành phố.

Hơn 30 tuổi, Trần Hùng rời Bệnh viện C17 để thành lập phòng khám tư nhân nho nhỏ với mong muốn vận hành theo kiểu BS gia đình. Việc rời nơi đã gắn bó, vun đắp những bài học đầu tiên khi ông chính thức khoác blouse trắng thật không dễ dàng. Suy nghĩ, cân nhắc, ông quyết định ra đi. “Thôi thì mỗi người đều lựa chọn cho mình một lối rẽ và lối rẽ nào cũng sẽ có ít nhiều chông gai”, ông đã nói với các đồng nghiệp như thế.

Năm 1997, BS gia đình vẫn là mô hình mới mẻ không chỉ với Đà Nẵng mà còn với các địa phương trên cả nước và chưa được hiểu đúng nghĩa. Người ta cho rằng, “BS gia đình nghĩa là BS đi khám dạo”. Trần Hùng biết con đường đi của mình sẽ khó khăn và có thể Family cũng rẽ theo hướng như bao phòng khám đa khoa khác, bệnh nhân đến khám rồi ra về chứ không có mối liên kết chặt chẽ, lâu dài giữa BS với người bệnh. Đồng nghiệp, bạn bè không ủng hộ và cho rằng mô hình này chưa được áp dụng ở 2 đầu đất nước thì làm sao thành công ở Đà Nẵng. Nhưng ông có niềm tin mãnh liệt rằng, chỉ cần nỗ lực và bước đi vững chãi thì lối rẽ này sẽ dẫn đến ánh sáng. Dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ mô hình BS gia đình và bằng cả những trải nghiệm thực tiễn ở nước ngoài, ông ao ước người dân Đà Nẵng cũng sẽ được khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe với dịch vụ tốt nhất.

Đến năm 2003, khi có Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân mới, phòng khám Family chính thức được cấp phép và số lượng thân chủ bắt đầu tăng vọt.  

2. Chặng đường của Phòng khám Family đã cho Trần Hùng không ít niềm vui lẫn nỗi buồn. Vui vì những bệnh nhân đã đến với ông trở nên thân thiết. Vui vì sự cởi mở của xã hội đối với y tế tư nhân. Buồn vì nhu cầu của bệnh nhân nhiều, trong khi phòng khám lại nhỏ hẹp. Buồn vì có lúc ông cảm thấy chông chênh, mong ước nhiều, khát vọng nhiều nhưng chưa đủ để biến giấc mơ thành hiện thực. Một trung tâm khám bệnh đa khoa theo quan hệ thân chủ có lẽ vẫn xa vời.

Bác sĩ Trần Hùng (phải) đã sưu tầm tem thư từ nhiều quốc gia trên thế giới làm quà tặng bác sĩ Trần Hữu Đức, đồng nghiệp tại Family.
Bác sĩ Trần Hùng (phải) đã sưu tầm tem thư từ nhiều quốc gia trên thế giới làm quà tặng bác sĩ Trần Hữu Đức, đồng nghiệp tại Family.

Tự quản lý và trực tiếp khám bệnh quả thật không đơn giản, nhất là khi bệnh nhân đăng ký để trở thành thân chủ thì luôn cần được chăm sóc một cách khoa học, kỹ lưỡng, hiệu quả bằng sự tận tâm, bằng y và đức của những người thầy thuốc. Trần Hùng phải tự làm hầu hết mọi việc, từ khâu tuyển nhân sự đến khâu đào tạo cung cách tiếp xúc, phục vụ bệnh nhân theo tiêu chuẩn do ông đặt ra và giúp các cộng sự hiểu về mô hình BS gia đình. Ông làm việc từ sáng đến tối với những ý tưởng luôn thôi thúc. Ông vẫn đau đáu việc vươn xa hơn, để Family không những là địa chỉ tin cậy của người dân Đà Nẵng mà còn các tỉnh, thành lân cận cũng như bạn bè nước ngoài - những người đang học tập, làm việc và sinh sống trên dặm dài của mảnh đất miền Trung.

3. Trung tâm Family ra đời vào ngày 1-1-2008 trong niềm vui khôn tả của Trần Hùng. Hơn 10 năm để có được một trung tâm như ông hằng mong mỏi. 10 năm là chặng đường dài, nhưng với BS Hùng, hành trình đó phù hợp, chín muồi để ông và các cộng sự càng thêm gắn bó như một đại gia đình, đúng với cái tên Family.

Trung tâm Family nhận chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ hằng tháng, lưu trữ và bảo mật hồ sơ sức khỏe dưới dạng bệnh án điện tử để theo dõi cho các thân chủ. BS Hùng cho rằng, đây là hình thức để phân biệt và xác định hướng đi của Family khác với các trung tâm, phòng khám đa khoa khác. Nhờ nắm chắc bệnh án, Family có thể hỗ trợ từ xa cho bệnh nhân để xử lý các tình huống về sức khỏe, hoặc thăm bệnh, điều trị bệnh tại nhà khi thật sự cần thiết. Còn trong những trường hợp khác sẽ gửi người bệnh đến đúng BS chuyên khoa hoặc bệnh viện phù hợp để điều trị.  

Kể từ năm 2003 đến nay, Family đã tiếp nhận theo dõi, quản lý hơn 50.000 hồ sơ sức khỏe đăng ký khám lâu dài. Tháng cao nhất có khoảng 3.000 lượt người tái khám. Có những bệnh nhân gắn bó với Family như người nhà đến nỗi khi có bất kỳ triệu chứng bất ổn gì đều gọi đến trung tâm. Chia sẻ về điều này, Giám đốc Family rạng rỡ niềm vui. Ông cho rằng, nhờ tránh được cảnh chen chúc, chờ đợi thường có ở các bệnh viện nên bệnh nhân và người nhà mới hài lòng về Family.

4.Giờ đây, Trung tâm Family đã vận hành quy cũ, nhưng Trần Hùng luôn tự nhủ, nếu dừng lại thì chẳng khác gì tự đào thải mình theo quy luật tất yếu trong vòng quay cuồn cuộn của cuộc sống hiện đại.

Cộng sự của Trần Hùng càng lúc càng đông. Nhiều BS có tiếng tăm được ông mời về và trở thành thành viên trong ngôi nhà chung Family. Trong các cuộc gặp mặt, sinh hoạt thường kỳ, không còn khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, chỉ có sự thân tình như anh - em trong một gia đình, ông nói vui rằng đó là “phong cách của Family” khi không mặc blouse trắng. Ông cũng muốn 60 con người ở Family cùng viết tiếp “ước mơ của Thúy”, bệnh nhân ung thư dù chỉ còn lại một chân nhưng trong những ngày tháng cuối cùng vẫn chống nạng đến từng giường bệnh để động viên và trao quà yêu thương cho các bệnh nhi mắc căn bệnh quái ác như mình. Ông chia sẻ câu chuyện này qua những đoạn phim về “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy, hay về “én nhỏ” tung bay có giọng hát cao vút, trong trẻo Võ Hoàng Ngân, bệnh nhân 9 tuổi đã qua đời vì bệnh ung thư. Những ánh mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt lăn dài. Những người trẻ thường ngày mang blouse trắng tự nguyện quyên góp làm quỹ từ thiện cho Family, để sự kết nối yêu thương lan tỏa. “Đó là một trong những cách chúng tôi tự nhắc nhau về lời thề Hyppocrates, để thực hiện thiên chức của người thầy thuốc và phục vụ bệnh nhân tốt hơn”, Trần Hùng chia sẻ.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.