.
Hồ sơ tên đường

Triệu Việt Vương, tin người, mất ngôi

.

Lịch sử Việt Nam có hai bậc đế vương vì quá tin yêu con rể mà mất nước, mất ngôi: An Dương Vương bị tráo móng rùa và Triệu Việt Vương bị tráo móng rồng.

Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục (? – 571), danh tướng nhà Tiền Lý, con của Thái phó Triệu Túc, quê ở Chu Diên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 541, ông cùng cha theo phò Lý Bôn (còn gọi là Lý Bí, lên ngôi lấy niên hiệu là Lý Nam Đế), lật đổ chính quyền đô hộ nhà Lương.

Năm 545, Lương Võ Đế lại sai Trần Bá Tiên đem quân sang đánh phá nước ta. Lý Nam Đế thua trận phải lui về động Khuất Lạo, ủy thác cho Triệu Quang Phục điều quân đánh giặc, giữ nước. Triệu Quang Phục chọn đặt căn cứ ở đầm Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là vùng lau sậy um tùm, bốn bề bùn lầy, giữa có nền đất cao, chỉ có thể đi lại bằng thuyền độc mộc nhỏ, nếu không quen đường sẽ bị lạc. Ông đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, dùng chiến thuật du kích đánh phá doanh trại giặc. Dân gian tôn ông là Dạ Trạch Vương.

Sách Việt Điện U Linh tập kể rằng, Quang Phục ở trong đầm được một năm, một đêm kia thấy thần Hoàng long (rồng vàng) cởi móng đem cho mà bảo rằng: “Lấy cái móng này cắm vào trên mũ đâu mâu, hễ giặc thấy là tự nhiên sợ mà quy phục”. Quả thực, từ đó Quang Phục mưu lược kỳ dị, đánh đâu thắng đấy.

Sau khi Lý Nam Đế mất, ông xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Đến năm Canh Ngọ (550), nhân nhà Lương có loạn to, Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch, biết thế giặc đã suy yếu, bèn xuất toàn quân giao chiến với giặc. Tướng giặc là Dương Sằn vừa trông thấy mũ đâu mâu đã thua chạy trối chết. Việt Vương thu lại kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước.

Bấy giờ một viên tướng phía người anh của Lý Bôn tên là Lý Phật Tử đóng quân ở vùng Dã Năng (Sông Đà) đem quân đánh nhau với Triệu Việt Vương, giành ngôi vua. Việt Vương nghĩ tình cũ với Lý Bôn, chia cho Phật Tử nửa nước, lấy bãi Quân Thần (Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay) làm ranh giới.

Phật Tử cho con tên là Nhã Lang đến cầu hôn xin cưới Cảo Nương - con gái Việt Vương. Cả hai sống với nhau hảo tình mật thiết, cầm sắt giao hòa. Một hôm Nhã Lang hỏi nhỏ Cảo Nương rằng: “Không hiểu phụ vương nàng có cái diệu thuật gì mà đánh đâu thắng đó vậy?”. Cảo Nương lén lấy cái đâu mâu móng rồng đem cho chồng xem: “Xưa nay phụ vương thiếp hơn giặc là nhờ cái này”. Nhã Lang xem qua, thầm mưu tráo cái móng rồng rồi cáo xin về thăm cha, dặn Cảo Nương rằng, nếu có biến cố bất ngờ xảy ra thì hãy rải lông ngỗng để tiện việc kiếm tìm.

Nhã Lang đem móng rồng về nước dâng cha. Phật Tử liền cất quân đánh úp Việt Vương. Việt Vương thấy đâu mâu không còn linh ứng, bèn dắt con gái lánh về phương Nam. Binh giặc tới sát bên chân, Vương sợ hãi hô to lên rằng: “Hoàng Long thần vương sao không giúp ta?”. Thần hiện lên bảo: “Giặc ở bên lưng không giết đi còn đợi gì nữa?!”. Vương quay lại mới hay Cảo Nương rải lông ngỗng dẫn đường cho giặc, chém chết con rồi chạy đến sông Đại Nha (Nam Định) gieo mình xuống sông tự tử.
Nhà Thục và nhà Triệu trước sau đều đến chỗ suy vi bởi hai nàng đắm đuối vì tình mà không hiểu đến dã tâm của lang quân thâm độc!

Nhân dân địa phương các nơi Triệu Việt Vương đi qua đều lập đền thờ, tôn ông là vị phúc thần. Trong đó, tại vùng văn hóa cửa biển Thần Phù, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình, có đình Phù Sa là di tích văn hóa cấp quốc gia thờ Triệu Việt Vương là Thành hoàng làng.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 400m, rộng 10,5m (ảnh), từ đường Ngô Quyền giáp khu dân cư An Mỹ đến đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa VI, ngày 12-1-2002 về đặt tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.