.

Khiêm tốn - một nhân tố của thành công

.

Khi trò chuyện với người khiêm tốn, bạn luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và rất thú vị. Người khiêm tốn không bao giờ thổi phồng hoặc đánh giá cao về mình, trong suy nghĩ lẫn hành động. Càng muốn tạo ấn tượng, khoe khoang để lôi kéo sự chú ý của người khác, chúng ta chỉ càng nhận lại một kết quả trái ngược.
 

Sự khiêm tốn luôn chiếm được thiện cảm của người xung quanh.                                         (Ảnh minh họa)
Sự khiêm tốn luôn chiếm được thiện cảm của người xung quanh. (Ảnh minh họa)

Tính khiêm tốn dễ đưa mọi người đến gần nhau, làm lan tỏa mối thân thiện giữa môi trường làm việc cũng như trong quan hệ bằng hữu, tình yêu. Tính khiêm tốn không thể đồng hành cùng tính tự cao tự đại, lúc nào cũng xem mình là “cái rốn của vũ trụ”. Hãy luôn xem trọng việc tự rèn luyện và không ngại học hỏi từ mọi người xung quanh. Để gây thiện cảm với mọi người, bí quyết chính là lòng khiêm tốn.

Trong một buổi hội thảo khoa học, mọi người rất có thiện cảm với một nữ khoa học trẻ, xinh đẹp. Thế nhưng khi phát biểu, trong phần tự giới thiệu về mình, cô nói rất nhiều về những thành tích, bằng cấp mình có được khiến ai cũng tiếc rằng một phụ nữ trẻ đẹp, trí thức mà lại kém duyên. Ngày nay, các bạn gái cần tự tin nhưng không có nghĩa là thiếu khiêm tốn, vô tư khoe khoang về mình. Thành ngữ có câu: “Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu”, càng ít nói về bản thân mọi người sẽ dành nhiều cảm tình với bạn hơn, vì thông thường người ta hay tìm điều ngược lại những gì bạn nói
về mình.

Người kiêu ngạo luôn ghi nhớ những lời khen của người khác về mình, trong khi người khiêm tốn thì nhớ đến những điều tốt lành, mà họ may mắn nhận được từ cuộc sống. Khiêm tốn còn là một thuộc tính tích cực của lòng tự trọng. Người tự trọng đánh giá đúng bản thân cũng như công việc của mình, biết tự chủ, tôn trọng người khác. Thế nên, những tính chất tốt đẹp do lòng khiêm tốn đem lại sẽ là hành trang cần thiết cùng bạn đi đến thành công.

Ngoài ra chúng ta cần khâm phục những người luôn hoàn thành công việc mà không coi mình là trung tâm, họ ở xung quanh ta. Đó là ​​các nhân viên thường xuyên làm thêm với đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, động lực, hay là một trợ lý giám đốc, người ở lại một mình trong văn phòng sau 5giờ30 để chờ người chuyển phát nhanh, hoặc những người quản lý, người lặng lẽ hủy bỏ một sự kiện quan trọng của cá nhân để bay ra khỏi thành phố tham dự vào việc kinh doanh của công ty, đó là những nhà hảo tâm vô danh.

Khiêm tốn còn là biểu hiện của đức hạnh. Nó đi qua một loạt các nguyên tắc. Ví dụ, chúng ta có thể tuyên bố rằng nếu thiếu khiêm tốn sẽ không bao giờ thành công. Vì sao? Bởi vì, trong cuộc hành trình của một nhà lãnh đạo sẽ có lúc họ không có được sự hài lòng của nhân viên. Lúc đó họ phải biết thừa nhận điều này và luôn tìm ra mong muốn của nhân viên đối với sự khiêm nhường của sếp. Một dấu hiệu của một nhà lãnh đạo thực sự khiêm tốn là họ luôn đối xử với mọi người ở mọi vị trí bằng sự tôn trọng.

PHI TUÂN (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.