Hội nghị tổng kết công tác năm 2011, đề ra phương hướng công tác năm 2012 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam vừa tiến hành đầu tháng 2 năm 2012 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Một trong những định hướng quan trọng được đề ra là VHNT cả nước phải tăng cường hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả, nâng cao trách nhiệm xã hội của các Hội VHNT các địa phương.
Đối với văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng, có thể nói, từ nhiều năm qua, ý thức về trách nhiệm công dân đã được thể hiện rõ qua những công trình sáng tạo của mình. Nhìn lại những sự kiện VHNT diễn ra trong năm 2011, chúng ta vui mừng nhận thấy văn nghệ sĩ thành phố đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của mình, đã nỗ lực không ngừng nghỉ để ghi lại nhịp sống sôi động của thành phố thông qua các loại hình nghệ thuật khác nhau, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố đối với trong nước và quốc tế, đồng thời đây cũng là những món quà sáng tạo đầy ý nghĩa chào mừng 15 năm Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Thử điểm lại một vài sự kiện. Trước hết là những chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài nước của anh chị em văn nghệ sĩ thành phố để bổ sung cho hành trang sáng tạo của mình. Đáng chú ý là chuyến đi thực tế “về nguồn”, theo bước chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người hoạt động tại Cao Bằng, Tuyên Quang và một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Chuyến đi đã bổ sung rất nhiều kiến thức, những điều thu nhận, những cảm xúc và tư liệu nóng hổi về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác trong những ngày tháng gian khó của cách mạng buổi đầu, phục vụ cho đợt sáng tác với chủ đề hưởng ứng cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương phát động. Ngoài ra, các chuyến đi thực tế do các Hội chuyên ngành tự tổ chức cũng đã mang lại nhiều chất liệu cho sáng tác của anh chị em, và sau mỗi chuyến đi đều thu được những thành quả cụ thể được đánh dấu qua các cuộc trưng bày, các triển lãm, các tác phẩm dự thi đoạt giải ở trong và ngoài nước.
Hoạt động của các Hội chuyên ngành, tuy có khó khăn về kinh phí nhưng cũng luôn diễn ra đều đặn trong cả năm. Hội Nhà văn thành phố và Tạp chí Non Nước đã cho ra đời Tuyển tập truyện ngắn hay trên Tạp chí Non Nước 15 năm qua. Có thể còn có những điều cần bổ khuyết nhưng đây sẽ là nơi lưu giữ những cảm xúc tâm hồn của những người cầm bút về những đổi thay của quê hương Đà Nẵng từ khi trở thành những thành viên chính thức trong đội hình các thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong những ngày giữa tháng 12-2011, liên tiếp 3 sự kiện đáng phấn khởi khiến văn nghệ sĩ hết sức bận rộn nhưng cũng là cơ hội thể hiện hết mình vì thành phố, đó là triển lãm Mỹ thuật nhân kỷ niệm 15 năm, tổng kết chấm giải nhiếp ảnh quảng bá du lịch thành phố và tổ chức công diễn những tác phẩm chọn lọc từ trại sáng tác âm nhạc thành phố diễn ra từ hơn hai tháng trước đó.
Nếu nhìn lại quá trình hoạt động văn nghệ của cả năm qua, thì phải nói, sự kiện lớn nhất, khó khăn nhất, và cũng là sự kiện “nhạy cảm” nhất, đó là cuộc xét giải thưởng VHNT 5 năm lần thứ 2 của thành phố. Cuối cùng thì mọi vất vả, khó khăn phức tạp cũng qua đi, 53 tác phẩm được chọn lọc từ các chuyên ngành đã vào chung kết với 4 giải A, 24 giải B, 14 giải C, 11 giải khuyến khích và 7 giải dành cho các văn nghệ sĩ có nhiều thành tích trong hoạt động VHNT của thành phố. Đó là thành quả đáng tự hào không chỉ của riêng những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực sáng tạo VHNT. Những gì đã đạt được đã cho thấy bước đi vững chãi và sự trưởng thành của cả một giai đoạn VHNT với bao khó khăn thách thức.
Bên cạnh thành quả thu được qua Giải thưởng 5 năm của thành phố như vừa nêu, nếu chỉ nhìn lại một năm 2011 vừa đi qua thông qua các giải thưởng quốc gia và quốc tế, có thể thấy thành quả sáng tạo cụ thể của anh chị em văn nghệ sĩ thành phố. Không ít Hội chuyên ngành đã được mệnh danh là năm được mùa giải thưởng. Vài con số trích ra từ 2 Hội thành viên của Liên hiệp là Nhiếp ảnh và Âm nhạc: 2 giải thưởng xuất sắc quốc gia loại A về nhiếp ảnh nghệ thuật. 2 Huy chương bạc, đồng quốc gia và khu vực về nhiếp ảnh nghệ thuật. 6 giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh nghệ thuật, trong đó có 2 Huy chương vàng, 4 Bằng danh dự. 10 giải thưởng âm nhạc, trong đó có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương trao tặng cho các nhạc sĩ thành phố Đà Nẵng.
Ngay trong những ngày cuối năm Tân Mão 2011, tin vui đến từ Chi hội Nhà văn cho biết tác phẩm Minh Sư của nhà văn Thái Bá Lợi đã được giải nhất, giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Lịch sử dân tộc qua cảm xúc và tư duy xã hội của nhà văn đã được chiếu rọi bằng một cái nhìn mới: Chân thực hơn, nhân hậu hơn nhưng không kém phần khốc liệt, dữ dội, phức tạp vốn có như trong lịch sử. Cũng không thể không nhắc tới một sự kiện thu hút sự quan tâm của mọi người trong và ngoài giới, một sự kiện mang tính quốc gia đang bước vào hồi kết trong khoảng đầu năm mới Nhâm Thìn 2012, đó là việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Chắc chắn giới VHNT thành phố Đà Nẵng cũng sẽ góp những tác giả, tác phẩm làm nên những danh hiệu cao quý này.
Nhìn lại một năm đã qua, trên bức tranh toàn cảnh, vẫn còn những lỗ hổng mà mỗi cá nhân nghệ sĩ ở từng hội chuyên ngành phải tự chiêm nghiệm sau một năm miệt mài sáng tạo để có cái nhìn khách quan điềm tĩnh hơn nhằm gặt hái tiếp những thành quả mới. Hội nghị Ban Chấp hành Liên hiệp Hội diễn ra trong bối cảnh bận rộn của những ngày cuối năm đã nghiêm túc nhìn nhận những bất cập của làng văn nghệ năm 2011. Đó là, chất lượng sáng tạo vẫn chưa được nâng lên một cách đồng đều giữa các Hội và chưa xứng tầm với thực tiễn sinh động và đầy màu sắc hấp dẫn của hiện thực đời sống thành phố. Đó là, việc tập hợp và phát huy tài năng của văn nghệ sĩ còn hạn chế, chưa huy động được đông đảo anh chị em tham gia đầy đủ các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố. Và một vấn đề khá bức xúc, đó là việc xã hội hóa các hoạt động VHNT trong thời gian qua tuy có những bước chuyển biến, nhưng vẫn còn tâm lý trông chờ vào nguồn kinh phí từ Nhà nước, chưa năng động tìm nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật phục vụ công chúng.
Xét trên phương diện trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, rõ ràng là trong năm 2012, những người hoạt động VHNT phải tiếp tục cuộc hành trình “dấn thân” quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, nhập cuộc hơn nữa vào những sự kiện đang diễn ra với tất cả những mặt thuận và những mặt trái của nó. Phê phán quyết liệt những gì cần phê phán. Kiên quyết bảo vệ những gì cần bảo vệ. Và phê phán, bảo vệ bằng tiếng nói của văn nghệ, bằng những tác phẩm hay, khắc sâu vào tâm khảm mọi người. Sẽ có những hoạt động phối hợp giữa giới văn nghệ sĩ với lãnh đạo các địa phương, ban, ngành, các doanh nghiệp để khai thác những vấn đề đang đặt ra trong đời sống thành phố trong giai đoạn phát triển hiện nay, vươn tới sự hoàn thiện.
Ngoài những vấn đề của thành phố, nhiều nội dung lớn có tầm quốc gia đang đặt ra trước mắt những người hoạt động VHNT như hưởng ứng Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua tác phẩm mang đậm tính xã hội, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Có thể coi Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 là sự cụ thể hóa những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Và làm được điều đó cũng có nghĩa văn nghệ sĩ đã tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động sáng tác và quảng bá tinh thần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh - một cuộc vận động lớn do Đảng ta phát động. Bằng tiếng nói giàu tính nghệ thuật của mình, bên cạnh những nội dung trên, vấn đề chủ quyền biển đảo cũng là nội dung quan trọng, nhất là thành phố chúng ta có huyện đảo Hoàng Sa.
Từ những nội dung đặt ra tại Hội nghị tổng kết của giới VHNT cả nước, nhìn lại những bước đi của mình trong năm qua, phát huy thành quả sáng tạo của mình trong năm 2011, VHNT thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố, hiện diện cùng nhịp sống chính trị xã hội và văn hóa của thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố bằng tiếng nói đặc thù, tinh tế và nhạy cảm của mình.
BÙI CÔNG MINH