Làm thơ, viết văn hay vẽ tranh một cách chuyên nghiệp, tưởng chừng chỉ có ở giới văn nghệ sĩ nặng nợ văn chương. Vậy mà giữa môi trường làm việc nhiều áp lực, không ít y, bác sĩ (BS) giải tỏa stress, gửi gắm tình yêu cuộc sống vào từng trang viết…
Trải lòng bằng thơ
Làm thơ giúp bác sĩ Mai Hữu Phước có dịp tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ. (Trong ảnh, từ trái qua: Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Huy Giao, Mai Hữu Phước, Nguyễn Đình Thậm, Thái Bá Lợi). |
Là ThS-BS chuyên khoa I, nhưng lần gặp mặt đầu tiên giữa tôi và anh lại xảy ra ở Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, khi Mai Hữu Phước xuất hiện với tư cách là Trưởng đại diện Gia đình Áo Trắng Đà Nẵng tiếp xúc với những người viết văn trẻ. Sau này, khi đã quen thân, ở một góc café nào đó, anh thường nói về thơ và chặng đường sáng tác của mình. Tập tành làm thơ từ năm 14 tuổi và trở nên “nổi tiếng” khi nhận được giải thưởng thơ của Báo Thiếu niên tiền phong năm 1978, thành công nho nhỏ khiến anh mạnh dạn thành lập thi văn nhóm Áo Trắng Đà Nẵng cùng một số học sinh Trường THPT Thái Phiên và Trường THPT Phan Châu Trinh. Những năm học phổ thông, nhóm của Phước được nhiều bạn bè và thầy cô biết đến.
Tưởng chỉ làm thơ… cho vui, nhưng sự nhạy cảm của tâm hồn thi sĩ đã khiến Phước của ngày ấy và bây giờ hễ đi đâu, làm gì cũng dành một chút thời gian cho thơ. Chính vì thế, khi đứa con đầu tiên là tập thơ tình Xin cảm ơn em (NXB Đà Nẵng-2003) ra đời, đã minh chứng con đường đến với thơ của Phước không hề ngẫu nhiên. Một năm sau đó, tập thơ Một thuở học trò của anh cũng được in bởi NXB Đà Nẵng, cũng là năm anh được kết nạp vào Hội nhà văn- Hội Liên hiệp VHNT Đà Nẵng. Tính đến nay, anh đã có 4 tập thơ cho riêng mình.
Làm thơ khi đang làm BS nhưng nhiều tác phẩm của Phước nhẹ nhàng, tinh tế và bàng bạc sự lãng mạn: Em mang tình tôi đi nơi đâu?/Duyên chưa nồng thắm đã phai màu/Có đôi bướm ép còn trong vở/Em đâu mà nhận để tôi trao (Hoài niệm) hay Riêng với em là Huế Cố đô/Trời mây đôi ngả biết về mô/Giữ trong màu áo thiên thanh ấy/Một Huế như lòng tôi ước ao (Trở lại Huế xưa)… Từ những tứ thơ nồng nàn, gợi nhớ như thế, Phước có được niềm vui khác khi nhiều nhạc sĩ chọn thơ anh để phổ nhạc, trong đó có nhiều ca khúc khá hay như Trở lại Huế xưa, Dạo Huế cùng anh, Chia tay mùa hạ, Nắng sân trường…
Anh tâm sự: “Bạn bè bốn phương biết chuyện đã email hay điện thoại thăm hỏi vì tưởng rằng mình đã bỏ nghề y theo nghiệp văn. Tuy nhiên, nghề và nghiệp bao năm nay vẫn cứ song hành. Điều tâm đắc trong công việc làm thơ, viết văn trước hết là để trò chuyện với chính mình, xem mình đón nhận được gì từ cuộc sống và cũng là cơ hội để giãi bày và chuyện trò với mọi người”.
Bất kể không gian, thời gian
Tâm sự với chúng tôi, không ít y, BS nói rằng, làm văn nghệ đối với một người chuyên nghiệp đã khó, với các BS suốt ngày tiếp xúc với bệnh nhân lại càng khó hơn. Trong đó, cái khó nhất là không có không gian và thời gian để sáng tác.
Cách đây hơn 20 năm, bạn đọc yêu tranh biếm họa thường nghe nhắc đến CLB Cười Quảng Đà, nơi dược sĩ Nguyễn Văn Long làm Phó Chủ nhiệm. Thời ấy, các thành viên trong CLB được nhiều bạn đọc biết đến khi liên tục xuất hiện trên các trang báo, tạp chí Tuổi trẻ cười. Đến nay, dược sĩ Nguyễn Văn Long đã sáng tác khoảng 5.000 bức tranh biếm họa, chuyển tải nhiều thông điệp cuộc sống, tập trung vào mảng y tế, gia đình. Tranh của anh cũng nhẹ nhàng, vui nhộn. Với tính cách hài hước, Nguyễn Văn Long đến với tranh biếm họa một cách tình cờ rồi tự mày mò học thầy, học bạn. Có hôm ra đường, bất chợt gặp ý tưởng, anh không ngần ngại dừng xe lại, phác họa mấy nét vào giấy để… khỏi quên. Anh giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi vẽ biếm và có một thời gian anh “sống được” nhờ vào tiền nhuận bút của các báo.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Long còn sáng tác tiểu phẩm cười, mang lại cái cười thâm thúy, dí dỏm cho bạn đọc. Ví như câu chuyện Rồng đến nhà tôm với nội dung: “Đầu năm, sếp bà bắt sếp ông phải đưa đến tận nhà cô thư ký mới để bà xem mặt. Chủ nhà đon đả ra chào khách: Chào anh chị! Thật đúng là “Rồng đến nhà tôm”! Sếp ông vội đính chính: Không phải rồng đâu mà là “sư tử” đấy”... Để có được những tác phẩm như thế, anh đã nhiều đêm thức trắng, để kịp ghi lại những ý nghĩ vừa đến và đi trong đầu. Bởi, là một dược sĩ, suốt ngày tiếp xúc với thuốc, tâm hồn anh chỉ tĩnh lại lúc đêm về và chỉ thực sự yên tâm ngủ khi ý tưởng của mình đã thông suốt trong từng con chữ hoặc trên nét vẽ trào lộng.
Công tác tại Bệnh viện Tâm thần từ năm 1987, BS Lê Đình Đại thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, nhìn thấy những biểu hiện điên loạn của họ. Những biểu hiện, hình ảnh đó đã ám ảnh anh. Để giải tỏa nỗi trăn trở ấy, anh sáng tác chùm truyện ngắn Gió từ bàn tay mở, bút ký Đây thế giới bệnh tâm thần, Bệnh tâm thần, quá khứ, hiện tại, tương lai, Dòng sông trong mắt ai, Trên suối tóc còn xanh… Truyện của Đại rất ngắn, không trau chuốt về ngôn từ, nhưng có cái “tưng tửng” rất riêng của vị BS lâu năm tiếp xúc với người điên, khiến bạn đọc có khi cười đó, rồi khóc đó với nhân vật. Khi Gió từ bàn tay mở được xuất bản, anh chia sẻ: “Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật trong thế giới của người điên. Viết ra những câu chuyện này, tôi thấy mình thanh thản vì lòng muốn chia sẻ thông tin về những phận người thiếu may mắn mà hằng ngày tôi gặp”.
Còn nhiều y, BS tôi đã gặp hoặc chưa gặp trong cuộc đời này vẫn ngày ngày dành một góc tâm hồn cho thi ca, nhạc họa. Trong bộn bề công việc, họ vẫn chọn cho mình những con đường song song, đồng hành với nghề là nghiệp, để thấy mình yêu đời và yêu nghề hơn.
TIỂU YẾN