.

Nỗ lực của Phúc

.

Gần 10 năm trước, người dân sống dưới chân núi Lộc Hòa, thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) cứ bàn ra tán vào chuyện cô bé Phúc - nhỏ như hạt mít “bỗng nhiên” đòi theo nghiệp thể thao. Cả làng chỉ có vài chiếc xe máy. Gia đình Phúc, 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng khoán, quanh năm vất vả. Vậy mà, Phúc cứ đòi ba mẹ cho  theo chị xuống thành phố để thực hiện ước muốn của mình…

 Tấm lòng người mẹ

Tấm HCV SEA Games 26 là món quà xứng đáng dành cho sự nỗ lực không mệt mỏi của Thanh Phúc.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tấm HCV SEA Games 26 là món quà xứng đáng dành cho sự nỗ lực không mệt mỏi của Thanh Phúc.(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà Nguyễn Thị Hoa nhớ lại, tầm năm 2003, nhà bà cũng như bao gia đình nghèo trong xóm, tằn tiện lắm mới sắm được chiếc xe đạp để vợ chồng, con cái chở nhau đi mỗi khi có việc. Vậy mà hai đứa con gái nhà bà lại nằng nặc đòi ba mẹ cho xuống Trung tâm Huấn luyện thể thao Đà Nẵng theo nghiệp điền kinh. Bà đã không dưới một lần ngăn cản ý định của con. Bởi, thuê trọ thì gia đình không có tiền, mà để con đi đi về về thì bà xót lắm.

Khó khăn không ngăn cản được ý định và niềm đam mê của hai cô con gái. Không xe máy, hai chị em Thanh Diễm, Thanh Phúc mỗi tuần thay nhau người này chở người kia đạp xe hàng chục cây số xuống phố luyện tập. Đường sá dạo đó không thuận lợi như bây chừ, nên không hiếm những lần, hai chị em Diễm, Phúc phải gồng mình nhấn bàn đạp qua những giồng cát cao giữa lúc trời mưa gió. Có hôm vì quá thương con, bà Hoa phải bấm bụng mượn tiền hàng xóm thuê xe ôm đưa con đi. Không đủ tiền đưa đi đón về, nên nhiều khi từ trung tâm thành phố, hai chị em phải đón xe buýt về đến Hòa Khánh, rồi đi bộ quãng đường 7 - 8km về nhà trên nhiều đoạn đường tối om om. Bà chia sẻ: “Hai đứa nó một tuần mới về một, hai lần. Đáng lẽ điều ấy khiến tôi vui, nhưng hôm nay nấu cho con món ăn ngon thì qua mai đã phải lo đến khoản tiền nhỏ cho các con bỏ túi. Hai chục, ba chục không đáng là bao, nhưng lại là nỗi lo thường trực của gia đình tôi khi ấy”.

Hiểu được tấm lòng và nỗi lo lắng của mẹ, nên những chuyện vui ở trung tâm hai chị em ríu rít kể mỗi khi về đến nhà, còn những chuyện buồn, những vất vả khi luyện tập thì giấu kỹ. Nhất là khi chị gái Thanh Diễm sau một năm luyện tập và thi đấu không đạt thành tích như ý đã bỏ cuộc giữa chừng.

Vượt lên chính mình

 Ông Nguyễn Việt (giữa) vui mừng vì những người con của ông đều theo nghiệp thể thao và bước đầu đạt được những thành tích đáng tự hào.
Ông Nguyễn Việt (giữa) vui mừng vì những người con của ông đều theo nghiệp thể thao và bước đầu đạt được những thành tích đáng tự hào.

Được phát hiện từ phong trào Hội khỏe Phù Đổng, lúc này, Phúc học lớp 8, đại diện cho Trường THCS Phạm Phú Thứ (Hòa Vang) tham gia chạy việt dã nội dung 3.000m nữ và đoạt thành tích cao. Ở đội điền kinh trẻ Đà Nẵng, những ngày đầu Phúc được bố trí tập chạy các cự ly dài 5.000m, 10.000m. Nhưng sau vài tháng, HLV Trần Anh Hiệp quyết định cho Phúc làm quen với bộ môn đi bộ vì thấy cô học trò có những tố chất rất phù hợp như cơ thể dẻo dai, có sức bền, nhịp điệu và độ linh hoạt tốt.

Ngày mới sang bộ môn mới, cơ bắp, hông, bàn chân, cột sống của Phúc đau nhức mỗi khi đêm về. Nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ nhất đối với Phúc. Bởi bộ môn đi bộ không thể chỉ luyện tập quanh quẩn ở sân vận động. Vì vậy, ngày nào Phúc và thầy Hiệp cũng tăng cường luyện tập trên các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Trường Sa… Cô bảo, có những hôm trời mưa,  vẫn tập luyện từ lúc trời còn chưa tỏ mặt người. Thường khi như thế, Phúc lại bị những chàng trai đi xe máy phóng vụt qua buông lời khiếm nhã. “Là con gái mới lớn, tôi từng khóc vì những câu nói đó và chỉ biết cắn răng chịu đựng để luyện tập, vì kỹ thuật đi bộ không giống chạy cũng chẳng giống cách đi bình thường, cứ phải đánh tay, đánh mông và đi bằng mũi bàn chân với tốc độ nhanh nên người đi đường thấy lạ”, Phúc nói thêm.

Đối mặt với tất cả điều trên, Phúc mới chỉ là cô bé con 13 tuổi, bé như cái kẹo, đuôi tóc vàng vọt vì những ngày trời nắng chang chang vẫn lên đồi bứt đót, hái rau cho mẹ. Để theo đuổi niềm đam mê của mình, Phúc vượt qua mọi rào cản, cả khó khăn vì trong túi không bao giờ có quá ba mươi ngàn. Cô chia sẻ: “Xuống Đà Nẵng, cũng đi học, nhưng tôi hầu như không có bạn vì lịch tập luyện dày đặc, tôi phải tranh thủ mọi thời gian rảnh ngoài giờ lên lớp. Ở tuổi ấy, đôi khi tôi thấy tủi thân vì gia đình mình quá nghèo, chỉ mong đến Tết để được má sắm cho bộ áo mới. Tôi cũng thèm những lúc được đi chơi, được ba má đưa đón, được mặc quần áo mới như các bạn cùng trang lứa”.

Năm 2006, ngay lần đầu tham gia Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc, Phúc đã đoạt HCV nội dung đi bộ nữ 10.000m, thời gian 52’10”70. Chưa kịp vui vì thành tích đầu tiên trong đời, Phúc đã vô cùng thất vọng khi nghe Ban tổ chức giải quyết định tước kết quả này dù lỗi thi đấu không hoàn toàn thuộc về cô vì cho rằng 1 VĐV đội Đà Nẵng đã đạp, chèn sai luật đối với 2 VĐV Thanh Hóa để Thanh Phúc về đích. Lúc này Phúc mới 15 tuổi. Phúc nhớ lại: “Kết quả đó đối với tôi là cú sốc lớn. Tôi nghĩ về những khó khăn của gia đình, về những lời bàn ra tán vào của hàng xóm và cũng vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi bình tĩnh trở lại. Tôi nhắc nhở bản thân rằng mình chỉ thất bại khi nào mình bỏ cuộc và tôi lao vào luyện tập để khẳng định thành tích mình đoạt được là xứng đáng”.

Chạm đích vinh quang

Sau sự cố đó, Thanh Phúc càng cố gắng khẳng định mình. Nguyễn Thị Thanh Phúc là người đầu tiên giành HCV nội dung đi bộ trong lịch sử các kỳ SEA Games có Việt Nam tham dự.  35 Huy chương vàng (không có bạc và đồng), trong đó có 17 lần phá kỷ lục ở các cự ly 5km, 10km và 20km là thành tích đáng nể mà cô gái 21 tuổi giành được. Đằng sau những vinh quang này thực sự là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của cô.

Với cô, HCV đoạt được tại SEA Games 26 ở cự ly 20km với thành tích 1giờ 43phút 22giây mới là thành công lớn nhất và là mơ ước của Phúc từ trước đến nay. Phúc kể, trong suốt quá trình thi đấu, trước những đối thủ mạnh, trong đầu cô chỉ nghĩ tới “kỹ thuật và thầy”, tập trung tối đa, đi trong một tư thế và di chuyển trong trạng thái lo lắng vì sợ trọng tài chủ nhà bắt ép. Vì vậy, lúc đứng trên bục nhận huy chương, Phúc nghẹn ngào hạnh phúc. Niềm hạnh phúc càng nhân lên gấp bội, khi cậu em trai Nguyễn Thành Ngưng tham gia nội dung đi bộ 20km cũng đoạt được HCĐ. Khi ấy, hình ảnh những ngày một mình với các bài tập thể lực, đi bộ cả mấy chục vòng quanh sân vận động bất kể thời tiết khiến cô không cầm lòng được.

Nói về thành công của Phúc tại SEA Games 26, HLV Trần Anh Hiệp cho biết: “Phúc là một VĐV có nghị lực và ý chí. Em tự giác và luôn luyện tập theo đúng quy trình mà HLV đề ra. Đặc biệt là những đứa em của Phúc như Nguyễn Thành Ngưng, Nguyễn Thị Hồng Duyên cũng theo chân chị gái, tích cực tập luyện tại trung tâm và bước đầu có những thành tích tốt”. Còn cha Phúc, ông Nguyễn Việt cũng không giấu sự tự hào khi nhắc đến cô con gái đen nhẻm, cao 1m53 nhưng nặng có 44 ký: “Có lẽ, ngay từ khi còn bé tí nó đã phải lội bộ 3 - 4 cây số đến trường với cái bụng đói meo đã rèn cho nó sự kiên trì, dẻo dai. Vui với thành tích của con, nhưng đôi lúc tôi cũng buồn khi thấy con gái quá vất vả”.  

Trò chuyện với chúng tôi, có một điều Phúc vẫn còn trăn trở, đó là chế độ ăn uống của VĐV đỉnh cao tại Đà Nẵng vẫn chưa bảo đảm. Với kinh phí ăn mỗi ngày là 90.000 đồng/VĐV nên trước những giải đấu quan trọng, Phúc phải lấy tiền túi để bổ sung thêm năng lượng. Về điều này, chỉ những người trong cuộc như Phúc mới biết. Vất vả luyện tập, nên bây giờ, Phúc đen và gầy hẳn đi.

Những tháng đầu tiên của năm mới đang trôi qua, cũng là lúc Phúc nỗ lực luyện tập để tham gia những giải đấu quan trọng sắp tới như Giải Vô địch Thế giới tổ chức vào tháng 3 tại Nhật Bản, Giải điền kinh Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh mở rộng tháng 7 và tháng 9… Vài năm trở lại đây, Phúc đã có thể tự lo cho mình. Tin rằng, với sự đãi ngộ và mức thưởng xứng đáng, con đường phía trước của cô gái độ tuổi đôi mươi sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.