Trong bài "Phút cuối cùng gửi lại những di ngôn" (ĐNCT số ngày 5-2-2012) chúng tôi đã có dịp thưa chuyện cùng quý độc giả rằng, ngay trước lúc bước ra pháp trường để chịu án hành quyết, nhà cách mạng trẻ tuổi Thái Phiên đã bí mật trao lại cho bạn chiến đấu đang cùng bị giam ở nhà lao Hộ Thành tờ giấy ghi những lời di ngôn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nội dung của bản di ngôn
Tượng chí sĩ Thái Phiên trong khu nhà thờ tộc Thái, làng Nghi An.\ |
Tờ giấy ấy không hiểu bằng cách nào, người Pháp đã thu giữ được, và trong nguyên gốc mà chúng tôi sưu tầm được, tài liệu này được ghi dòng chữ bằng mực đỏ có gạch hai gạch chân chữ SECRET – nghĩa là MẬT, được phê bên lề bản di ngôn. Cẩn thận hơn, người Pháp còn ghi dưới cùng của tài liệu dòng ghi chú: “Đã được đánh máy bởi một người Âu”.
Có nghĩa rằng, tài liệu này phải giữ kín đối với bất kỳ người Annam nào, vì phải đề phòng cao nhất, bí mật của di ngôn có thể lọt ra ngoài. Việc đánh máy bản dịch cũng chỉ do người Âu tiến hành. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm, chí sĩ Thái Phiên không chỉ để lại di ngôn, mà ít nhất ông còn để lại 5 tài liệu khác mà chúng tôi coi là các di cảo trực tiếp của ông gửi lại cho đời sau.
Thí dụ như, trong Báo cáo tình hình chính trị ở Trung Kỳ quý 2 năm 1916, dài 12 trang do Khâm sứ Le Marchand de Trigon viết ngày 10-7-1916 (lưu trữ tại Hồ sơ Toàn quyền Đông Dương số 4199, Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp tại Aix-en-Provence, Pháp-viết tắt là ANOM-GGI-4199), có đoạn viết: “Trong cuộc họp đêm 27-4-1916 tại làng Miếu Bông cũng đã đưa ra quyết định soạn thảo một bản tuyên ngôn gửi cho quốc dân khi cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra.
Bản tuyên ngôn do Thái Phiên soạn thảo và được Mai Dị tu chỉnh. Một bản sao của Tuyên ngôn này đã được tìm thấy ở Hội An...”.
Ở một tài liệu khác, là bản báo cáo số 1297, ngày 24-5-1916 của Tổng đốc Quảng Nam gửi cho Công sứ Pháp ở Hội An, đã thuật lại lời của chí sĩ Phan Thành Tài kể rằng, tối 27-4-1916, sau một ngày dự họp ở Miếu Bông trong lễ mừng nhà mới của Tú tài Đỗ Tự, một nhóm rất ít các vị chủ chốt của tổ chức cách mạng gồm Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài và Hương Thùy đã kéo về nhà Thái Phiên ở làng Nghi An họp thâu đêm để soạn thảo Bản kế hoạch tổ chức nhà nước mới sẵn sàng thay thế cho hệ thống nhà nước cũ của thực dân và Nam triều, một khi khởi nghĩa thành công. Các tài liệu quý này có thể xem như di cảo quý giá của nhà cách mạng Thái Phiên, mà muốn hiểu thấu đáo bản di ngôn đều phải nghiên cứu các di cảo đó.
Như lời ghi chú của người Pháp ở phần đầu tài liệu, thì tài liệu mà họ thu giữ đã được dịch từ một tờ giấy được coi như Di ngôn của Thái Phiên viết bằng đầu cháy thành than của que diêm trong khoảnh khắc ngay trước khi ông bị dẫn đi hành hình, và do chính Thái Phiên trao lại cho Lê Châu Hàn là tù nhân đang bị giam giữ tại nhà lao Hộ Thành. Tờ di ngôn viết như sau:
Những người Trung Hoa làm môi giới chịu trách nhiệm liên lạc cho các sinh viên Annam đang du học ở Trung Hoa và ở Xiêm, là các ông:
1. NGỌ - nhân viên nhà buôn Trung Hoa TRIỀU HƯNG.
2.Trịnh-Quang-Trợ, biệt hiệu MOUTON, người kiểm hóa của Hiệp Hội Thương Mại Đông Dương.
3. NGÔ-ĐÔ, nhân viên nhà buôn Trung Hoa “Nghĩa Thành”, chi nhánh Đà Nẵng.
Cả ba người nói trên đều là dân Đà Nẵng.
Những người phiên dịch chịu trách nhiệm liên lạc, đưa thư tín với các sinh viên đang du học nước ngoài qua môi giới của những người Trung Hoa nói trên gồm các ông:
TRỨ, nhân viên Sở Bưu Điện Đà Nẵng.
THÚ, nhân viên Sở Thương chánh Đà Nẵng.
KIM, nhân viên Tòa Án Đà Nẵng.
Các thủ quỹ của chúng ta là:
Đội MẠI, nhân viên trong nhà Ông CUÉRIN, ở Đà Nẵng.
Khóa TRÀ, nhà buôn gạo bên cạnh chợ Đà Nẵng.
Bản di ngôn vỏn vẹn chỉ có chừng ấy, chỉ có 17 dòng trong nguyên bản dịch tiếng Pháp, và chúng tôi cũng cố gắng giữ đúng 17 dòng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhưng chắc chắn quý độc giả cũng đã thấy rằng, chỉ với chừng ấy dòng chữ, biết bao bí mật đã ẩn chứa sau đó. Trứ, Thú, Kim, đội Mại, Khóa Trà là những ai đây? Và những người Trung Hoa như Ngọ, như Trịnh Quang Trợ, Ngô Đô, các ông là ai? Tại sao Thái Phiên lại trao di ngôn cho Lê Châu Hàng?
Lê Châu Hàn là ai?
Chắc chắn rằng rất nhiều độc giả đã nghe tên và hiểu biết ít nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của ông Lê Châu Hàn. Nhưng để quý độc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin nêu tóm tắt ở đây thân thế và sự nghiệp của ông, dẫn theo các tài liệu của các nhà nghiên cứu đi trước.
Trong cuốn Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, năm 2005, ở trang 585, tác giả Nguyễn Q. Thắng, cho biết: “Lê Cảnh Hàn. Chiến sĩ khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Còn gọi là Lê Cảnh Thái, quê làng Mỹ Thị, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Bắc Mỹ An, thành phố Đà Nẵng). Ông sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, con trai Phó đô ngự sử, Triều liệt đại phu, Thị độc học sĩ Lê Hữu Khánh (1850-1941), anh trai là Lê Cảnh Vận (Viên Thông).
Ông và anh trai thuộc thành phần chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 tại Huế. Ông được ban tham mưu cử phụ trách nổ súng lệnh cho cuộc khởi nghĩa và chỉ huy tiểu đoàn lính khố xanh đánh vào Tòa Khâm sứ Huế. Lê Cảnh Vận chỉ huy đánh đồn Mang Cá (Trấn Bình đài) được đại tá Harmandes hỗ trợ. Cuộc khởi nghĩa bị Pháp dìm trong máu, cả hai anh em bị lưu đày Lao Bảo”.
Ở đây xin quý độc giả lưu ý một vài điều, trước khi tìm hiểu Lê Châu Hàn hoạt động cụ thể thế nào trong cuộc khởi nghĩa và được Thái Phiên tin cậy giao bản di ngôn. Ở tài liệu của Pháp, tên của ông là Lê Châu Hàng, có “g”. Nhưng trong các chú thích cũng chính của các tài liệu của Pháp viết bằng nguyên văn tiếng Hán, thì phải đọc đúng là Hàn.
Còn tác giả Nguyễn Q. Thắng viết là Lê Cảnh Hàn, thì cũng chính là Lê Châu Hàn, vì trong một bản khai của người anh là Lê Cảnh Vận, ông viết tên em của ông đầy đủ là Lê Cảnh Châu Hàn. Điều cần lưu ý thứ hai, đó là quê quán của hai anh em chính là làng Mỹ Thị, mà ngày nay là phường Bắc Mỹ An, thành phố Đà Nẵng. Như vậy hai anh em Lê Châu Hàn là đồng hương rất gần với Thái Phiên. Nhưng vào thời kỳ nổ ra cuộc khởi nghĩa thì hai anh em của ông ra ở Huế, ở tại nhà của thân phụ ông là Phó đô ngự sử Lê Hữu Khánh. Ngôi nhà đó nằm ở vùng Phủ Cam, ngay gần bờ con sông nhỏ chảy từ sông Hương đến An Cựu. Chính Thái Phiên đã dùng ngôi nhà này làm đại bản doanh trong đêm khởi nghĩa ngày 3 rạng sáng 4-5-1916, như những điều Thái Phiên và Lê Cảnh Vận thuật lại, chúng ta sẽ lần lượt biết rõ thêm về sau. Còn sau đây, xin được trình bày với quý độc giả lời thuật lại của chính Lê Châu Hàn về hoạt động khởi nghĩa mà ông tham gia.
“... Ngày 28 tháng 3, vào lúc tôi từ Đà Nẵng trở về Huế, Thái Phiên, trợ lý cố vấn có đến chỗ tôi, cho biết là các người của tổ chức chúng ta lợi dụng cơ hội thuận lợi hiện nay để giành lại Vương quốc của chúng ta, và rằng Trần Cao Vân tin chắc nhà vua đã nhận thức được tình thế đó. Tuy nhiên, các hội viên của chúng ta còn yếu kém không hiểu biết gì về súng ống, phải có sự hỗ trợ của lực lượng bảo an địa phương và các pháo thủ mới tuyển để công việc của chúng ta thành công. Để tuyển mộ người tình nguyện tham gia vào cuộc chiến đấu, chúng ta đã giao trách nhiệm cho vài người, nhưng bây giờ thời cơ khẩn cấp, anh là con người có bản lĩnh, anh phải đi Huế để tuyển mộ các lính pháo binh mới tham gia vào tổ chức của chúng ta. Đó là một công việc cần thiết và khẩn cấp lúc này...
Tôi đã nhận nhiệm vụ. Khi tôi ra đi, Thái Phiên trao cho tôi 20 đồng. Đến Huế, tôi có tuyển một số pháo thủ. Tôi nhớ một người quen cũ tên là Sáu Cụt, có số đăng ký 16 và biết anh ta hiện đã là pháo thủ. Một buổi chiều đi dạo, may mắn gặp Sáu Cụt, tôi mời anh ta vào cửa hiệu cà-phê để trao đổi việc chuẩn bị cho sự nghiệp đấu tranh... Tôi yêu cầu anh ta góp sức với chúng tôi để có sự đồng tình tham gia của các pháo thủ mới. Sáu Cụt vui vẻ chấp nhận trách nhiệm này và trả lời tôi rằng: Tôi có trong nhóm 2 pháo thủ của Quảng Ngãi rất dũng cảm, dựa vào đó có thể tin rằng sẽ tuyển được pháo thủ khác, ít nhất cũng được 300 người. Anh ta còn nói thêm rằng có người anh tên Trứ, làm phiên dịch ở Ban tham mưu của cơ quan chỉ huy và rất có ảnh hưởng đối với các pháo thủ... Ngay lập tức, tôi cho người báo với Thái Phiên là công việc của tôi đã được thực hiện thuận lợi. Cùng ngày, Thái Phiên đi Huế để hỏi Sáu Cụt ngày nào có thể tấn công.
Thái Phiên đưa cho tôi 30 đồng để phân phát cho các pháo thủ. Đêm ngày 27, tôi gặp Sáu Cụt và dẫn anh ta đến chỗ Thái Phiên để biết các chỉ thị và cũng để cùng với Sáu Cụt gặp Trứ. Đêm tiếp theo Trứ và Sáu Cụt đến thăm chúng tôi trên thuyền đậu ở Thương Bạc gần Hậu Bổ. Tôi trao cho Trứ 20 đồng để chi tiêu cho những việc cần thiết. Ngày mùng một tháng này, Thái Phiên đi Huế. Tôi có kể lại với Thái Phiên là quan hệ giữa Trứ và tôi rất tốt. Đêm ngày mùng 2 tháng này, tôi đi theo hộ vệ chuyến xuất cung của nhà Vua, sau đó, tôi đến chỗ anh trai tôi là Lê Cảnh Vận và gặp Trứ, Sáu Cụt và Thái Phiên ở đó. Thái Phiên nói với tôi rằng Trứ có lòng tốt và giữ vững việc giúp đỡ chúng tôi. Vậy các anh có thể giới thiệu ông ấy với nhà Vua để nhà Vua biểu dương sự hy sinh và lòng thành thật của ông ta. Tôi lập tức đưa Trứ vào thuyền của nhà Vua. Sau khi Trứ có cuộc gặp với nhà Vua như trên, Trứ lại trở lại chỗ anh trai tôi để tỏ rõ nhiệt tình của mình trong công việc với Thái Phiên.
Vì thế, Thái Phiên trao cho Trứ 20 đồng để chi tiêu. Sau lúc nhận số tiền như thế, Trứ và Sáu Cụt chia tay chúng tôi và nói là họ đến trại lính để tập luyện cho người của họ tham gia trận tấn công. Còn về súng săn và số đạn do các pháo thủ nhặt được, tôi có nghe một người trong ngự thuyền nói đã đưa súng đó cho Thái Phiên để bắn làm tín hiệu khởi đầu tấn công khi đến giờ quy định...” (Trích tài liệu số 25 trong ANOM_GGI_65530).
NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN
Mời bạn đọc theo dõi phần cuối bài này đăng trên số ĐNCT ngày 4-3-2012 với nội dung: Thái Phiên đã trao di ngôn cho Lê Châu Hàn như thế nào?