Nhà thơ - nhà văn Phùng Quán, tác giả tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”, “Tuổi thơ dữ dội”… - Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật - thì nhiều người đã biết, nói đúng hơn là “đã quá thuộc”. Ngôi mộ của ông và người bạn đời - cô giáo Bội Trâm được xây dựng trên một ngọn đồi Thủy Dương quê hương nhà thơ bằng tiền đóng góp của bạn đọc yêu thơ ông ở trong và ngoài nước, từ năm ngoái, cũng đã thành “sự kiện” được dư luận chú ý.
Bảng tên đường mang tên Phùng Quán. |
Vậy mà chúng tôi, mấy chục anh em văn nghệ sĩ Huế trên hành trình viếng mộ thi nhân đầu Xuân Nhâm Thìn này, hầu như đã cùng reo lên khi chiếc xe sắp rẽ vào con đường lên khu đồi Thủy Dương: “A! Đã có bảng tên đường “Phùng Quán”! Và tiếp theo: - “Dừng lại cho chụp ảnh đã…”.
Một chi tiết cũng thú vị, là con đường mới được HĐND thị xã Hương Thủy đặt tên trong kỳ họp trước thềm Xuân mới, nhưng hầu hết nhà dân dọc con đường lên vùng đồi Thủy Dương đều đã có biển hiệu mới tinh mang tên Phùng Quán - Số 1 Phùng Quán… số 129 Phùng Quán! Nhà thơ-chiến sĩ một thời chịu oan khuất, nhưng cuối đời đã được quê hương, được nhân dân tôn vinh, được an nghỉ thảnh thơi trên đồi cao bên người bạn đời chung thủy- cô giáo Bội Trâm, mặc dù quê Hà Nội, nhưng lại muốn được đưa về Huế, nằm cạnh chồng – Và nếu muốn, “Ông” còn có thể xuống câu cá nơi hồ nước trước ngọn đồi Thủy Dương như hồi xưa ở cái chòi ngắm sóng bên Hồ Tây.
Ngay bên ngôi mộ Phùng Quán, trước sự chứng kiến của nhiều văn nghệ sĩ Huế - trong đó có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhạc sĩ Lê Phùng, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc… - nhà thơ Ngô Minh, người chủ xướng việc quyên góp tiền xây mộ Phùng Quán trước đây, đã trịnh trọng tuyên đọc quyết định của “Quỹ Khuyến học, khuyến tài Phùng Quán”. Sau việc tặng thưởng khuyến học cho 13 em học sinh phường Thủy Dương và của Tộc Phùng, là lễ trao tặng thưởng khuyến tài dành cho các nhà văn có tác phẩm xuất sắc, tiểu thuyết Xa Hà Nội của Nhất Lâm, và tiểu thuyết Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ…
Vậy là vào Xuân mới Nhâm Thìn, có một công trình và hai tác phẩm văn học được đính kèm thêm danh hiệu “Phùng Quán”. Có một chi tiết còn ít người để ý: Trên đường đến mộ Phùng Quán, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã trao tặng nhà thơ Ngô Minh - người đã góp công sưu tập biên soạn các tác phẩm của Phùng Quán trong mấy năm gần đây - tập truyện “Dũng sĩ Chép Còm” in từ “ngày xưa” với dòng lưu bút của tác giả tặng cháu Tô Diệu Lan; đây là một trong những tác phẩm của Phùng Quán thời ông còn phải “viết chui” nên đã phải ghi tên tác giả là Trần Vĩ Dạ! Tác phẩm đầu tiên được chính danh mang tên Phùng Quán tái xuất hiện là “Trường ca Cây cà” trên Báo Quảng Nam-Đà Nẵng.
Cùng với tiến trình đất nước đổi mới, từ một tác giả phải mang “tên giả” (hoặc mượn tên) mới công bố được tác phẩm, đến những suất thưởng khuyến học, những tặng thưởng tác phẩm văn học xuất sắc và một con đường mang tên nhà văn “Phùng Quán” trong ngày Xuân Nhâm Thìn này là bước nhảy vọt kỳ diệu, tựa như chú “Chép Còm” đã hóa Rồng vậy!
Trường An-Huế, 2-2012
NGUYỄN KHẮC PHÊ