.

Chuyện chưa hề cũ

.

Thông tin về bé trai tử vong do bệnh tay-chân-miệng đã từng theo học tại một trường mầm non (MN) tư thục trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng cũng như trình độ cô nuôi dạy trẻ…

Trình độ cô nuôi dạy trẻ có tính chất quyết định đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non.
Trình độ cô nuôi dạy trẻ có tính chất quyết định đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non.

Từ trình độ cô nuôi

“Quy định về điều kiện tối thiểu cho các lớp MN, lớp mẫu giáo và nhóm trẻ độc lập có nhiều khó khăn ở những nơi không có đủ điều kiện thành lập trường MN” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 20-10-2005, nêu rõ: Chủ các nhóm, lớp phải được bồi dưỡng chuyên môn giáo dục MN ít nhất là 30 ngày hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ngắn hạn (có giấy chứng nhận). Giáo viên, người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn tối thiểu 3 tháng theo chương trình của ngành giáo dục...


 Dựa vào quy định này, nhiều nhóm, lớp độc lập tư thục (ĐLTT) trên địa bàn thành phố đã “vô tư” ra đời, kéo theo những hệ lụy không dễ giải quyết. Ví dụ tại quận Cẩm Lệ, trong tổng số 85 nhóm, lớp ĐLTT, chỉ có 35 chủ nhóm có trình độ 12+2 trở lên (tương đương trung cấp sư phạm MN) còn lại đều đào tạo theo hình thức ngắn hạn. Trong khi đó, các trường MN tư thục trên địa bàn Cẩm Lệ chăm sóc 1.243 trẻ, các nhóm, lớp ĐLTT 1.569 trẻ, chiếm khoảng 56,9% số trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Đây là con số không hề nhỏ trong cán cân giáo dục công-tư hiện nay.


Trình độ chuyên môn thấp, không đồng đều của các chủ nhóm, lớp khiến các cháu phải chịu nhiều thiệt thòi khi đối mặt với những nguy cơ tổn hại về sức khỏe, thể chất cũng như tâm lý do chăm sóc không đúng cách.


Chị Bùi Trần Linh Phương, công tác tại nhóm ĐLTT Xuân Mai, phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) cho biết, hiện nhóm trông giữ trên 20 trẻ với mức thu phí mỗi tháng là 680.000 đồng/cháu. Phần lớn phụ huynh ở đây là công nhân nên nhóm đã không áp dụng mức tăng phí. Với mức phí này, hầu hết bữa ăn cho trẻ chưa thật sự  bảo đảm (8.000 đồng/ngày). Điều chị lúng túng là, ở giá đó, các bữa ăn đều xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm bản thân chứ chưa thật sự có một hướng dẫn cụ thể nào từ các cấp quản lý.
Theo ông Nguyễn Phước, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, đây là tình trạng chung tại các nhóm, lớp ĐLTT hiện nay. Tuy nhiên, rất khó quản lý bởi một số chủ nhóm, lớp có biểu hiện không tích cực hợp tác trong công tác kiểm tra, kiểm soát, chưa chú ý lưu trữ thực phẩm cũng như khám và theo dõi sức khỏe cho trẻ. Mặt khác, với thời gian đào tạo quá ngắn, đội ngũ giáo viên ở các nhóm, lớp ĐLTT gặp nhiều hạn chế trong chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình mới mà ngành GD&ĐT quy định.


Đến chất lượng chăm sóc trẻ


Trình độ lẫn chuyên môn của cô nuôi dạy trẻ dạng này còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc cũng như nhận biết biểu hiện bệnh của trẻ. Trường hợp cháu Nguyễn Anh Khoa, 22 tháng tuổi, trú ở quận Cẩm Lệ tử vong do bệnh tay-chân-miệng xảy ra gần đây đã đặt ra câu hỏi: Tại sao trong quá trình chăm sóc, các cô giáo tại Trường MN tư thục Thiên Nga không phát hiện ra biểu hiện bệnh của bé. Chỉ đến khi bé sốt cao, gia đình mới đưa đến bệnh viện thì mọi chuyện đã quá muộn? Sau sự việc này, những biện pháp của nhà trường như ngưng lớp học 10 ngày, phun chloraminB 2% mỗi ngày hay vận động phụ huynh không mang các cháu đến trường cũng chỉ là biện pháp giải quyết tình huống mà thôi.


Hiện nay, chỉ có trên 80% nhóm, lớp ĐLTT toàn thành phố được cấp giấy chứng nhận “Bếp ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Bên cạnh đó, nhiều nhóm, lớp chỉ có một phòng nhỏ đủ cho các cháu học tập, ăn và ngủ. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, các nhóm, lớp phải bảo đảm ít nhất 1 - 1,5m2/trẻ; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp riêng, an toàn, đặt xa lớp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống cháy nổ... Việc cấp giấy phép hoạt động cho các nhóm, lớp ĐLTT do Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm. Thực tế, có rất nhiều cơ sở không phép trên địa bàn vẫn hoạt động nhưng không phải cơ quan quản lý nào cũng nắm được, do loại hình này không được kiểm tra thường xuyên. Qua báo cáo của Phòng GD&ĐT quận về tình hình thực hiện Chỉ thị 16/2009/CT-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng năm học 2011-2012 cho thấy cơ sở không phép đang hoạt động lần lượt tại một số quận như sau: Thanh Khê có 23 nhóm, Liên Chiểu 4 nhóm, Cẩm Lệ 10 nhóm...

 Chị Lê Thị Lan (quê Quảng Bình), có con đang gửi tại nhóm Thỏ Nâu ở phường Hòa Minh (Liên Chiểu) tỏ ra lo lắng: “Không phải tôi không nhìn thấy những hạn chế ở các nhóm, lớp ĐLTT. Dù vậy, với hai vợ chồng đều là công nhân như chúng tôi, thì các nhóm, lớp ĐLTT vẫn là sự lựa chọn duy nhất”.  
Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói, qua kiểm tra, rất nhiều nhóm, lớp ĐLTT trên địa bàn không bảo đảm điều kiện an toàn về cơ sở vật chất, vệ sinh, chưa chú trọng đến công tác khám bệnh định kỳ cho trẻ cũng như chưa xây dựng được mục tiêu chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Trình độ cô nuôi dạy trẻ thấp hoặc chưa qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ, nhưng để đóng cửa thì không dễ vì số lượng trường mẫu giáo công và bán công trên địa bàn không đáp ứng nhu cầu bức thiết của phụ huynh. Nếu đóng cửa thì phụ huynh sẽ không có chỗ để gửi con.


Thật khó có thể tìm thấy một nhóm, lớp ĐLTT nào trên địa bàn đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học cũng như công trình vệ sinh. Xem ra thực tế này có vẻ mâu thuẫn với Quy định 31/2005/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT khi nêu rõ, các lớp MN, lớp mẫu giáo, nhóm trẻ độc lập nếu không đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu theo quy định phải dừng hoạt động!
 

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.