Trong biến thiên của thời cuộc, cầu Nguyễn Văn Trỗi (NVT) không đơn thuần là một cây cầu thông thương, có nhiệm vụ đưa người qua sông, nó đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử thành phố.
Tại khu vực trọng yếu này Huỳnh Ngọc Châu đã tổ chức đánh chặn thành công không cho địch co cụm, rút chạy. Ảnh: Minh Trí |
Tháng 3 năm 1965, lữ đoàn quân chiến đấu đầu tiên của Mỹ đổ vào Đà Nẵng, đến cuối năm 1965 quân Mỹ và chư hầu ở Khu 5 đã lên đến trên 12 vạn quân. Cùng với việc mở rộng sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, một hệ thống bến, cầu tàu được xây dựng suốt hai bên bờ sông Hàn dọc từ cửa sông đến cầu NVT để đón nhận, bốc dỡ hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, xe cộ, hàng hóa, quân trang, quân dụng. Trong năm này, cầu NVT được khởi công xây dựng với mục đích chính là vận chuyển khí tài quân sự từ cảng Tiên Sa vào các cứ điểm quân sự của Mỹ đóng tại Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Hạnh, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Khu Kiều lộ Đà Nẵng (trước năm 1975), lúc đó Mỹ định làm thêm 2 cầu nữa, nhưng lúc đầu làm 1 cầu thôi, tức là cầu NVT hiện nay, để phục vụ chiến tranh. Còn cầu kia thì chỉ mới đặt các đế cầu dự bị để sau này làm cầu cho dân sự. Nhưng, năm 1973 Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, nên chỉ thực hiện được một cầu như hiện tại…
Sau 10 năm mang vác trọng trách phục vụ dưới chế độ Mỹ-ngụy, cầu NVT cũng như thành phố Đà Nẵng chứng kiến một cuộc biến thiên của lịch sử vào ngày 29-3-1975. Ngày thành phố được giải phóng sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ, sau 30 năm chiến tranh giải phóng và sau 117 năm kể từ khi quân Pháp nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta và chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của kẻ thù. Trước hàng loạt những thắng lợi giành được trên chiến trường Tây Nguyên và Trị Thiên Huế, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã tổ chức họp bàn triển khai kế hoạch giải phóng Đà Nẵng, đề ra các phương án hành động cụ thể cùng với yêu cầu các đơn vị phải làm tan rã địch một cách triệt để; không để địch bốc dân đi; phải bảo vệ đến mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân và kho tàng cũng như các cơ sở vật chất khác.
Ông Huỳnh Ngọc Châu năm 1975, vài tháng sau ngày giải phóng Đà Nẵng. (Ảnh tư liệu ) |
Đêm 28-3, ông Huỳnh Ngọc Châu, chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng lúc đó nhận nhiệm vụ làm đội trưởng, chỉ huy một mũi tấn công đánh vào Quân đoàn 1 của ngụy, đánh chặn không cho quân ngụy rút chạy ra biển để đến sân bay Nước Mặn, cảng Tiên Sa và hạm đội 7 của Mỹ đang đóng ngoài khơi biển Đông. Ông xuống xã Hòa Đa (bây giờ là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), chỉ huy một mũi 19 chiến sĩ, đi từ Đò Xu về dọc sông Hàn bằng 2 thuyền máy.
Cầu NVT cho phép lưu thông xe cơ giới nên cầu trở thành con đường chính để từ nội thành qua vùng biển, là cửa ngõ phía đông vào thành phố. Nhiệm vụ mũi đánh chốt chặn của ông Huỳnh Ngọc Châu là đánh vào Quân đoàn 1, phải tiêu diệt, đánh tan rã hoàn toàn và vô hiệu hóa quân địch, không cho quân ngụy rút chạy và tránh tình huống chúng co cụm để tổ chức đánh trả; dọn đường cho Quân đoàn 2 của ta vào tiếp quản thành phố. Ông Châu nhớ lại: “Khu vực gần cầu NVT có vị trí đặc biệt quan trọng, Quân đoàn 1 của ngụy có 2 sân bay ở đường Duy Tân (nay là khu vực đóng quân của Quân khu 5) và ở đường Võ Tánh (đường Núi Thành bây giờ) và một khu quân cảng (nơi hiện nay là công ty Sông Thu) là cảng tập trung chủ yếu kho vũ khí, khí tài của Mỹ-ngụy. Anh em chúng tôi cải trang mặc đồ lính ngụy, đúng 5 giờ sáng bắt đầu nổ súng đánh vào quân cảng, diệt được 5 tên địch và một xe bọc thép. Quân địch tổ chức đánh lại, nhưng không đánh rát. Khoảng hơn 8 giờ sáng, chiến sĩ Nguyễn Văn Dự hy sinh, chiến sĩ Ngô Tài bị thương được chuyển vào điều trị tại bệnh viện Duy Tân (giờ là Bệnh viện Quân y 17). Đến sau 9 giờ, lực lượng do ông Châu chỉ huy chốt chặn thành công, quân ngụy bắt đầu tháo chạy, tên nào chỉ mặc mỗi áo quần, không có vũ khí thì quân ta cho qua, tên nào có vũ khí thì anh em đánh lại…”.
Cầu NVT đã chứng kiến dấu chân mệt mỏi của những binh sĩ phía bên kia chiến tuyến rời gót ra biển, trốn chạy khỏi thất bại của cuộc chiến phi nghĩa. Cầu NVT đã chứng kiến bước chân thần tốc của Quân đoàn 2 vào tiếp quản thành phố, ca khúc khải hoàn mừng ngày toàn thắng, kết thúc sau 21 năm đằng đẵng cả dân tộc ăn cơm vắt, ngủ hầm, hy sinh xương máu, chiến đấu cho một đất nước thống nhất trọn vẹn từ Nam chí Bắc.
“Đây là trận đánh cuối cùng để được về với cha mẹ nên khí thế của chúng tôi rất hăng. Và cũng là trận đánh cuối, nên cái chết của anh Nguyễn Văn Dự vẫn không làm tinh thần anh em nao núng”, ông Châu hồi tưởng. Trận đánh cuối, ít tổn thương nhất, với thắng lợi nắm chắc trong tay, đối với những người lính vào sinh ra tử, rời gia đình cầm súng khi mới 14, 15 tuổi thì không có sự lựa chọn giữa cái sống và chết; mà chỉ biết quên mình cho Tổ quốc, để có ngày hòa bình, thống nhất như hôm nay.
Hôm nay, sau 37 năm non sông liền một dải, cầu NVT có mặt với tuổi đời gần 50 năm, chứng kiến những đau thương mất mát, những hạnh phúc ngập tràn của người dân đất Quảng, làm liền lại những vết thương, nối nhịp hai bờ. Cây cầu thép ấy sẽ tiếp tục là một chứng nhân, chứng kiến sự thay da đổi thịt của một vùng đất nghèo đang vươn lên không mệt mỏi…
HOÀNG NHUNG