.

Về lại Hòa Xuân

.

Chuẩn bị kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, xin được của Thành ủy 20 triệu đồng, Sáu Hưng liền kéo tôi đi thăm cơ sở cách mạng. Bắt đầu từ Cầm Chánh, sau đó là Trung Lương, Khuê Đông, Hói Kiểng, K20…

Sáu Hưng (thứ 2 từ trái sang) gặp lại những cơ sở ở Lỗ Sài.
Sáu Hưng (thứ 2 từ trái sang) gặp lại những cơ sở ở Lỗ Sài.

Đã nhiều lần Sáu Hưng (Nguyễn Duy Hưng) muốn đi thăm các cơ sở cách mạng, ai qua đời thì thắp nén hương, ai đau ốm thì có chút quà, ai còn sống thì hỏi thăm họ làm ăn, sinh sống ra sao, để nhớ lại những ngày gian khổ được bà con liều chết nuôi giấu, bảo vệ ông, bảo vệ các cán bộ cách mạng… Nhưng ông chưa thực hiện được. Theo ông, ít ra, thăm ai thì phải có chút quà. Thật lòng mà nói, bà con cơ sở chỉ cần “mấy ổng” nhớ là quý rồi. Cầm 20 triệu, ông đưa cho con rể bảo bỏ vào 40 cái bì, mượn xe của Cảng Đà Nẵng đưa đi. Ông từng làm Bí thư Cảng Đà Nẵng sau năm 1975 nên anh em ở Cảng coi ông như người thân trong nhà.

Năm 2012, Sáu Hưng bước qua tuổi chín mốt nên đi đâu thì có cháu ngoại, hoặc con rể tháp tùng. Lần này ông điều con rể là Cao Xuân Tùng, vì Tùng vừa là cháu ngoại của Hòa Xuân, lại là cháu nội của Khuê Đông - Hòa Quý, biết nhiều nhà cơ sở của Sáu Hưng. Khi cơ quan Quận ủy quận Nhất đóng ở Khuê Đông-Hòa Quý, có thời gian, Sáu Hưng thường ở trong nhà ông Kình tức ông Cao Xuân Hường. Ông Kình có ba người con trai tham gia cách mạng, trong đó, có Cao Xuân Cưu đã hy sinh, sau khi có được người con trai duy nhất là Cao Xuân Tùng…

Giờ, những nơi Sáu Hưng muốn đến để gặp người thân, không còn cảnh cũ, người xưa nữa. Nhiều thôn đã thành khu đất vừa giải tỏa trắng. Nhiều ngôi nhà vừa mới bị đập dỡ. Nhiều gia đình đã lên khu tái định cư. Nhà mới mọc lên thành khu phố mới.

Công trình khu đô thị mới Hòa Xuân triển khai đã hơn ba năm. Những con đường mới mở. Những khu tái định cư sẵn sàng đón dân nhường đất cũ đến nhận xây nhà mới. Những xe ủi chạy ầm ầm cả ngày trong bụi mù. Vào những ngày đầu tháng ba này, Hòa Xuân còn trong bao ngổn ngang công việc.
Người đầu tiên Sáu Hưng tìm gặp là Sáu Xí - Đặng Văn Xí ở thôn Cầm Chánh. Hỏi vài gia đình còn trụ lại, mới hay Sáu Xí đã lên nhà mới rồi, lên chỗ khu vực dành cho bà con Cầm Chánh, cũng gần bên bờ sông Cẩm Lệ, để bà con tiếp tục với nghề sông nước.

Đi qua những khu vườn, con mương, ruộng cỏ… bỗng những ngày hào hùng đầy kỷ niệm hôm qua như hiện rõ trong đầu Sáu Hưng.

Khi về trụ công tác ở Lỗ Sài những năm 1956-1957, thì Đặng Văn Xí, con ông Trùm Nẫm, chị Đỗ Thị Bền, chị Khuê, những Trần Văn Nam, Đặng Văn Hoan, Nguyễn Mẹo, Trần Két (thôn trưởng), Trần Văn Đẹt (Hai Giáp, Xã Giáp), Tăng Văn Đối, Đặng Thị Nhu (bà Xính), Trần Văn Mau, Đỗ Cưu, Trần Thị Trà (bà Trùm Tráng), Nguyễn Bán… là những gia đình nuôi giấu Sáu Hưng và đồng chí của ông trong những chiếc thuyền lênh đênh trên sông Cẩm Lệ-sông Hàn. Sáu Hưng từng ở trên thuyền của bà Trùm Tráng  để gặp, nắm tình hình, bàn và giao nhiệm vụ cho con trai bà là Trần Nam cùng Đặng Văn Xí, Nguyễn Báng, Nguyễn Khuê.

Lịch sử Đảng bộ Sông Đà ghi nhớ những ngày khó khăn cuối tháng 4 năm 1963, tại Trung Lương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Duy Hưng và Đặng Đình Tiến, thay mặt Ban cán sự Thành ủy, chủ trì bầu ra Ban cán sự  Sông Đà. Phân công đồng chí Đặng Ngọc Tề làm Bí thư chi bộ N.210, đồng chí Huỳnh Đình Phú làm Bí thư chi bộ N.220, đồng chí Đặng Ngọc Lữ làm Bí thư chi bộ N.230. Chi bộ N.220 phụ trách chừng 650 hộ gia đình ngư dân làm nghề thuyền rớ, ở tạm bợ trên các nhà chồ, trên những chiếc ghe mui, trên các Cồn Bồi, Cồn Tra, Cồn Hè-Nại Nam, Cồn Khoai, Nại Hiên Đông, Cồn Ngan, Cồn Án, Thuận Phước...
Về Hòa Xuân, Sáu Hưng lại nhớ như in những người dân ven sông Hàn chuẩn bị ghe thuyền, đào hầm cho bộ đội về tạm trú để đánh sân bay Nước Mặn. Bà con Cầm Chánh ở dưới thuyền, sống bằng nghề đánh cá trên sông Cẩm Lệ. Vì cái tội tiếp tay với cộng sản đưa bộ đội pháo binh giải phóng nện pháo vào sân bay quân sự Đà Nẵng, làm cháy hàng chục máy bay Mỹ và một kho xăng, khói mù mịt cả buổi sáng, chính quyền ngụy Đà Nẵng buộc họ phải lên bờ.

Lên bờ thì lên! Dù tạm bợ trong những căn nhà tranh tre mưa dột, bà con Cầm Chánh vẫn phải giữ thuyền và bám với con sông Cẩm Lệ để sống và, quan trọng hơn, xây nên một bàn đạp để cách mạng qua đây vào nội thành Đà Nẵng… Xóm dân này, và cái bàn đạp Cầm Chánh đã tiếp tay, tiếp sức đưa hàng ngàn bà con vượt sông Cẩm Lệ tiến vào cướp chính quyền Đà Nẵng trong mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân-1968, hàng ngàn bà con Hòa Xuân đã mua hàng trăm ang gạo, 12 phi dầu, 2 phi xăng…  giấu trong nhà dân, huy động 15 chiếc thuyền sẵn sàng đưa bộ đội sang sông Cẩm Lệ đánh vào Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy. Sáng sớm mồng Một Tết Mậu Thân, theo kế hoạch, nghe tiếng súng nổ dồn bên kia sông, cùng tiếng reo mừng của anh em ta, tưởng đã đánh tan Quân đoàn 1 như kế hoạch, trên 50 chị em của Hòa Đa (Hòa Xuân) xuống thuyền, vượt qua sông, lên Đò Xu, tiến vào thành phố. Lính ngụy ở đồn Cồn Dầu bắn như mưa, xé tan đội hình. Lập tức, hai đại đội bộ đội của Khu 3 Hòa Vang, triển khai làm ba mũi tấn công đồn Cồn Dầu, bọn lính bỏ đồn chạy lên Cẩm Lệ.

Sáu Hưng gặp lại bà  Bùi Thị Lâm, Bí thư K20.
Sáu Hưng gặp lại bà Bùi Thị Lâm, Bí thư K20.

Khi hàng trăm bà con đấu tranh chính trị đi tiên phong vượt sông, chiếm được Đò Xu liền dùng loa kêu gọi bà con tiến lên, vào thành phố, thì lập tức có 3 chiếc thuyền máy cùng hàng trăm chiếc thuyền nhỏ bên bờ Nam, dàn thành hàng ngang, chở bà con tiến qua Đà Nẵng. Một đoàn quân đấu tranh gồm 3 đại đội của Khu 3 Hòa Vang vượt qua được sông, lên bờ liền bị trực thăng chiến đấu của Mỹ vây bắn tới tấp, hàng chục người ngã xuống, hàng chục người bị bọn tay sai vây bắt bỏ tù... Trận này, hai Thường vụ Đặc khu ủy Mai Đăng Chơn và Đinh Châu hy sinh không tìm được xác.

…Ở vùng sông nước Hòa Xuân, Sáu Hưng nhắc câu chuyện tổ chức đưa đón đoàn quay phim ba người, trong đó, hai người Việt Nam và một nhà quay phim Trung Quốc, vào sông Hàn quay phim các cơ sở quân sự của Mỹ-ngụy. Phân cho thuyền rớ của ông Huỳnh Văn Kiển chở người và máy quay phim, còn thuyền rớ của ông Huỳnh Văn Phiên và Huỳnh Văn Yến đi hai bên. Ba chiếc thuyền vừa đi vừa thả lưới, chầm chậm bơi theo yêu cầu của các nhà quay phim, để quay các mục tiêu như cảng biển, núi Sơn Trà, rađa, bờ sông Hàn, quay được cảnh một chiếc máy bay phản lực Mỹ bay trên bầu trời Đà Nẵng…

…Sau cuộc đấu tranh chống “Hiến chương Vũng Tàu”, ngư dân Sông Đà tiếp tục đấu tranh biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do hành nghề ở những nơi bị chính quyền thành phố cấm từ chân đèo Hải Vân đến mỏm núi Sơn Trà.

Đảng ủy Sông Đà, trực tiếp là chi bộ N.220, do đồng chí Huỳnh Đình Phú, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Bí thư chi bộ, cùng ba đồng chí Huỳnh Đình Quế, Đặng Văn Bé và Huỳnh Văn Lung nhận nhiệm vụ đánh tàu chiến Mỹ cập cảng. Đồng chí trung úy đặc công Trần Văn Châu cùng tổ đánh tàu lập tức triển khai nhiệm vụ.

Vào lúc 1 giờ 30, rạng sáng ngày 27-3-1965, đội đặc công đánh thủy Sông Đà đã cho phát nổ khối TNT, làm thiệt hại nặng nề chiếc tàu chiến Mỹ mang số USLT555, làm nức lòng bà con Đà Nẵng. Và, chuyện Lê Độ, người con thân yêu của Sông Đà, dùng 2kg thuốc nổ TNT cài đặt trong một chiếc radio đánh vào bọn thủy quân lục chiến Mỹ ở khách sạn Bạch Đằng. Trận đánh không thành, Lê Độ bị bắt, bị đưa ra pháp trường Chi Lăng, không hành quyết được trước hàng ngàn người sẵn sàng xuống đường, bọn chúng bí mật đưa Lê Độ đi thủ tiêu, gây phẫn nộ trong người dân Đà Nẵng.

Đi ba ngày, thăm được 20 gia đình, còn bao nhiêu gia đình chưa đến tận nhà ở K20, Khuê Đông, Hói Kiểng… thì hết tiền và Sáu Hưng rất mệt. Ông nói, về, kiếm tiền sẽ đi tiếp… Dầu rằng, về đến nhà buổi chiều thì sáng hôm sau, Sáu Hưng lại phải nhập viện…

Sáu Hưng, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Quận ủy quận 1(Hải Châu ngày nay), Thư ký Liên hiệp Công đoàn Quảng Nam-Đà Nẵng, Bí thư Cảng Đà Nẵng. Tên khai sinh Trần Văn Nhung, sinh năm 1922. Lần đầu làm lý lịch, ông lấy tên là Trần Hữu Dung. Anh em ở Hòa Đa, Khuê Trung, người gọi ông là anh Năm, người gọi Năm Dung. Sau này, lại làm lý lịch, ông lấy tên Nguyễn Duy Hưng. Giao liên thường gọi ông là anh Sáu, chú Sáu, anh em thì gọi Sáu Hưng, có người gọi Sáu Bạc (vì tóc bạc rất sớm). Bọn địch khi treo giá thưởng bắt ông cũng gọi là  “Sáu Bạc, người cao,  da ngăm ngăm, mắt nheo…”.

HỒ DUY LỆ

 

;
.
.
.
.
.