.
Hồ sơ tên đường

“Cân quắc anh hùng” Bùi Thị Xuân

.

Bùi Thị Xuân khi chưa theo quân Tây Sơn đã tự phong là “Tây Sơn nữ tướng”. Đến khi bà được hội kiến với Nguyễn Huệ, họ Nguyễn cũng thừa nhận bà rất xứng đáng với danh xưng đó và còn ban tặng thêm bốn chữ “Cân quắc anh hùng”.

Bùi Thị Xuân (? – 1802) quê xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà gọi Bùi Đắc Tuyên bằng chú, gọi Bùi Thị Nhạn (chị Bùi Đắc Tuyên, chính cung Hoàng hậu của vua Quang Trung) bằng cô.
Tương truyền, bà là người có nhan sắc, khéo tay, tài kiêm văn võ, giỏi bắn cung, cưỡi ngựa, luyện voi. Bà học võ với Đô thống Ngô Mạnh, sử dụng thành thạo nhiều loại binh khí, nhất là môn song kiếm. Bà đã từng dùng kiếm giải nguy cho Trần Quang Diệu khi họ Trần bị hổ dữ tấn công. Và từ cơ duyên này mà hai người thành vợ chồng và cùng về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.

Nhờ tài võ nghệ, thuật dụng binh và lòng dũng cảm, vợ chồng bà nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn, góp công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789 và giao tranh sống mái với quân chúa Nguyễn hơn 10 năm.

Khi vua Quang Trung đột ngột qua đời (29-7-1792), vương triều bắt đầu suy yếu, phần do vua Cảnh Thịnh còn nhỏ, phần bị người cậu ruột vua là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền.

Lúc đó, bà được cử vào trấn thủ Quảng Nam, còn chồng thì được cử vào Diên Khánh chống ngăn quân Nguyễn. Đến khi nghe tin cha con Bùi Đắc Tuyên bị tướng Võ Văn Dũng bắt giết, chồng bà cả sợ, phải kéo quân về kinh đô đóng ở bờ Nam sông An Cựu.

Nghe tin nội bộ nhà Tây Sơn lục đục, chúa Nguyễn Ánh tổ chức tấn công ngay, nhưng vừa tiến vào thành Quảng Nam đã bị đánh một trận tơi bời. Tức tối vì thua mưu trí đàn bà, chúa Nguyễn lui binh và thề sẽ sớm rửa mối nhục. Lúc ấy, bà mới kéo quân về Phú Xuân để cùng chồng dàn xếp việc triều chính.
Khi Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Ánh, bà theo vua Cảnh Thịnh chạy ra Nghệ An, chỉ huy 5.000 quân chặn đánh kịch liệt quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình). Tháng 2-1802, quân Nguyễn vượt qua Nhật Lệ (Quảng Bình), đánh bại đội quân phòng ngự của Tây Sơn ở đây.
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bỏ Quy Nhơn, theo ngõ thượng đạo ra miền Tây Nghệ An, gặp bà. Hai vợ chồng xuống đến huyện Thanh Chương thì bị quân Nguyễn Ánh bắt đem về Phú Xuân hành hình.

Ngày 6 tháng 11 năm Nhâm Tuất (20-11-1802), vua tôi nhà Tây Sơn trong đó có gia đình bà bị đưa ra bãi chém An Hòa, ngoại ô Huế. Chồng bà bị xử tội lột da, bà cùng con gái độc nhất 15 tuổi Trần Bích Xuân bị xử voi dày.

Theo tư liệu của De La Bissachère, một giáo sĩ phương Tây, người có dịp chứng kiến cuộc hành hình, đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: “Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh. Mấy tên lính thét la om sòm, bảo bà quỳ xuống, nhưng bà vẫn thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo nhọn thọc vào đùi voi, con vật mới lấy vòi quặp bà tung lên trời…”.

Sử gia Phạm Văn Sơn, viết: Người ta cảm phục Bùi Thị Xuân chẳng riêng chỗ bà có nhan sắc hơn người, mà còn ở chỗ có gan dạ và trí lược của một đại tướng. Người ấy đã có công gây dựng một phần sự nghiệp của chồng và của ba anh em vua Tây Sơn, đã bao phen xuất nhập chiến trường, vào sinh ra tử...

Trong tiếng Hán, cân và quắc là hai loại khăn đội để trang sức đầu đàn bà ngày xưa, về sau trở thành từ chỉ đàn bà, con gái. “Cân quắc anh hùng” là bậc nữ lưu có khí phách. Bùi Thị Xuân xứng đáng được tôn vinh như thế.

Đà Nẵng đặt tên bà cho con đường dài 550m, rộng 7m (ảnh), từ đường Trần Quang Diệu rẽ về đường Trần Hưng Đạo, chạy qua khu dân cư mới, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 06-2000/NQ-HĐ của HĐND thành phố khóa VI, ngày 19-7-2000 về đặt và đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.