“Các trường mầm non (MN) chỉ có một chương trình học chung theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nói trường chất lượng cao ở đây chúng ta có thể hiểu là chất lượng dịch vụ phục vụ cho việc dạy và học cao hơn, tăng cường dạy các môn năng khiếu cho trẻ, các trường tư muốn tạo thương hiệu cạnh tranh…”, ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu lý giải hiện nay vì sao có nhiều trường MN “chất lượng cao” ra đời.
Các lớp học có từ 2-3 cô, trông ít cháu là một trong những tiêu chí hoạt động của các trường MNCLC (ảnh trên web của Trường MNCLC Lạc Hồng). |
Trên các website, tờ giới thiệu về trường, hầu hết các trường MN chất lượng cao (MNCLC) đều có những dòng giới thiệu ấn tượng, hình ảnh rất bắt mắt. Chương trình giáo dục mẫu giáo nhằm giúp trẻ em từ 3 đến 6 tuổi khỏe mạnh, cân đối về cân nặng và chiều cao; ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi các sự vật, hiện tượng xung quanh; có khả năng nghe và kể lại sự việc, kể lại chuyện; có khả năng cảm nhận vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật; có khả năng thể hiện cảm xúc, sáng tạo trong các hoạt động âm nhạc, tạo hình; có một số kỹ năng ban đầu về việc đọc và viết; giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, tự lực…
Theo bà H.K.C (xin được giấu tên), một người có trên 30 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục MN cho biết, phát triển kỹ năng của trẻ 3-6 tuổi là điều hết sức bình thường, trẻ nhận biết hình ảnh, màu sắc, biết sáng tạo trong bài học nặn đồ chơi… Và các trường khi giới thiệu về mình, thì đây cũng là các kỹ năng mà Bộ GD&ĐT đã quy định trong chương trình học, chứ không có gì đặc biệt so với các trường khác.
Đi vào xem hoạt động thực tế các trường và nghe ý kiến phụ huynh, chúng tôi mới hiểu rằng những yêu cầu chung đưa ra từ các trường MNCLC nghe có vẻ cao nhưng về hình thức vẫn không khác gì các trường MN công lập, tư thục khác. Thực đơn bữa ăn của các bé cũng không khác các trường công, tức là yêu cầu có đầy đủ nhóm bột, thịt cá, rau củ. Và khi không học ở trường MNCLC nữa, trở về các lớp học bình thường, chất lượng không được quảng cáo là… cao, bé vẫn học và phát triển bình thường như bao em bé khác.
Đại diện Trường MNCLC Hồng Phúc ở đường Núi Thành cho biết, chương trình học ở trường này không khác các trường khác, chúng tôi có thêm các môn học năng khiếu, học tiếng Anh với người bản xứ (nếu trường liên hệ được).
Ở Trường MN tư thục CLC Việt Nhật, trường được giới thiệu là chăm sóc cháu và giáo dục theo mô hình của Nhật Bản, bé sẽ được học các môn năng khiếu như hát, đàn, vẽ, trống; được tiếp xúc với tiếng Anh và tiếng Nhật; được đi tham quan dã ngoại… Trường MNCLC ABC thì cam kết với phụ huynh khi bé vào học tại trường sẽ học được những đức tính như sự tự tin, khả năng sáng tạo, năng động, tính trung thực, khả năng chơi và học trong nhóm, kỹ năng sống, kỹ năng tự học, kiến thức căn bản…
Chị Thu Hà, một phụ huynh có con học ở Trường MNCLC ABC cho biết, điều đầu tiên chị muốn con học ở đây là lớp học ít, bé sẽ được chăm sóc tốt hơn, đồ chơi cũng được đầu tư đẹp hơn một số trường mà chị biết, nên việc bỏ ra một khoản tiền lớn hằng tháng để con được chăm sóc tốt là điều chị yên tâm nhất. Chị Hiền (quận Thanh Khê) cho biết, con gái chị 4 tuổi, từ ngày chị gửi vào Trường Việt Nhật thì bé học được tính tự lập hơn, như tự thức dậy vào buổi sáng, tự xúc ăn…
Qua ý kiến một số phụ huynh, thì hình như các ông bố, bà mẹ quan tâm đến chất lượng nuôi dưỡng, số lượng cháu bé trong một lớp học (đồng nghĩa với việc bé được cô quan tâm hơn) hơn là cháu học được gì ở các trường CLC, so với các trường công lập, tư thục khác.
Điều hấp dẫn ở các trường MNCLC là lứa tuổi nhận trẻ khoảng từ 12 đến 18 tháng tuổi, trong khi ở các trường khác chỉ nhận bé ít nhất là 24 tháng tuổi. Ngoài ra, thời gian đón và trả bé có thể thích hợp với thời gian làm việc của bố mẹ, tức là sau 5 giờ chiều đến 7 giờ tối tùy theo đề nghị của phụ huynh. Nhưng học phí, các khoản đóng góp ban đầu khi vào trường của bé cũng cao gấp 2-3 lần so với các trường công lập khác. Như ở Trường MN tư thục CLC Việt Nhật, học phí và tiền ăn mỗi tháng từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng; Trường Hồng Phúc từ 1,2 đến 1,4 triệu/tháng. Ngoài ra, nếu bé tham gia học các lớp năng khiếu sẽ nộp thêm 50.000 đồng/tháng/môn học.
Và để tạo thương hiệu cạnh tranh, các trường sẵn sàng đầu tư trang thiết bị, vật chất, trong các phòng học có camera để phụ huynh theo dõi hoạt động của bé; lớp học chỉ có khoảng 10-20 cháu, có từ 2-3 cô, thậm chí là 4 cô để giúp bé trong các bữa ăn… Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho rằng, việc đầu tư chất lượng phục vụ, lớp học ít, tăng thêm các môn năng khiếu… chỉ là vấn đề để các trường giới thiệu, cạnh tranh với các trường khác. Nhưng các trường phải trả lời cho phụ huynh biết chương trình học có gì khác không, “chất lượng cao” ở chỗ nào, để xã hội không nhầm tưởng có gì đặc biệt ở những trường “gắn mác” CLC. Ngoài ra, toàn quận Hải Châu hiện chỉ có 3 trường MN đăng ký là trường CLC, nhiều trường còn lại đều “tự phong” là CLC…
HIỀN LƯƠNG