.

Sơ suất của “thiên tài”

.

Một vụ tai tiếng xì-căng-đan lớn nhất trong lịch sử mỹ thuật nước Đức về một họa sĩ tài năng, một con người lập dị, trong thời gian 35 năm, đã thực hiện hàng loạt bức tranh, bỏ túi tiền triệu và đánh lừa nhiều nhà sưu tập cùng nhà bảo tàng nghệ thuật hàng đầu. Bây giờ ông ta đang chịu án tù. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Spiegel (Đức), ông thổ lộ đã làm công việc giả tranh như thế nào và tại sao bị bắt.

Bức tranh nhái của Wolfgang Beltracchi.
Bức tranh nhái của Wolfgang Beltracchi.

Họa sĩ Wolfgang Beltracchi (ảnh) tiết lộ, khoảng 1.000 - 2.000 bức tranh giả, một số lượng đáng kinh ngạc do ông thực hiện, đã phát tán trên toàn cầu. Con số đáng kể vượt qua khỏi những bậc thầy chuyên giả tranh ở Đức từ những năm 1970. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi bị kết án, Beltracchi nói rằng ông ta đã giả tác phẩm hội họa của gần 50 họa sĩ nổi tiếng trên thế giới, hầu hết là họa sĩ hiện đại như Max Ernst, Johannes Molzahn và Fernand Léger.

Liên quan đến 14 bức tranh giả đã bán với giá trọn gói 45 triệu USD, Beltracchi bị kết án 6 năm tù về tội nhái tranh và lừa đảo. Vợ và người em của ông ta cùng một vị cộng sự cũng đang bị giam giữ.

Trong số nhiều người yêu nghệ thuật rơi vào cuộc lừa phỉnh của  Beltracchi, báo chí đề cập đến trường hợp xảy ra vào năm 2004 đối với diễn viên điện ảnh nổi tiếng Steve Martin. Ông là một trong nhiều nạn nhân đã mua phải tranh nhái của Beltracchi từ một phòng tranh ở Paris với giá 850.000 USD. Bức tranh này copy tranh “Phong cảnh và ngựa” của Heinrich Compendonk. Dầu sao, trường hợp Beltracchi copy tranh của người khác rất ít nhưng ông ta tạo nên bộ tranh “sưu tập hoàn hảo” của mình bằng cách vẽ những bức tranh thuộc loại kiệt tác của họa sĩ lớn mà người ta nghĩ rằng đã bị thất lạc.

Tranh giả như thật! Ông ta đã qua mặt rất nhiều chuyên gia nghệ thuật, kể cả Werner Spies, người đã tự tuyên bố là chuyên gia nghiên cứu về Max Ernst, ông vua nghệ thuật chủ nghĩa siêu thực. Werner Spies nói rằng ông ta đã gặp Ernst vào năm 1966 nhưng lại nhầm lẫn tính xác thực ít nhất 5 tác phẩm siêu thực được vẽ trau chuốt, bóng bẩy, thực ra, chúng đều là tranh giả do chính  Beltracchi vẽ.

 

Những bức tranh nhái của Wolfgang Beltracchi.
Bức tranh nhái của Wolfgang Beltracchi.

Mưu đồ bất lương của Beltracchi kéo dài đến mấy thập kỷ cho đến khi bức tranh giả “La Foret” của Max Ernst được gửi tới phòng kỹ thuật để kiểm chứng. Kết quả chất màu trắng sử dụng trên tranh mang nhiều tố chất hóa học titanium white (màu trắng kẽm) vào năm 1927 - thời kỳ tác phẩm gốc được vẽ - tố chất này chưa ra đời. Một sơ suất tuy nhỏ nhưng khó lòng biện bạch đối với “thiên tài” Beltracchi.

Wilhelm Kremer, vị chủ tọa trong vụ án của Beltracchi cho rằng “Nhóm lừa đảo-đồ giả nghệ thuật này đã tổ chức hết sức công phu, tỉ mỉ, bạn có thể nói cách làm của họ nghiêm túc, chính xác như quân sự”. Công việc giả tranh cùng với lời thú tội đầy đủ của  Beltracchi nên tòa án ở Đức đã giảm bớt án cho ông ta.

Beltracchi sinh năm 1951 tại thị trấn nhỏ của Hoexter ở North Rhine-Westphalia, tiểu bang đông dân nhất nước Đức. Ông bị đuổi khỏi trường trung học ở tuổi 17. Sau đó, bắt đầu một cuộc sống lang thang rày đây mai đó qua các cộng đồng dân cư. Ông thường lui tới các điểm trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Beltracchi đã từng đến châu Âu và Bắc Phi. Ông đã gặp và sống chung với  Helene Beltracchi, người vợ và là người đồng lõa vẽ tranh giả, vào năm 1992.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Spiegel, Beltracchi tỏ ra thành thật khi kể lại quá trình lừa phỉnh trên thị trường nghệ thuật trong quá khứ, đồng thời ông cũng không kém phần lạc quan và tự tin về “tài năng thiên bẩm” của mình. Beltracchi nói: Là một tội phạm đối với một số người. Là một nghệ sĩ đối với một số người khác. Tôi hiểu điều đó. Ở bình diện pháp lý, tôi là một tên tội phạm. Hình phạt thật gay go, khắc nghiệt nhưng chính đáng và hợp lý bởi vì tôi đã làm giả tác phẩm trong một thời gian dài…

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.