.

Chuyện tưới tiêu cho đồng ruộng

.

Những năm qua, hệ thống thủy lợi nội đồng dẫn nước tưới tiêu được đầu tư khá tốt, nhưng tình trạng thất thoát nước vào mùa khô, ngập úng vào mùa mưa khiến sản lượng lương thực giảm vẫn là nỗi lo của người nông dân.

Đập An Trạch, một trong 2 đập chính trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng. (Ảnh: V.T.L)
Đập An Trạch, một trong 2 đập chính trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của Đà Nẵng. (Ảnh: V.T.L)

Tưới, tiêu đều gặp khó

Ông Ngô Văn Tế, ở tổ 8 thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, Hòa Vang khẳng định chắc chắn là nước tưới ảnh hưởng thực sự đến vụ mùa được, mất, và dẫn đến mất an ninh lương thực là chuyện đương nhiên nếu nói đến từng gia đình. Như gia đình ông có 3/8 sào ruộng không sản xuất được do ngập úng. Mấy chục năm, một mình ông cần mẫn với từng thửa ruộng nuôi mấy đứa con ăn học. Hồi đó, cánh đồng nào cũng cày cấy tốt nên không lo. Giờ con ông đã có việc làm ổn định, ông không phải lo nhiều đến lúa gạo. Nhưng bà con trong thôn, nhiều gia đình không còn ruộng, phải đong gạo chợ. Cả thôn có gần 600 hộ dân, còn 75% hộ làm nông. Gần 4 năm nay, khoảng 30 sào ruộng của 25 hộ dân thôn Phong Nam phải bỏ hoang. Phần do ngập úng; do nhiều dự án đổ đất, làm ngập hết mương tiêu thoát nước. Nhiều hộ trồng hoa màu cũng bỏ đất vì nước không dẫn đến được ruộng… “Nhà nông phải có gạo trong nhà mới chắc ăn. Chứ nhiều người già như tôi, không có ruộng, không có con cháu hỗ trợ thì biết làm gì mà ăn”, ông Tế nói.

Ông Ngô Văn Khả, Trưởng thôn Phong Nam cho biết, từ hồi có dự án quy hoạch, thôn còn 56 trong tổng số 80 ha ruộng, đến mùa phải huy động 6-7 máy bơm tưới nước, nhưng các đồng ruộng phải chia thời gian trổ nước. Đồng ruộng thôn Đông Hòa phải bơm nước hoàn toàn. Những cánh đồng cuối kênh của thôn Tây An phải trổ nước vào ban đêm. Có nơi thiếu nước, nhưng có nơi không có kênh thoát, ruộng bị ngâm nước, lúa cấy xuống không phát triển được. Ông Khả nêu lên một thực tế là kênh mương thủy lợi ở Hòa Châu hơn chục năm nay không được đầu tư, kênh bị “lỏng” nên nước thất thoát nhiều, dù nước ở kênh chính dồi dào nhưng các kênh dẫn không tốt nên ruộng vẫn thiếu nước.

HTX Hòa Tiến 2, xã Hòa Tiến có 260 ha sản xuất lúa hàng hóa cho năng suất 55-60 tạ/ha; 30 ha sản xuất lúa giống cho 300 tấn lúa giống mỗi năm, những con số đáng để gọi là “được mùa” như vậy nhưng vẫn không làm ông chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 2 Lê Văn Phúc yên tâm. Ông cho biết, đồng ruộng ở đây cho năng suất, sản lượng khá, nhưng vào một số thời điểm hạn hán của mùa khô, nước không đủ cho ruộng; vào mùa mưa thì có hơn 30 ha ngập úng, sản lượng giảm 20-30%. Vụ hè thu trở thành vụ bấp bênh của Hòa Tiến khi chiều dài gần 7km kênh mương nội đồng chưa được bê-tông hóa, làm lãng phí nguồn nước tưới vào mùa khô và không kịp tiêu thoát vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Thảo, Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1 cũng cho biết, diện tích sản xuất lúa giống của bà con vào khoảng 50-70 ha, sản lượng 500-700 tấn tùy theo vụ, “năng suất và diện tích sản xuất của chúng tôi chưa thể ổn định vì kênh tưới còn khó khăn, dù kênh mương, nước đầy đủ nhưng vẫn thiếu nước khi tất cả các cánh đồng cùng xuống giống một thời điểm”.

Cần có lời giải rốt ráo

Diện tích nông nghiệp của Đà Nẵng trước đây có hơn 8.000 ha, nhưng hiện nay chỉ còn gần 6.500 ha. Trong khi đó các công trình thủy lợi chỉ bảo đảm được 75% diện tích tưới, số còn lại phụ thuộc vào nước trời và các phương án bảo đảm nguồn nước. Những năm hạn nặng, toàn thành phố có đến
1.000 - 1.500ha không có nước tưới. Những năm hạn bình thường, số ruộng không đủ nước cũng lên tới hàng trăm ha.

Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Đà Nẵng có 20 máy bơm chống hạn ở các vị trí cuối kênh, thực hiện nâng cấp 6 hồ chứa, nạo vét lòng hồ, kiên cố kênh mương tiết kiệm nguồn nước. Ông Phạm Tác, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết, hiện kênh dẫn nước chính đã được bê-tông hóa, bảo đảm lịch thời vụ, tránh thất thoát nước… Nếu vấn đề lãng phí nước xảy ra là do… kênh nội đồng địa phương quản lý. Ông Tác đưa ra thực tế là mỗi lần công ty xả nước, có thông báo cho các địa phương, nhưng người dẫn nước không đủ nên có nơi thừa, nơi thiếu nước, ảnh hưởng đến thời vụ của bà con. (Như xã Hòa Liên còn khoảng 200 ha lúa nhưng không có nhân viên dẫn nước). Và đến nay chỉ có 25/44 đơn vị có nhân viên thủy nông nội đồng. Trong khi tiền phụ cấp cho người trổ nước là 15.000 đồng/sào, quá thấp khiến nhiều người bỏ việc.
Từ bao đời nay, nước luôn là yếu tố quyết định đến việc được, mất của vụ mùa và nói sâu xa hơn là an ninh lương thực. Vấn đề thủy lợi khiến nơi cấp nước là công ty thủy lợi và người hưởng lợi là nông dân luôn phải tìm các giải pháp tưới tiêu kịp thời cho đồng ruộng.

 Đà Nẵng hiện còn 6.472ha đất nông nghiệp (theo số liệu của Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Đà Nẵng), trong đó huyện Hòa Vang 2.978 ha (theo UBND huyện Hòa Vang). Diện tích đất bị ảnh hưởng đến sản xuất do những năm hạn hán đặc biệt vào khoảng 1.000 -1.500 ha; diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn bình thường ở những vùng gần cửa sông, vùng không có thủy lợi vào khoảng 300-500ha.
Diện tích nằm trong vùng quy hoạch, không đủ nước để sản xuất: 50ha (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang).

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.