Từ năm 600 TCN, Lão Tử đã viết trong Đạo Đức Kinh: Thủy thiện lợi vạn vật (nước thường làm lợi vạn vật). Khi nhân loại bước qua thế kỷ XXI, các hiệu ứng biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến cho nước không phải lúc nào cũng làm lợi cho cuộc sống con người.
Lũ lụt “vô tình”, tàn phá cả công trình thủy nông như kênh KN1B dẫn nước từ hồ Đồng Nghệ xuống xã Hòa Phong. |
Dời nhà tránh lũ
Gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng diễn biến ngày càng bất thường. Thống kê cho thấy có tới 90% số vụ thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước. Đà Nẵng nằm trong vùng hạ du các sông lớn Vu Gia, Thu Bồn, Túy Loan, Cu Đê. Sông ngắn mà độ dốc cao, lại là vùng tâm mưa lớn nên Đà Nẵng thường xảy ra lũ lụt, lũ quét, được cho là một trong những rốn lũ của miền Trung.
Ông Lê Duy Vọng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão – Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, cho biết tổng lượng dòng chảy vào địa phận Đà Nẵng hằng năm rất lớn, khoảng 8,3 tỷ m3 (Sông Hàn 7,6 tỷ m3, sông Cu Đê 0,7 tỷ m3); trong đó chỉ 3 tháng mùa mưa, từ tháng 9 đến tháng 12, đã chiếm từ 60% - 70% lượng dòng chảy mỗi năm. Hệ quả là có khoảng 100km2 vùng hạ du Đà Nẵng thường xuyên bị lũ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của trên 150 nghìn người - gần 20% dân số
thành phố.
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT thành phố, để ứng phó với vùng ngập lũ, sạt lở, biển xâm thực hằng năm, trong giai đoạn 2006 – 2010, Đà Nẵng đã dành kinh phí gần 20 tỷ đồng để di dời 207 hộ dân (1.086 người) ra khỏi vùng thiên tai, trong đó phần lớn là xã Hòa Bắc với 146 hộ. Chương trình được UBND thành phố tiếp tục duy trì trong giai đoạn 2011 – 2015 với kinh phí 79,2 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 73,4 tỷ đồng), dự kiến di dời 520 hộ; trong đó bố trí ổn định dân cư xen ghép 128 hộ, bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án quy hoạch 392 hộ.
Kỹ sư Đặng Công Đào, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang giải thích: Bố trí xen ghép là hỗ trợ kinh phí theo chính sách quy định để người dân vùng nguy cơ thiên tai tự tìm nơi ở mới trong các khu dân cư được quy hoạch. Ông Đào nói đùa: Bình thường thì nhà cấp 4 là đã ở được, nhưng vùng có lũ thì phải làm nhà kiên cố có gác, nghĩa là người nghèo thường khó sống chung với lũ lụt.
Lợi và bất lợi
Hiện nay, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 8 thủy điện lớn và 31 thủy điện vừa và nhỏ. Theo đánh giá của ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Chi cục trưởng, việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thủy điện này (trừ Thủy điện Đăk My 4), đã có những tác dụng có lợi nhất định như bổ sung một phần dòng chảy mùa kiệt, bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp vùng hạ du, bảo đảm duy trì một phần dòng chảy môi trường, bảo vệ môi trường ở hạ lưu sông Vu Gia, ngoài ra còn có tác dụng duy trì dòng chảy kiệt, giảm xâm nhập mặn mùa khô hạn, chống bồi lấp các cửa sông và cắt một phần lũ, chủ yếu là lũ tiểu mãn.
Di tích cấp quốc gia như Đình Túy Loan trong trận lũ tháng 11-2011. |
Tuy nhiên, vẫn theo ông Hòa, hệ thống thủy điện này cũng gây ra những tác dụng bất lợi, cụ thể là Thủy điện Đăk My 4 làm thiếu nước trầm trọng vùng hạ lưu mà báo chí và dư luận đã lên tiếng thời gian qua. Thủy điện A Vương thì mùa khô năm 2008 đã chặn dòng tích nước, gây khô hạn nặng cho 6.000 ha lúa và Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Ngược lại, đợt lũ tháng 11-2009 thì lại xả nước ồ ạt làm lũ chồng lũ, gây ngập lụt nặng nề tại vùng hạ lưu, nhất là địa bàn hai huyện Đại Lộc và Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ở Đà Nẵng, dự án thủy điện đầu tiên trên địa bàn thành phố có tên là Cụm Nhà máy Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc đã được khởi công vào trung tuần tháng 6-2010 tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Công trình gồm 3 nhà máy với tổng công suất theo thiết kế 49,2MW, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành nhà máy đầu tiên, vào cuối năm 2014 sẽ hoàn thành 2 nhà máy còn lại; khi đi vào sử dụng sẽ cung cấp lượng điện trung bình hằng năm 151,6 triệu kWh.
Ngoài sản xuất điện năng, dự án còn cấp nước thô để Nhà máy Nước Đà Nẵng sản xuất nước sạch cấp cho khu vực Tây Bắc thành phố. Nguồn nước sông Cu Đê sẽ được điều tiết bởi hồ Sông Bắc 2 có dung tích 113 triệu m3, bảo đảm dự trữ nước cho mùa khô và xả xuống hạ lưu giúp sông Cu Đê bớt nhiễm mặn, bảo đảm môi trường sinh hoạt của cư dân và tự nhiên.
Thực tế cho thấy lợi và bất lợi trong việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện đều bắt nguồn từ con người; nếu được tính toán, cân nhắc kỹ về mọi tác động của chúng lên cuộc sống con người thì sẽ hạn chế thấp nhất những bất lợi. Nhìn rộng hơn, nếu biết sống chan hòa với thiên nhiên, bảo vệ rừng đầu nguồn, thì con người sẽ được “thủy thiện lợi vạn vật” và xa khỏi mối hiểm họa từ nước vốn đã được dân gian xếp lên hàng đầu “thủy, hỏa, đạo, tặc”.
VIÊN PHÚC QUÂN