.

Thông điệp của nghệ sĩ Tohoku

.

“Bưu thiếp từ Nhật Bản” - một thông điệp của nghệ sĩ vùng Tohoku - là tên gọi cuộc triển lãm tác phẩm của 22 họa sĩ Nhật Bản do Gallery Ikon ở Birmingham (nước Anh)  tổ chức để kỷ niệm một năm thảm họa động đất và sóng thần xảy ra vào ngày 11-3-2011 tại vùng đông bắc nước Nhật. Gallery Ikon là một địa điểm hội tụ nghệ thuật đương đại quốc tế nằm trong khu vực Brindleyplace, trung tâm Birmingham. Ikon thường giới thiệu và tổ chức triển lãm các loại hình nghệ thuật đa dạng, nội dung thay đổi vào hai tháng một lần gồm các buổi trưng bày tác phẩm hay hội nghị chuyên đề nghiên cứu.

Tranh của Yoshitomo Saito.
Tranh của Yoshitomo Saito.

Cuộc triển lãm sẽ mở cửa đến giữa tháng tư năm nay. Hầu hết tác phẩm của những nghệ sĩ Nhật đều mang thể loại bưu thiếp, bằng nhiều hình thức và chất liệu khác nhau, tác phẩm cốt diễn tả dấu ấn khó phai mờ trong ký ức người dân Nhật Bản sau thảm họa thiên tai khi mà các phương tiện truyền tin như điện thoại di động, điện thoại cố định và cả mạng lưới Internet đều hư hại, đình trệ thì các lực lượng nhân viên trong hệ thống bưu điện là đơn vị duy nhất nhanh nhạy và nồng nhiệt mang những “bưu thiếp” chứa những  tin tức ngắn ngủi nhưng hết sức khẩn thiết đến với các người thân đang mong ngóng nhau trong cơn đại nạn. Những tác phẩm ở dạng bưu thiếp này mang đậm nét tinh thần kiên cường của người Nhật khi đối diện với tai ương cũng như sự nỗ lực khắc phục hậu quả, tái thiết xứ sở.

Trong số tác phẩm – bưu thiếp đó phải kể đến bức “tranh lá” mang tên SUMI (2011), một bố cục được thực hiện bởi các hợp chất vàng, bạch kim, lá bạc của nghệ sĩ đáng kính Hisashi Momose. Người vợ của ông đã mất 8 thành viên trong gia đình từ 3 thế hệ. Hisashi Momose sinh năm 1944 ở Hokkaido. Sau những năm 80, Hisashi Momose đã tạo ra công trình căn hộ với các vật liệu như giấy thủ công Nhật Bản và lá. Vẻ đẹp của màu sắc tĩnh lặng, ánh sáng hòa hợp tạo cho ông có một danh tiếng vững chắc.

Tranh ghép vỏ nghêu, sò của Megumi Honda.
Tranh ghép vỏ nghêu, sò của Megumi Honda.

Bức Building up Hope (2011) của Yoshitomo Saito vẽ người họa sĩ cùng những đứa con với  trạng thái mơ ước sự phục hồi xứ sở sớm kịp cho thế hệ sau của mình. Với họa sĩ Yoshitomo, thiên tai đã cướp mất xưởng làm việc nhưng may mắn là gia đình của họa sĩ còn sống sót. Hoạt động nghệ thuật trong cuộc sống của Yoshitomo Saito  khá sôi nổi: Năm 1983, từ Tokyo, Saito đến Mỹ. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật California  vào năm 1987. Ông là người nghệ sĩ có học bổng cá nhân từ Quỹ Quốc gia dành cho nghệ thuật vào năm 1994. Tác phẩm của ông có trong nhiều bộ sưu tập quan trọng ở Bảo tàng MH de Young của San Francisco, Bảo tàng Oakland California, và Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Nhà nước Hawaii…

Bức Tenshin của họa sĩ nữ Megumi Honda được thực hiện bằng cách ghép nối nhiều mảnh nghêu, sò mà cô đã thu nhặt từ bờ biển quê nhà của cô ở vùng Higashi-Matsushima vào thời gian sau thiên tai sóng thần. Đứa cháu 6 tuổi của cô sống sót nhờ chạy thoát được trong khi nhiều bạn bè và người láng giềng của cô bị cuốn sâu trong lòng biển.

  Tranh của Hisashi Momose.
Tranh của Hisashi Momose.

Cuộc triển lãm do Kate Thomson và Hironori Katagiri, nhân viên Gallery Ikon  phụ trách. Hai người này đang làm việc tại Tohuku khi trận động đất xảy ra. Cặp đôi này tiên phong tổ chức những cuộc triển lãm, những dự án mang tầm quốc tế để ủng hộ cho sự phục hồi, tái thiết ở Tohoku, khuyến khích hỗ trợ các nghệ sĩ địa phương và cộng đồng của họ và phát triển sự liên kết với nền văn hóa quốc tế.

Những người phụ trách triển lãm cũng còn mời nhiều họa sĩ và thi sĩ gửi đến những “thông điệp cụ thể” để ủng hộ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai bằng chính bản gốc tác phẩm nghệ thuật (cỡ giấy A5) hoặc những bưu thiếp có tác phẩm thơ. Tất cả sự tham gia đó sẽ dành cho các cuộc triển lãm tiếp theo và sẽ lưu diễn ở Nhật Bản - “Ưu tiên trong khu vực bị tàn phá và xây dựng lại cộng đồng và sinh kế”, Thomson nói “Từ kỷ niệm cuộc sống đi vào nghệ thuật và văn hóa - quan trọng hơn, có thể giúp nuôi dưỡng trí tưởng tượng và năng lượng”. Ngay cả những nghệ sĩ đã mất mát rất nhiều trong thảm họa sóng thần vẫn đủ năng lượng và nồng nhiệt để có những tác phẩm đẹp và đặc biệt là qua triển lãm này, tác phẩm của họ biểu hiện lòng biết ơn sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới và biểu dương khả năng phục hồi của tinh thần Nhật Bản.

HOÀNG ĐẶNG
 

;
.
.
.
.
.