Sáng tỉnh giấc, thấy se se lạnh. Thì ra gió mùa về. Chợt nhớ nước Mỹ xa xôi với những bông tuyết, chứ không phải những ngày đông đạp xe đôi với H. bên bờ Hồ, hay là gì đó liên quan tới H. như mọi lần. Bởi tối qua tôi đã quyết định ném hình ảnh H. vào một ngăn xó xỉnh ngày xưa, chỉ vì câu nói của Jonh “Quá khứ có thể đẹp. Nhưng không ai mài quá khứ ra ăn cả. Mà chúng ta sống thì cần phải ăn, tối thiểu là ăn để… thở. Nếu muốn em cứ “ăn”… tôi đây. Tôi sẵn sàng làm đối tượng cho em nghiên cứu chân lý ấy”. Ôi! Cái anh chàng trợ giảng cho giáo sư hướng dẫn tôi sao thẳng tính và bộc trực thế cơ chứ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hai mươi hai tuổi, tôi cầm trên tay tấm bằng loại ưu về quản trị kinh doanh của một trường danh tiếng bậc nhất trong nước. Khỏi phải nói. Bố mẹ tôi mừng ra mặt. Một tương lai được cả nhà vạch ra trước mắt tôi. Theo đó, tôi sẽ bước trên thảm đỏ trải đầy hoa hồng ngào ngạt hương tự nhiên, có thể xịt thêm các loại nước hoa đắt tiền.
Và tôi cũng tin vậy. Nếu như không có cuộc ra đi vội vã, đúng hơn là đột ngột của H.
H. đi. Sau khi hai đứa cười toe toét trong tấm ảnh mặc bộ đồ cử nhân hôm nhận bằng. Sau khi hai đứa gom tất cả những tháng năm bên nhau nơi thành phố vào một góc quán. H. bảo vào Sài Gòn lập nghiệp. H. muốn vùng vẫy. Vả lại, là một thằng đàn ông, H. không muốn dựa vào ai cả. Thì H. cứ phấn đấu. Có ai bắt H. phải về công ty gia đình tôi đâu. Tôi còn xác định sẽ làm ở ngoài một thời gian để va chạm, rồi nếu muốn mới về phụ giúp bố mẹ mà. Tôi nói vậy. Nhưng xem ra H. đã quyết. Và việc nói ra chỉ là thủ tục. Mấy lời chèo kéo tôi theo H. cũng là thủ tục nốt.
Lẽ dĩ nhiên tôi chẳng thể để bố mẹ lại một mình với chị dâu vốn sinh ra để xung khắc với gia đình nhà chồng. Chẳng thể ném đi hay vo lại, nhét vào cái ba-lô cả một thành phố với những tháng năm tuổi thơ, những hồn nhiên tuổi trẻ đã ăn vào máu mình để vào nơi nhiều nắng, chẳng biết ra làm sao kia. Bất ngờ. Tôi sợ. Dù bề ngoài, nhìn vào ai cũng có thể nói tôi có tràn trề bản lĩnh để làm tất cả những gì mà mình nghĩ, mình thích. Nhưng sự thật tôi vẫn là một đứa con gái, không thể trộn lẫn được, sợ những gì thiếu chắc chắn, thiếu an toàn. Chẳng phải tôi không tin vào khả năng của H. có thể che chở tôi. Chẳng phải tôi không tin là mình không thể trụ được ở một nơi lạ hoắc lạ hơ. Nhưng hai mươi hai tuổi, tôi vẫn thấy thất thần khi sáng mai ngủ dậy thiếu một lời thúc giục của mẹ, một cái nhìn tin tưởng
của bố.
Giữa lúc tôi đang chênh chao thì H. đi. Đi với lời nhắn sẽ đợi. H. đâu biết chuyến tàu tốc hành chiều ấy như một nhát dao xốc ngược vào niềm tin bất diệt từ trước tới nay của tôi: chỉ yêu duy nhất một người và sẽ lấy làm chồng. Có cái gì lung lay, rạn vỡ, không thể gọi thành tên mà nghe như miếng pha lê ai ném vào vách đá. Vỡ vụn. Tiếng vỡ đanh, sắc lạnh, rợn người.
Ba tháng sau H. báo tin đã có người mới. H. sống nội tâm nên không thể chịu đựng được nếu không có ai bên cạnh. Và ở đất khách nên cần có người sẻ chia. Mà tôi thì xa quá. Thời đại thông tin cũng chỉ là phương tiện, không gì thay thế được con người. Tôi chúc mừng. Và tự cười chua chát. Nội tâm nên phủi mọi thứ nhẹ nhàng, dễ dàng vậy sao? Giật mình vì tưởng lâu nay mình đã rất hiểu H. Giật mình hơn là không biết chính mình lúc này đang muốn gì? Biết H. vậy vẫn chẳng thể quên. Việc công ty tất bật sao tôi luôn cảm giác mình đang bơi giữa thành phố với những tháng ngày cũ cùng H. Mọi ngõ ngách như đều giăng mắc dấu chân và tiếng nói hai đứa. Kể cả từng cơn gió, hay những vạt nắng, tiếng ồn, bụi đường. Tất cả như đều lên men, bốc mùi quá khứ. Ngột ngạt và bức bách. Cái thành phố tôi từng nghĩ sẽ chẳng gì khiến tôi có thể rời xa bỗng chốc thành tội đồ đáng ghét.
Và với suất học bổng cao học toàn phần kiếm được trên mạng, tôi đi. Đi để rủ bỏ ngày xưa ơi. Tất nhiên bố mẹ tôi ủng hộ. Và thêm một lần nữa được tự hào, được rạng ngời, được tươi trẻ hơn ra đến năm, bảy tuổi.
Toàn bộ những điều trên là câu chuyện của ba năm trước. Giờ đây suy nghĩ trở lại New York để làm lên tiến sĩ của tôi đã bị gia đình kịch liệt phản đối. Mọi sự tự hào đã qua. Không ai cần tự hào thêm nữa. Cái mà mọi người trong nhà cần tôi giờ đây là một tấm chồng và công việc ổn định. Con gái gần 27 tuổi như tôi theo mẹ là không thể hoãn lại được nữa. Còn bố thì bây giờ giọng đã đều đều, tới giai đoạn tín hiệu một chiều, chỉ phát chứ không thu, dù gia đình tôi có thừa tiền để mua cho bố mấy chục cái máy trợ thính, ông gật gù mà rằng: “Về đi, về xốc lại cái công ty nhà mình, một tay anh mày chật vật lắm”. Anh tôi thì nói thẳng, như ném táp-lô vào mặt, kiểu như nghĩ là tôi đang ngủ mê: “Cô về được rồi đấy, ba năm rưỡi, chạy nhảy vậy là đủ rồi, biết mùi Tây rồi thì về nhà mà tu là vừa, đừng để ông bà suốt ngày nghe thời sự lo ngay ngáy, tổn thọ lắm”. Chỉ có con bé Vy hai tuổi rưỡi, ngày tôi đi nó chưa chào đời, mà lại như hiểu tôi, suốt ngày nói “Chô cho cháu đi Mỹ với, chô cho cháu đi Mỹ với”. Giữa bữa ăn, tôi bỏ cơm, xốc bé Vy vào lòng và chạy lên phòng. Tự dưng muốn trở thành con nít quá thể. Ngày xưa chắc mình cũng vô tư như thế. Mặc kệ bé Vy lảm nhảm “Chô làm sao thế, chô làm sao thế”. Những giọt nước mắt tôi tự dưng lăn dài. Nhói ngực!
Mọi người chẳng hiểu tôi. Về giữa nhà lại thấy lẻ loi và cô độc. Mẹ vẫn những lời thúc giục nhẹ nhàng và yêu thương. Bố vẫn những ánh mắt như cười và tin tưởng. Nhưng sao tôi như thấy tất cả đều là hình thức. Không ai hiểu tôi. Hay tôi không hiểu ai?
Mấy đứa bạn hồi phổ thông và đại học còn sót lại trong thành phố xem ra hiểu phần nào. Nhưng trong chuyện tình cảm nhiều khi cái hiểu phần nào lại tệ hại hơn cả không hiểu. Hoặc là hiểu hoặc là không hiểu sẽ nhẹ nợ hơn. Cái hiểu phần nào cộng với sự nhiệt thành dễ làm mọi thứ trở nên mưng mủ, thành ung nhọt, nhức nhối. Là chuyện mấy đứa, dù bận bịu với gia đình riêng, với nheo nhóc chồng con vẫn thay phiên nhau sắp xếp dẫn tôi đi gặp “đối tác”. Lần đầu rảnh quá thì hưởng ứng, biết đâu như một trò chơi điền vào chỗ trống, có thể xóa sự cô độc, lành lạnh đang vây bủa quanh mình. Nhưng tới lần ba thì tôi phát ngán. Gặp chàng nào tôi cũng cảm giác họ là người thừa số ba, không muốn tiếp xúc lại lần hai. Trong mắt tôi đàn ông thành tập hợp những mẫu số chung, hoặc là khép nép kiểu sợ ma, yếu bóng vía hoặc chỉn chu cao đạo quá. Liệu tôi có quá “chỉn chu” trong đánh giá để thấy mình càng tiếp xúc càng xa con người hơn. Thế giới trong tôi dường như thành một cực. Không biết nên nói là hùng dũng hay ủ rủ cắm lá cờ cô đơn trên mảnh đất quá khứ theo miền suy tưởng của riêng mình. Quá khứ mang tên H. Minh mang. U tịch!
Nhưng đấy là chuyện của ngày hôm qua về trước. Giờ thì đã khác. Giờ này không biết Jonh đang làm gì? Cái thân hình to cao quá cỡ với mái tóc bồng, hơi xoăn, đôi mắt thật như lão nông miền Bắc nước Mỹ liệu đang say sưa theo các phép toán trên máy hay đã ngủ gục trên bàn. Nghĩ cũng tội cho anh chàng phải chạy vạy lo tướt mồ hôi hột cho tôi vào những ngày tôi mới chân ướt chân ráo nơi đất người, nhưng rảnh ra vẫn tếu được, với câu nói lơ lớ
“Toi yếu Viet Nam, toi yếu Hồ Chí Minh”. Jonh có biết những dòng check mail tối qua của anh đã nhấc tôi từ xa xôi sương khói ngày xưa ném lại hiện tại không một chút động lòng vương vấn. Hay vô tình Jonh đã chọn đúng điểm rơi tình cảm của tôi để chỉ bằng mấy dòng ngắn ngủi, thêm một cái click, và kết liễu những gì u u minh minh gieo theo tôi đằng đẵng những tháng ngày. Tôi giơ cờ trắng. Chấp nhận thua Jonh, trong tiếng cười. Vì tôi biết trong trận thua này, tôi đã thắng. Thắng bởi thấy mình rõ hơn. Mình là mình, như mình hằng mong đợi.
Và tôi quyết định đi. Dù trong nhà có mỗi bé Vy luôn vô tình, ủng hộ. Anh tôi lầm lầm lì lì. Mẹ thở dài thườn thượt. Có bố là vẫn bình thản như mọi khi, tuy ánh mắt cười héo hơn ngày trước. Tôi bảo xong hai năm sẽ về. Và chắc chắn bố mẹ không phải lo con gái rượu ế. Bởi lẽ trong hành lý tôi có mang cả… nước mắm. Nếu như Jonh có thể ăn… nước mắm, tôi sẽ gật đầu “ăn”… Jonh.
Tôi quyết thế, trước khi tấm vé khứ hồi hết hạn một ngày.
VĂN THÀNH LÊ. Tên khai sinh: Lê Văn Thành Sinh ngày 14-1-1986 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, chuyên ngành Sinh học. Từ năm 2008 sống và làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Giải nhì truyện ngắn Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, 2009; Giải nhì truyện ngắn cuộc thi Văn học trẻ, tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, 2011; Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Nhà văn, 2011… Đã in Hình như là tình yêu (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2008); Con gái tuổi Dần (tập truyện, NXB Trẻ, 2009); Trạm điện thoại ở thiên đường (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2011); Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (truyện vừa thiếu nhi, NXB Trẻ, 2011). |
LÊ VĂN THÀNH