Có nhiều địa danh mà tên gọi có sự biến đổi nhất định về chữ nghĩa, theo thời gian người ta không còn nhớ về từ nguyên ban đầu. Cách gọi tên và cách hiểu/quan niệm về ý nghĩa của tên gọi các địa danh đó, vì thế, trở nên không thống nhất, thậm chí rất khác nhau mà đôi khi không thật hay, thật đúng. Với ý nghĩa đó, dưới đây chúng tôi muốn bàn về tên gọi các địa danh Mân Quang và Túy Loan ở Đà Nẵng.
Hai chữ 閩 關 (Mân Quan) được ghi rõ ràng trong câu đối ở miếu Quan Thánh trong khuôn viên đình Mân Quan (g), phường Thọ Quang (trái) và đình Mân Quan phường Hòa Quý. |
Mân Quan hay Mân Quang?
Ở Đà Nẵng, Mân Quang là tên gọi phổ biến để chỉ hai ngôi làng ở hai quận khác nhau: một thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà; và một thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các tài liệu văn bản Hán – Nôm, chúng tôi không hề tìm đâu ra được cách gọi trên mà chỉ có tên là Mân Quan, chữ Hán là 閩 關. Xin dẫn chứng: Cả hai ngôi đình ở hai làng này đều có biển chữ Hán ghi tên đình là 閩 關 亭 - Mân Quan đình, nghĩa là “đình Mân Quan”.
Ngoài ra, ở các sắc phong của vua Duy Tân ban tặng cho các tộc Nguyễn, Võ ở Hòa Quý cũng đều ghi là “xã Mân Quan”. Như sắc ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (1913), ghi: 敕 廣 南 省 奠 盤 府 閩 關 社 奉 事 特 – Sắc Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Mân Quan xã phụng sự (…), nghĩa là sắc cho xã Mân Quan, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam phụng sự...
Vấn đề tên gọi đến đây đã rõ: Mân Quan chứ không thể Mân Quang! Nhưng Mân Quan nghĩa là gì?
Từ lâm Hán Việt từ điển của hai soạn giả Vĩnh Cao – Nguyễn Phố (NXB Thuận Hóa, Huế, 2001) giảng: Quan (chữ Hán) là cửa nơi giáp ranh giữa hai vùng hoặc là cửa nơi địa thế quan trọng hiểm yếu [ví dụ như Hải Vân quan]. Xét về mặt địa lý, làng Mân Quan (nên gọi lại như thế) nay thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, là mảnh đất nằm ở hữu ngạn sông Hàn, sát cửa biển Đà Nẵng, có bán đảo Sơn Trà như một bức bình phong khổng lồ chắn giữ ở mặt bắc. Mân Quan cùng với các làng xã khác như Nam Thọ, Nại Hiên là vùng đất cửa ngõ quan trọng của thành phố Đà Nẵng đi ra biển Đông. Như vậy, Mân Quan là vùng đất ở cửa biển có địa thế quan trọng. Rõ ràng, đến đây chúng ta đã hiểu được thâm ý của tiền nhân muốn diễn đạt khi đặt ra địa danh cho bản làng. (*)
Một điều nữa tưởng cần phải nói thêm ở đây là ý nghĩa tên gọi đó liệu có đúng với làng Mân Quan ở Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn không?
Về mặt ngữ nghĩa vẫn không có gì thay đổi, song về ý nghĩa của tên gọi thì dĩ nhiên không mang tính phản ánh đặc điểm địa lý, địa thế của vùng đất nơi đây, mà lại liên quan đến lịch sử lập làng. Theo dân gian, làng Mân Quan ở Hòa Quý (sau đây viết là Mân Quan - Hòa Quý) có cùng nguồn gốc với làng Mân Quan của phường Thọ Quang (sau đây viết là Mân Quan - Thọ Quang). Cụ thể là các di dân người Việt sau khi rời quê hương đất Bắc đến khai phá ở Mân Quan - Thọ Quang một thời gian, họ tiếp tục tiến vào khai phá vùng đất Mân Quan - Hòa Quý. Vì thế nên lúc khởi thủy, cả hai vùng đất này đều được gọi chung là Mân Quan, như một ngôi làng chung của cộng đồng. Có hiểu như thế chúng ta mới hết băn khoăn về nội dung câu đối ở đình Mân Quan - Hòa Quý: Mân hải ba bình duy trấn địa/ Quan sơn thạch ngật trụ kình thiên (ĐNCT tạm dịch: Biển Mân sóng lặng làm nên cuộc đất yên tịnh/ Núi Quan đá cao chất ngất như trụ chống trời).
Thúy Loan hay Túy Loan?
Tên gọi Túy Loan ngày nay đã quá phổ biến để chỉ một địa danh ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km về phía tây nam. Đó là một ngôi làng cổ có cảnh sắc hài hòa, sông núi ôm quanh. Chính vì đã trở nên phổ biến nên đại đa số người dân mặc nhiên thừa nhận đó là tên gọi đúng, có từ xa xưa.
Có lẽ do cách hiểu đơn giản rằng Túy Loan viết theo chữ Hán là 醉 鸞, trong đó Túy [醉] là say, còn Loan [鸞] là chim loan, nên nhiều người cho rằng tên gọi này xuất phát từ một truyền thuyết về con chim loan say (rượu) rồi bay đến vùng đất này (!).
Một số ít người khác thì cho rằng không phải Túy Loan mà là Thúy Loan chữ Hán là 翠 鸞, nghĩa là con chim loan màu xanh.
Thoạt nghe tưởng có lý nhưng thật đáng tiếc, tất cả chỉ là suy diễn tùy tiện của dân gian. Bởi lẽ, tất cả các tài liệu chữ Hán liên quan đến địa danh này còn lại đến nay không có bất kỳ một Túy Loan hay Thúy Loan nào có cách ghi chữ Hán như trên. Sự thật Thúy Loan mới là tên gọi đúng, nhưng không phải là 翠 鸞, tức con chim loan có màu xanh (chim loan chẳng liên quan gì đến mảnh đất mà tiền nhân đã khai phá), mà là Thúy Loan 翠 巒; trong đó Thúy 翠 gồm có bộ vũ 羽 và chữ tốt 卒 là hình dung từ (tính từ) chỉ sắc xanh biếc; Loan 巒 gồm có hai bộ ti 糹ở hai bên và bộ ngôn 言 ở giữa phía trên, dưới là chữ sơn 山, nghĩa là ngọn núi cao. Vậy Thúy Loan [翠 巒] nghĩa là ngọn núi cao màu xanh.
Trong thư tịch, địa danh Thúy Loan 翠 巒 xuất hiện lần đầu tiên trong Ô châu cận lục của Dương Văn An, viết năm 1555, tại quyển 3 mục bản đồ (lúc bấy giờ, Thúy Loan là một trong 66 xã của huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong).
Nhưng tài liệu phong phú nhất cung cấp căn cứ về tên gọi Thúy Loan như trên không đâu xa mà ở ngay... đình làng. Bức hoành phi bằng gỗ tạo năm Tân Sửu, khắc ba chữ tên đình là: 翠 巒 亭 – Thúy Loan đình, tức đình Thúy Loan. Tấm văn bia tạo năm Thành Thái nguyên niên (1889), nội dung nói về lý do tu tạo đình và việc đóng góp của quan viên- dân làng, trong đó có câu ghi rõ: 右 碑 誌 翠 巒 社 仝 社 記 – Hữu bi chí Thúy Loan xã đồng xã ký; nghĩa là: Bên phải bia chí, xã Thúy Loan đồng ký.
Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ 20 sắc phong của các vua triều Nguyễn, từ Minh Mạng (1820 - 1840) đến Khải Định (1916 - 1925) ban tặng, cũng đều ghi là 翠 巒 – Thúy Loan. Ví dụ, sắc năm Minh Mạng thứ bảy (1826) phong cho thần Thiên Y Ana có đoạn: 仍 準 許 和 榮 縣 翠 巒 社 依 舊 奉 事 – Nhưng chuẩn hứa Hòa Vinh huyện, Thúy Loan xã y cựu phụng sự; nghĩa là nhưng chuẩn cho xã Thúy Loan, huyện Hòa Vinh (Vang) phụng thờ như cũ. Sắc năm Khải Định thứ hai (1917) phong thần cho vị tiền hiền khai canh họ Trần, có đoạn: 敕 廣 南 省 大 祿 縣 翠 巒 社 奉 事 開 耕 陳 大 郎 之 神 – Sắc Quảng Nam tỉnh, Đại Lộc huyện, Thúy Loan xã phụng sự khai canh Trần Đại Lang chi thần (…); nghĩa là: Sắc cho xã Thúy Loan, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phụng sự thần khai canh Trần
Đại Lang.
Điều thú vị là tên gọi Thúy Loan cũng đã được tiền nhân diễn giải rất sinh động qua các câu đối ở tam quan nội và hiên đình.
Nói chung, sự thay đổi địa danh qua các thời kỳ lịch sử xã hội khác nhau là hiện tượng không phải không phổ biến. Thúy Loan hay Túy Loan, Mân Quan hay Mân Quang… cũng chỉ là một trong số đó. Tìm hiểu về sự thay đổi các tên gọi trên, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại những điều khám phá mới mẻ, lý thú cho bạn đọc. Tuy nhiên, đây chỉ là thiển ý của chúng tôi, mong nhận được sự góp ý của quý độc giả.
ĐINH THỊ TOAN