Trước thời điểm 30-4-1975, Đà Nẵng có hai cây cầu bắc ngang qua sông Hàn. Về tên gọi hai cây cầu này vẫn có một số tài liệu, sách báo viết không thống nhất.
Cầu Trần Thị Lý (hình chụp năm 1960). |
Trước 1975, cầu Nguyễn Văn Trỗi không có tên?
Về cây cầu do quân đội Mỹ xây dựng bắc qua sông Hàn, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và nhiều trang mạng khác ghi: “Cầu Nguyễn Văn Trỗi (NVT) trước đây không có tên, đây là cây cầu dã chiến được quân đội Mỹ xây dựng năm 1968 (chúng tôi nhấn mạnh – NV), lắp ghép từ các ống thép, mặt cầu bằng gỗ dùng để phục vụ cho việc chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng sâu Tiên Sa vào thị xã Đà Nẵng”.
Có thực sự là trước khi được đặt tên là NVT thì cây cầu này không có tên?
Người viết sống ở Đà Nẵng từ năm 1962, từng nghe người dân nơi này gọi cây cầu do Mỹ xây dựng là cầu Nguyễn Hoàng – một thông tin có lẽ gây ngạc nhiên cho không ít người, nhất là những cư dân mới của Đà Nẵng sau năm 1975. Bằng chứng ư? Lang thang trên Internet, vào địa chỉ http://www.panoramio.com/photo/49363106 sẽ bắt gặp hình cây cầu này (hình 1) với chú thích: “Cầu Nguyễn Hoàng - Đà Nẵng - 1971”.
Hình này cũng được đăng ở trang http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?t=161219 với lời bình của một độc giả: “Trước năm 75 cầu Nguyễn Hoàng là cầu dành cho quân sự được canh gác kỹ ở 2 đầu cầu. Cầu Trịnh Minh Thế là cho dân thường. 2 cái cầu này được bắc song song qua sông Hàn.
Đây là đường duy nhất dẫn ra bãi biển Mỹ Khê”.
Hai người liên quan đến chuyên môn cầu đường hiện sống ở Đà Nẵng cũng xác nhận thông tin trên: ông Trần Dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng và ông Nguyễn Hạnh, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Khu Kiều lộ Đà Nẵng (trước năm 1975). Cả hai đều xác nhận rằng, cầu Nguyễn Hoàng – NVT được xây dựng từ năm 1965, chứ không phải 1968 như nhiều tài liệu ghi. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao lại đặt tên cầu là Nguyễn Hoàng mà không phải một tên nào khác thì mỗi người có giải thích khác nhau.
Ông Hạnh cho rằng, đặt tên cầu Nguyễn Hoàng để nhớ ơn người đầu tiên có công mở cõi về phương Nam. Theo chúng tôi, cách giải thích này khả tín hơn. Cầu Trường Tiền ở Huế cũng từng được Chính phủ Trần Trọng Kim đổi thành cầu Nguyễn Hoàng vào năm 1945, sau khi Pháp bị Nhật hất cẳng, để nhớ ơn vị chúa Nguyễn đầu tiên đến khai phá đất Đàng Trong. Tác giả bài viết Cây cầu và lịch sử đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 6-2-2012 cũng có một liên hệ như thế: “Tôi thấy cầu NVT rất đẹp không thua gì cầu Tràng Tiền (đúng ra phải là Trường Tiền – NV) ở Huế về mặt kiến trúc cũng như thẩm mỹ và gắn liền với lịch sử phát triển Đà Nẵng”.
Trước 1975, cầu NVT phải có một cái tên, và đó là Nguyễn Hoàng. Cầu (và đường) trong xóm thôn hẻo lánh còn có một cái tên do dân gian đặt, huống gì...
Cầu NVT từng có tên là cầu Trịnh Minh Thế?
Ngược với thông tin trên, không ít tài liệu, bài báo cho rằng cầu NVT trước có tên là cầu Trịnh Minh Thế. Như bài viết Đà Nẵng giữ lại cầu NVT đăng trên infonet.vn (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 2-2-2012 và được nhiều trang báo điện tử khác đăng lại: “Tại đây, lúc 8 giờ 45 sáng 29-3-1975, chiến sĩ Nguyễn Văn Dự (Biệt động thành Đà Nẵng) đã anh dũng ngã xuống khi cùng đồng đội đánh chiếm bến tàu quân sự dưới chân cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu NVT) chặn đường tháo chạy của quân ngụy”.
Cầu NVT có phải từng có tên là cầu Trịnh Minh Thế không? Trả lời câu hỏi này, hãy tìm hiểu về cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn được người Pháp xây dựng vào đầu những năm 50 thế kỷ trước, đó là cầu De Lattre.
De Lattre, viết đầy đủ là Jean Joseph Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889 - 1952), thống chế quân đội Pháp, từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và mất vì bệnh khi cuộc chiến chưa kết thúc. Để tưởng nhớ ông, năm 1952, nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội đã đổi tên Route Mandarine (đường Cái quan đi qua địa phận Hà Nội) thành đường phố mang tên ông và Đà Nẵng thì đặt tên ông cho cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn, nói theo kiểu người Việt là cầu Đờ Lát (phát âm miền Trung là Đờ Lách).
Hãy nhớ rằng, đến năm 1955, ở Đà Nẵng, tất cả các đường phố mang tên Pháp (trừ Pasteur và Yersin, hai ân nhân của nhân loại) đều được đổi thành tên Việt và tên gọi De Lattre cho cây cầu độc nhất qua sông Hàn lúc đó cũng cùng chung số phận. (Tham khảo “Tên đường phố từ đầu thế kỷ XX đến năm 1955” tại địa chỉ http://www.danang.gov.vn/duongpho/63-2-565/Thong-tin/Ten-duong-pho-tu-dau-the-ky-XX-den-nam-1955.aspx). Tên cầu được chọn lúc đó là Trịnh Minh Thế (TMT), một tướng lĩnh ở miền Nam.
TMT (1922 - 1955). Gia đình từ Bình Định vào Nam từ đầu thế kỷ XIX và đổi sang họ Trình để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn với những người theo Tây Sơn. Những năm 1940 - 1954, TMT chỉ huy một trong các phe nhóm vũ trang ở miền Nam, giai đoạn 1954 - 1955 dẫn phần lớn lực lượng của mình về gia nhập quân đội miền Nam của Ngô Đình Diệm. Sau khi TMT bị ám sát năm 1955, tên ông được đặt cho con đường dọc suốt Quận 4 Sài Gòn cho tới năm 1976, nay là đường Nguyễn Tất Thành. Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho cây cầu duy nhất bắc qua sông Hàn mà trước đó có tên là cầu De Latttre.
Tên gọi cầu De Lattre đã đi vào dân gian nên nhiều người biết, trong khi đó chỉ một số người biết là đã đổi thành cầu TMT. Đến sau năm 1975, cầu TMT mới được đổi tên thành cầu Trần Thị Lý.
Cầu TMT có tấm hình chụp năm 1960 (hình 2) tại trang http://lientruongquangnamdanang.com/forums/viewtopic.php?f=17&t=161:
Tóm lại, cầu NVT không thể từng có tên là TMT được, bởi lẽ cầu NVT (tức cầu Nguyễn Hoàng) được xây dựng năm 1965, mà đến lúc đó thì TMT không còn “thiêng” đối với chính quyền miền Nam nữa.
VĂN THÀNH LÊ