Cụ (dưới đây gọi là Cụ Huỳnh/Cụ) tham gia Chính phủ Liên hiệp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa1 không chỉ với tư cách một bậc đại khoa Nho học, một cựu tù nhân Côn Đảo, thành viên duy nhất của Bộ-ba-Quảng-Nam còn sống lúc bấy giờ, để làm sang giá cho Chính phủ Cụ Hồ, mà còn với tư cách một nhà chính trị chuyên nghiệp hết lòng vì nước vì dân.
Trước hết nói về việc Cụ Huỳnh làm sang giá cho Chính phủ Liên hiệp. Xét về thâm niên hoạt động yêu nước, trong Chính phủ Liên hiệp không ai thâm niên hơn Cụ - kể cả Cụ Hồ: năm 1905, Bộ-ba-Quảng-Nam lên đường vào Nam để truyền bá quan điểm Duy tân; năm 1908, Cụ Trần Quý Cáp bị án chém ở Khánh Hòa còn Cụ Phan Châu Trinh và Cụ Huỳnh bị đày ra Côn Đảo… Án tích này được Cụ Hồ đặc biệt đề cao: “Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo mười mấy năm trường gian nan cực khổ2. Đối với đông đảo quần chúng nhân dân đương thời, một người có thâm niên yêu nước như Cụ Huỳnh mà tham gia Chính phủ thì chứng tỏ rằng đấy đích thị là một chính phủ yêu nước. Xin nói thêm rằng trong một cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc do tuần báo Phụ Nữ tân văn tổ chức vào năm 1930 về việc chọn ra 10 vị Việt Nam Nhơn dân đại biểu, Cụ Huỳnh - với tư cách chủ báo Tiếng Dân - được số phiếu bầu chọn xếp thứ hai (1.062 phiếu) sau Tiến sĩ Luật khoa Phan Văn Trường (1.133 phiếu)3. Còn xét về học vị thì việc Cụ Huỳnh đỗ tiến sĩ Nho học khoa thi Giáp Thìn 1904 cũng là một điểm sáng làm tăng hàm lượng trí thức của Chính phủ Liên hiệp, nhất là trong mối quan hệ đối ngoại với quân đội Tưởng Giới Thạch đang làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Hồi ký của Thư ký Tòa soạn báo Tiếng Dân Nguyễn Xương Thái - người tháp tùng Cụ Huỳnh ra Hà Nội - có đoạn nhắc lại lời Cụ Hồ trao đổi riêng với mình: “Chú nói cho Cụ biết hiện bên Tàu còn trọng những người hay chữ, mà bọn Lư Hán còn đóng ở đây, chúng biết trong Chính phủ ta có vị tiến sĩ văn chương, chúng cũng trọng”4. Rõ ràng có một nhân sĩ trí thức như Cụ Huỳnh tham gia, Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang giá hơn rất nhiều.
Nhưng Cụ Huỳnh còn tham gia Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là một nhà chính trị chuyên nghiệp hết lòng vì nước vì dân. Năm 1926, Cụ Huỳnh ra ứng cử nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ5, đại diện ba huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Tại cuộc bầu cử diễn ra tại Tam Kỳ, Cụ Huỳnh được hơn 600 phiếu trong tổng số 640 phiếu của cử tri ba huyện6 và trong phiên họp khai mạc năm 1926, Cụ được bầu làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Dân biểu Trung Kỳ. Hai năm sau, ngày 2 tháng 10 năm 1928, Cụ Huỳnh đưa đơn từ chức viện trưởng. Kinh nghiệm đáng kể nhất mà Cụ đúc kết được sau hai năm mang danh nghĩa người đứng đầu cơ quan phản biện các chính sách của nhà cầm quyền Pháp là dưới chế độ thực dân, nghị trường là nơi ai nói cứ nói, ai nghe cứ nghe, ai làm cứ làm. Trong diễn văn đọc trước Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 1 tháng 10 năm 1928, Cụ Huỳnh nhấn mạnh: “… đã hai năm nay, hình như nhà nước không lấy lời yêu cầu của chúng tôi làm điều để chứng cho nhân dân trong xứ hiểu rằng, một cái cơ quan mới của nhà nước, khác với chánh thể chuyên chế ngày xưa, bởi thế nhân dân đã ngã lòng tin cậy nơi chúng tôi, mà nhân dân chúng tôi không dám tin đến cái chánh thể của nhà nước”7.
Trong điếu văn đọc tại Lễ tang Cụ Huỳnh, Cụ Phạm Văn Đồng cho rằng đương thời không ai xứng đáng hơn Cụ Huỳnh để giữ ghế viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, đồng thời khẳng định: “Cái ghế đó, người sĩ phu khẳng khái không ngồi lâu được”8. Thật ra, việc Cụ Huỳnh sớm từ bỏ cuộc đấu tranh nghị trường có phần do Cụ quá thấm thía với tình trạng dân chủ hình thức của Viện Dân biểu Trung Kỳ hoàn toàn không phù hợp với phẩm chất sĩ phu của Cụ sau hai năm làm viện trưởng, nhưng chủ yếu là do Cụ đã tìm được một địa hạt tham chính phù hợp hơn, chủ động hơn - đó là con đường trở thành nhà báo chuyên nghiệp ngay lúc thậm chí trước khi Cụ được bầu làm nghị viên chuyên trách của Viện Dân biểu Trung Kỳ. Bản lĩnh người làm báo của Cụ Huỳnh được thể hiện trong bài xã luận đăng trên báo Tiếng Dân số đầu tiên ra mắt bạn đọc vào ngày 10 tháng 8 năm 1926: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”9.
Do điều kiện lịch sử cụ thể của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi đầu năm 1946, Chính phủ Liên hiệp là chính phủ đa đảng và Cụ Huỳnh được mời tham gia chính phủ này với tư cách là một trong hai thành viên không đảng phái - không phải Việt Minh cũng không phải Việt Cách hay Việt Quốc... Với cơ cấu liên hiệp như vậy, điều quan trọng là Việt Minh phải chủ động chọn lựa sao cho các thành viên không đảng phái là những người vừa không bị xem là thân Việt Minh lại vừa có khả năng sẽ ủng hộ Việt Minh. Đây là bài toán không dễ trong công tác vận động trí thức của Việt Minh lúc bấy giờ, và trường hợp Cụ Huỳnh là bằng chứng cho một lời giải tối ưu. Cụ Huỳnh không thể bị xem là thân Việt Minh bởi ai cũng biết Cụ từng viết một số bài báo đăng trên tờ Tiếng Dân công khai thể hiện quan điểm không đồng tình với đường lối cách mạng vô sản. Cụ từng nói thẳng với Cụ Võ Nguyên Giáp lúc ấy đương làm biên tập viên báo Tiếng Dân rằng: “Cậu là một thanh niên thông minh, yêu nước, nhưng các cậu chưa từng trải cho nên chưa hiểu rằng chủ nghĩa Bôn-sê-vích thì không hợp với nước ta”10. Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng từng nêu đích danh Cụ Huỳnh Thúc Kháng như là người “thỏa hiệp với đế quốc”11. Thế nhưng thâm niên hoạt động yêu nước và quá trình tham chính chuyên nghiệp của Cụ như đã phân tích trên lại là tiền đề để Việt Minh tin rằng nhất định Cụ sẽ đứng về phía chính nghĩa, đồng hành cùng Việt Minh và dân tộc. Vì vậy khi “các đảng phái đối lập đề ra việc thành lập Chính phủ Liên hiệp trong đó có thành phần Việt Minh và thành phần Việt Quốc, Việt Cách, với hai bộ chính là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải cử người trung lập đứng đầu” thì Cụ Võ Nguyên Giáp - đương kim Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Liên hiệp lâm thời - đã đề nghị với Cụ Hồ và cụ Trường Chinh cho mời Cụ Huỳnh “ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ”12.
Khách quan mà nói thì vai trò của Cụ Huỳnh trong Chính phủ Liên hiệp sẽ chẳng tỏa sáng bao nhiêu nếu Cụ chỉ đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bởi ai cũng biết ở một bộ quan trọng như Bộ Nội vụ, Cụ chỉ là người đứng đầu trên danh nghĩa, còn mọi tác nghiệp cụ thể và quyền lực thực tế chủ yếu nằm trong tay Thứ trưởng Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam đồng hương của Cụ. Vai trò của Cụ Huỳnh trong Chính phủ Liên hiệp chỉ thực sự tỏa sáng khi Cụ được Cụ Hồ giao giữ trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 6 năm 1946. Ở thời điểm này, bài toán chủ động chọn người càng trở nên căng thẳng đối với Cụ Hồ. Theo lẽ thường, Chủ tịch nước đi công cán nước ngoài thì Phó Chủ tịch nước sẽ giữ chức Quyền Chủ tịch nước, nhưng trong bối cảnh một chính phủ đa đảng như Chính phủ Liên hiệp, chắc là trọng trách ấy khó mà trao vào tay đương kim Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hải Thần. Vấn đề đặt ra là trao cho ai để Cụ Nguyễn Hải Thần cũng như Việt Cách, Việt Quốc có thể chấp nhận được và đương nhiên để Việt Minh có thể sở cậy được? Một lần nữa, Cụ Huỳnh lại cùng lúc đáp ứng cả hai yêu cầu ấy. Thế nhưng đòi hỏi của lịch sử đối với một Quyền Chủ tịch nước hoàn toàn không giống đòi hỏi của lịch sử đối với một Bộ trưởng. Quyền Chủ tịch nước phải có khả năng xử lý các tình huống chính trị phức tạp và khi trao cho Cụ Huỳnh tấm thiếp ghi rõ sáu chữ “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, Cụ Hồ xem như đã tin tưởng rằng Cụ Huỳnh hoàn toàn có đủ khả năng này. Và lịch sử chứng tỏ Cụ Hồ chọn rất đúng người: Cụ Huỳnh thực sự tỏa sáng trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, như đánh giá của Cụ Phạm Văn Đồng trong điếu văn đọc tại Lễ tang Cụ Huỳnh: “Đến lúc Hồ Chủ tịch sang Pháp, Cụ quyền Chủ tịch Chính phủ, đối nội, đối ngoại, nắm vững bánh lái, theo đúng chính sách Hồ Chủ tịch, củng cố chế độ dân chủ cộng hòa, quyết không nhân nhượng với kẻ hại nước hại dân”13.
Trong điếu văn đọc tại Lễ tang Cụ Huỳnh, Cụ Phạm Văn Đồng đã khái quát cả cuộc đời Cụ Huỳnh: “Thưa Cụ, người đời có mấy ai sống đến 70 tuổi. Nhưng dẫu sống 70 cũng mấy ai làm được sự nghiệp. Nhưng lạ lùng thay, đời người như đời của Cụ sao mà đầy đủ đến thế, vẹn toàn đến thế, tốt đẹp đến thế. 50 năm lịch sử kháng Pháp của dân tộc, còn sót mấy trang không in dấu tích của Cụ. Bao nhiêu phong trào oanh oanh liệt liệt kế tiếp lôi cuốn nhân dân Việt Nam trên con đường độc lập và dân chủ, hôm qua đây Cụ còn là kẻ hiện thân sinh động”14. Sở dĩ Cụ Phạm Văn Đồng có thể khẳng định Cụ Huỳnh là kẻ hiện thân sinh động cho nhân dân Việt Nam trên con đường độc lập và dân chủ là vì vai trò khó ai có thể thay thế và xứng đáng hơn Cụ trong Chính phủ Liên hiệp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Bài viết nhân Hội thảo khoa học “Thân thế và sự nghiệp Cụ Huỳnh Thúc Kháng” tại Quảng Nam ngày 20-4-2012.
1. Được thành lập vào ngày 2 tháng 3 năm 1946 dựa trên kết quả của kỳ họp thứ I Quốc hội khóa I tại Hà Nội, nhằm tạo khối đại đoàn kết vững mạnh trên cả nước để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc về sau.
2. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Nxb Đà Nẵng, 2010, trang 1632.
3. Theo tuần báo Phụ Nữ tân văn số 64 ra ngày 7-8-1930.
4. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 1684.
5. Được thành lập theo nghị định ngày 24 tháng 2 năm 1926 của Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne.
6. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 189.
7. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 250 và 251.
8. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 1634.
9. Dẫn theo Chương Thâu: Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Nxb Đà Nẵng, 1989, trang 21.
10. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 1679.
11. Văn kiện Đảng 1930-1945, tập I, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng xuất bản, 1977, Hà Nội, trang 72.
12. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 1680.
13 và 14. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh (sưu tầm - biên soạn): Sách đã dẫn, trang 1634.