.

Chữ nghĩa của sách

.

1.  Dòng họ nhà tôi, một cách nào đó liên quan tới chữ. Làm nghề gì, sống bằng cách gì, thì cũng không rời bỏ chữ nghĩa. Cố tôi, ngày rời quê cha đất tổ Hội An dong buồm ngược dòng Thu Bồn lên Trung Phước gây dựng cơ nghiệp đã dán đôi câu đối trên mạn thuyền tỏ rõ chí khí nam nhi của mình: “Thừa phong trục phá thiên trùng lãng/ Đắc vận hoành khai bá vạn tài”. Chưa nói tới bản lĩnh, tới khí phách, thì một người đã làm đôi câu đối như thế, hẳn là người có chữ!

 

Xin chữ tại lễ hội Quán Thế Âm.                                              Ảnh: Minh Trí
Xin chữ tại lễ hội Quán Thế Âm.                                                                             Ảnh: Minh Trí

Nội tôi có tiếng với nghề thuốc bắc. Cho đến tận giờ theo chỗ tôi biết, một vài người già vẫn lưu giữ những bài thuốc của nội tôi. Là người giỏi chữ Hán, ông còn giỏi tiếng Việt và tiếng Nôm. Câu đầu bài “Tiết phụ ngâm” của Trương Tịch khó có ai chuyển ngữ hay hơn “Chàng biết thiếp có nơi kết tóc/ Đem tặng lòng đôi ngọc minh châu…”. Thậm chí có người nhận xét bản gốc chỉ “Tặng thiếp song minh châu” mà người chuyển ngữ “Tặng lòng” thì còn hay hơn nguyên tác! Những câu thơ nội tôi sáng tác cũng không thua kém. Gặp lại người tình một thuở bên bến Ý, khe Giao, ông mở đầu bài thơ: “Ngơ ngáo thuyền tình nơi bến Ý/ Thẹn thùng lời ước giữa khe Giao…”. Hai chữ “ngơ ngáo” thật đắc địa, không có chữ nào khác trong kho ngôn ngữ Việt có thể diễn tả cái tình ấy cái cảnh ngộ ấy!

Ông nội chú của tôi đỗ tú tài ngày quê tôi không mấy người biết chữ. Mừng ông đỗ tú tài, cố tôi viết đôi câu đối “Bồng Sơn chung tú khí/ Phước địa phát bồng lai”. Ông giáo sư để lại khá nhiều tác phẩm của mình cũng như tác phẩm dịch, và tên ông cũng là tên hai con đường ở hai thành phố Đà Nẵng và Hội An. Ông nội chú của tôi là người hay  chữ.

Cha tôi học tiếng Pháp ở trường, từng đã làm thông ngôn. Cha tôi học chữ Hán chữ Nôm từ nội tôi. Nghỉ hè từ Hội An về, nội đọc thuộc lòng các vở tuồng cho cha tôi chép, mà đọc chữ Hán chứ không phải tiếng Việt. Rồi, như hầu hết những trí thức đã bỏ dỡ con đường học hành tham gia kháng chiến, tự học tự nghiên cứu mà trở thành giáo sư - lại là giáo sư đầu ngành! Sự nghiệp của ông - nghiên cứu, sáng tác, giảng dạy, đạo diễn… lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn. Trong bài viết sau ngày cha tôi mất, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái gọi ông là “cây đại thụ”. Còn Hội bảo trợ tuồng Đà Nẵng viếng ông với bức liễn “Tiếc thương thầy tuồng”. “Thầy” - như thế, cha tôi cũng là người có chữ.

Mẹ tôi cũng đã để lại tuổi thơ trên ghế nhà trường. Bà biết một ít tiếng Pháp và đặc biệt say mê văn học Pháp. Bà có thể say sưa hàng giờ về Victor Hugo, Honore de Balzac, Alphonse Daudet, Antoine de Saint Exupery… Lại có thể đọc thuộc lòng Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi không hiểu một nách một bầy con, nữ công gia chánh không gì không thành thạo, mẹ tôi lấy đâu ra thời gian để sống trong thế giới của thi ca?

Chị cả tôi có lẽ là người khả dĩ tiếp nối truyền thống gia đình, có chữ. Với một giọng điệu không giống bất cứ nhà thơ nào - trước mình và đồng thời mình, chị cả tôi khá nổi tiếng và có lẽ có một chỗ đứng trong một giai đoạn của văn học nước nhà…

2.  Đến tôi, đứa cháu đích tôn “tứ đại đồng đường” được cố được nội mừng rơi nước mắt khi chào đời thì chữ nghĩa đã rơi rụng, sờn mòn. Tôi theo học ngành cơ khí, làm cán bộ kỹ thuật, suốt đời đối diện với sắt thép, với những chiếc máy tiện máy phay máy bào, với gò với hàn với khoan với cắt… Tôi chỉ thừa kế được tình yêu chữ, cụ thể là tình yêu sách. Sau ngày giải phóng, mọi người tìm mua nhà, mua xe máy, xe đạp thì tôi ngu ngơ… tìm mua sách! Ngày ấy sách xuất bản dưới chế độ cũ ở thư viện thì phải phân loại, của nhà thì bán cho mấy bà đồng nát. Tôi có thể tha thẩn cả ngày với mấy bà ấy mà lục mà tìm cất mà giấu. Có được bao nhiêu tiền nướng hết vào sách! Vợ tôi kêu “Khổ ơi là khổ chồng ơi là chồng!”

Ấy, khổ đấy, nhưng …

Nhiều đêm tôi cứ tự hỏi hai vợ chồng đầu tắt mặt tối, sấp mặt kiếm cái ăn, chuyện học hành của hai đứa con phó mặc chúng tự lo, lý do nào khiến chúng ngoan? Còn nhớ xem cảnh phim lính Pháp ăn thịt gà nướng, cậu con trai của tôi méc “Mẹ ơi, nó ăn vã mẹ kìa!”. Khi cơ quan vợ tôi mổ heo, thằng bé sáu tuổi cầm rổ đứng chực, mắt hau háu những miếng thịt mà miệng thì leo lẻo “cô cho cháu miếng mỡ để rán lấy mỡ ạ!”… Cứ trăn qua trở lại, hình ảnh cậu con trai ngồi trong góc nhà vùi đầu vào sách, cô con gái đến nhà nào cũng lập tức lao về phía chiếc giá sách hiện lên mồn một. Sách - cứ thấy một quyển sách là mắt hai con tôi sáng lên, quà gì cũng không bằng sách. Trong khi chúng bạn rủ nhau thụt billiards, cà-phê cà pháo thì chúng vùi đầu vào những trang sách… Đúng vậy, một cách vô tình hai đứa con nhà tôi nhiễm thói quen đọc sách mê sách ngay từ tuổi truyện tranh phim hoạt hình. Đọc sách, ngày này qua ngày khác thành thói quen. Không ai đọc một cuốn sách rồi trở thành người tốt. Nhưng cuốn sách này nối tiếp quyển sách kia có thể tác động tới nhân cách của con người. “Người có chữ” hình như nhân hậu hơn, tử tế hơn, ít ác hơn. Người có văn hóa - tức có nhân cách và trọng nhân cách - thì ít ăn hối lộ, ít tham nhũng hơn. Như vậy, chắc chắn những quyển sách đã thay tôi và vợ tôi mà dạy hai đứa con tôi thành những công dân tử tế, kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt của mình, đối xử với mọi người nhân ái…

HOÀNG TRỌNG DŨNG
 

;
.
.
.
.
.