.
Cửa sổ tri thức

Tính bản thiện và tính bản ác

.

* Lâu nay tôi thường nghe nói “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng có anh bạn nói rằng cũng có thuyết “nhân chi sơ tính bản ác”. Xin cho biết ai là tác giả của hai thuyết đối nghịch này? Cuộc đời của họ có gì nổi bật? (Trần Quảng, Hải Châu, Đà Nẵng).

- “Nhân chi sơ bản tính thiện” (con người sinh ra bản tính là thiện) là thuyết của Mạnh Tử (372 – 289 TCN; một số tài liệu khác ghi là: 385– 303/302 TCN) - nhà triết học Trung Quốc và là người tiếp nối Khổng Tử.
Mạnh Tử phát triển thêm tư tưởng của Khổng Tử nhưng ông không tuyệt đối hóa vai trò của vua như Khổng Tử mà chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý nhất, thứ đến là xã tắc, vua là nhẹ nhất).

Mạnh Tử (trái) và Tuân Tử.
Mạnh Tử (trái) và Tuân Tử.

Mạnh Tử cho rằng bản tính của con người lúc ban đầu là Thiện. Đức của một người là quà tặng của thiên thượng (Trời), và được liên thông với thiên thượng. Mọi người đều có bản chất tốt và đạo đức, nếu một người thủ đức và nỗ lực tu thân, anh ta có thể trở thành người giống như các vị vua Nghiêu, vua Thuấn.
Học thuyết của Mạnh Tử gói gọn trong các chữ “Nhân”,  “Nghĩa”,  “Lễ”, “Trí”. Ông chỉ ra rằng để trở thành một con người có lý niệm, người đó cần phải giữ được 4 tiêu chuẩn, “lòng trắc ẩn, thuộc về lòng nhân từ; sự hổ thẹn, thuộc về nghĩa khí; tâm khiêm nhường, thuộc về lễ nghi; tâm thị phi, thuộc về trí tuệ”. Bốn đặc tính của con người này cùng các hành vi tương ứng của họ trở thành nền tảng tạo thành bốn đức tính của lòng nhân từ, nghĩa khí, lễ nghi, và trí tuệ.

“Nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra bản tính là ác) là thuyết của Tuân Tử (313 – 238 TCN) - nhà Nho, nhà tư tưởng của Trung Hoa vào cuối thời Chiến Quốc, là một trong Bách gia Chư tử (Học thuật của trăm nhà). Tuân Tử chính là thầy học của Thừa tướng nhà Tần là Lý Tư.

Tuân Tử quan niệm bản tính con người vốn là ác. Bản chất là ác, nhưng vì được giáo dục, nên con người trở nên thiện ít, hoặc thiện nhiều tùy mỗi người. Bản chất là ác nên mới hướng thiện, chứ nếu đã là thiện rồi thì cần gì phải hướng thiện. Vì thế, loài người thường nói hướng thiện, chứ xưa nay không bao giờ nghe từ hướng ác.

Bàn về tư tưởng của Mạnh Tử và Tuân Tử, tác giả Ngô Quân viết trong “Bảy đại triết gia Trung Quốc đời Chu - Tần” như sau:

“Tuân Tử cũng như Mạnh Tử, cả hai đều là nhân vật lịch sử, thừa kế tư tưởng, phát triển học thuyết của đức thầy Khổng Tử, nhưng kết cuộc thì khác nhau về tao ngộ.

Trên lịch sử Trung Quốc, Mạnh Tử đã giành được một địa vị chỉ có dưới một nấc, so với Khổng Tử, sách “Mạnh Tử” được liệt vào mười ba kinh thư, mà tầng lớp trí thức cổ kim, ai nấy đều nên học hỏi theo truyền thống. Còn sách “Tuân Tử” thì trái lại, không được người đời coi trọng, thậm chí có chỗ còn bị coi như dị đoan.

Xét ra thì có hai nguyên nhân, tạo nên hiện lượng bất thường này: Một là, vì Tuân Tử đề ra “Tính ác”, ngược lại với “Tính thiện” của Mạnh Tử; hai là, có hai đệ tử của Tuân Tử sau này, là Hàn Phi cùng Lý Tư, đều là nhân vật chủ chốt, trong thế cuộc dẫn tới bạo chính của nhà Tần.

(…)
Tuy nhiên, người ta công nhận, giữa Mạnh Tử và Tuân Tử cũng có nhiều điểm tương đồng sau đây:
(a) Cả hai đều tôn sùng Chu công và Khổng Tử, và có ý thức quý dân hơn vua.
(b) Đều nhấn mạnh, tánh cách quan trọng của đạo đức và nhân phẩm con người.
(c) Khinh miệt thuyết “hợp tung”, “liên hoành” của Tô Tần và Trương Nghi.
(d) Phê phán rất nghiêm khắc các học thuyết khác đương thời”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.