Quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi (NVT) đã được chính quyền thành phố đưa ra. Tuy nhiên, làm thế nào để cây cầu này trở thành điểm đến văn hóa lịch sử, du lịch của thành phố vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều...
Bộ hồ sơ sửa chữa cầu NVT do kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Khoa học-kỹ thuật cầu đường Đà Nẵn, giữ từ năm 1998. Ảnh: Hoàng Nhung |
Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi
Gần 50 năm trước, cầu NVT (tên gọi hiện nay) ra đời với mục đích phục vụ giao thông hai bờ đông-tây sông Hàn. Vì vậy, khi thành phố quyết định cải tạo cây cầu này thành cầu đi bộ để phục vụ du lịch, điều các công ty lữ hành băn khoăn là, cầu NVT sẽ có gì để thu hút du khách?
Ý tưởng cải tạo cầu NVT thay vì phá bỏ nó cho thấy Đà Nẵng rất quan tâm đến giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình tồn tại của cây cầu này trên dòng Hàn giang. Do đó, trước khi thực hiện những giải pháp về kiến trúc, dịch vụ, ẩm thực để thu hút khách, Đà Nẵng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực như kiến trúc, giao thông, du lịch, quản lý đô thị, môi trường, bảo tàng… Bởi nhiều năm nay, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào du lịch đã được rất nhiều địa phương thử nghiệm song vẫn chưa thật sự hiệu quả do mối liên kết này còn khá lỏng lẻo.
Ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được chỉ đạo của thành phố về việc tham gia góp ý xây dựng, cải tạo cầu NVT. Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn khi Đà Nẵng đang có chủ trương cải tạo cầu NVT thành cầu đi bộ, phục vụ du lịch và cũng là điểm đến lịch sử, văn hóa của nhân dân thành phố. Theo ông Nhơn, cầu đi bộ cần có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố về không gian, cảnh quan cũng như các hoạt động phụ trợ phong phú, đặc sắc. Ví như tổ chức dịch vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm, sản phẩm văn hóa truyền thống cần có tính chuyên nghiệp, tránh việc “bạ đâu làm đấy”, “thích gì làm nấy”, cái gì cũng có thể đem ra bày bán...
Nếu xây dựng cầu đi bộ, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng góp ý, có thể cải tạo cầu NVT thành cầu dù, cầu ánh sáng, cầu nghệ thuật, cầu hoa, cầu hẹn hò và thay đổi theo mùa hoặc theo năm, trở thành nơi cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh, hội họa tác nghiệp phục vụ du khách. Hằng đêm, có không gian nghệ thuật đường phố, những buổi hòa nhạc cuối tuần, hát hò khoan đối đáp, hát bài chòi... Bên cạnh đó, nên dựng lên hệ thống trồng hoa leo ngũ sắc, mời gọi các nhà tài trợ tặng dù quảng cáo. Hình ảnh cả ngàn cây dù đủ sắc màu dựng lên phục vụ mua bán ngẫu nhiên trở thành một nghệ thuật xếp đặt màu sắc cuốn hút…
Quan điểm nhà kinh doanh du lịch – văn hóa
Trước thông tin thành phố quyết định cải tạo cầu NVT thành cầu đi bộ phục vụ du khách đến Đà Nẵng, ông Đặng Văn Bảo, Giám đốc DaNang Seven Travel cho rằng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cần chuẩn bị những nội dung liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển cầu NVT, kết hợp với việc thông báo những gì các công ty lữ hành được phép làm khi dẫn khách đến tham quan. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc đưa khách đến, hai bên đầu cầu cần xây dựng các bãi đỗ ô-tô, tạo môi trường cũng như quan cảnh lịch sử để hướng dẫn viên có thông tin giới thiệu với du khách.
Một số công ty lữ hành lo ngại rằng, thật khó để có thể cải tạo cầu NVT vừa là điểm đến lịch sử, văn hóa của thành phố, vừa trở thành cầu đi bộ phục vụ du khách với nhiều loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, điểm dừng chân. Bởi vì, nếu là điểm đến lịch sử, văn hóa, cầu NVT cần giữ nguyên trạng, không nên thêm quá nhiều chi tiết mới, có bảng thông tin về lịch sử cây cầu để du khách tiện tìm hiểu. Nếu là cầu đi bộ, cần đáp ứng đầy đủ những yếu tố về không gian, ánh sáng, an ninh trật tự, loại hình vui chơi giải trí phong phú, cuốn hút.
Về phố đi bộ, dẫn lời anh Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty CP Du lịch Việt Nam –
Vitours, việc xây dựng phố đi bộ cần chú ý đến các loại hình vui chơi, giải trí, lắp đặt đèn trang trí. Anh Tùng đơn cử, ở Trung Quốc, các phố đi bộ quy mô và thu hút du khách phải kể đến Vương Phủ Tỉnh, Nam Kinh Lộ, là những nơi tập trung nhiều hàng hóa, dịch vụ nhất. Riêng Nam Kinh Lộ còn hấp dẫn du khách bằng những tiết mục biểu diễn nghệ thuật sắp đặt, nghệ sĩ thổi kèn hoặc nghệ sĩ trong trang phục rối cao khều đi qua lại trên đường để khách chụp hình lưu niệm… Nếu cầu NVT chỉ là một địa chỉ lịch sử cần tôn tạo, giữ gìn nguyên bản, thì liệu du khách có hứng thú đến tìm hiểu hay không?.
Trong khi đó, ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng, cầu NVT cần được tôn tạo nguyên dạng, lập hồ sơ xếp hạng và gắn bia di tích lịch sử cho cầu. “Một cây cầu lịch sử nằm bên một cây cầu hiện đại sẽ làm cho Đà Nẵng càng đẹp hơn, có chiều sâu hơn trong mắt mọi người”, ông Mai nói.
Đà Nẵng đang xây dựng mục tiêu phát triển du lịch đường sông với mong muốn kéo dài thời gian lưu trú của khách, cũng như tăng sự hấp dẫn trong sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, một điều ai cũng dễ nhận thấy rằng, nếu xây dựng tuyến du lịch đường sông, cầu NVT buộc phải có phương án nâng một nhịp cầu lên khi có tàu du lịch đi qua. Liệu, phương án nâng nhịp cầu, cộng với những nét mới khi cải tạo cầu đi bộ có phá vỡ không gian lịch sử, văn hóa mà cầu NVT đang có?!
TIỂU YẾN