Người xưa có nói rằng: khi trẻ đọc sách như ngắm cánh chim bay qua cửa, khi lớn đọc sách như thưởng trăng mùa thu, khi già đọc sách như nghỉ trưa dưới cây tùng…
Người đọc sách phải trải qua ba “cửa ải”: Nhận biết, thưởng thức và chiêm nghiệm. |
Đọc sách đừng như cưỡi ngựa xem hoa
Gần ba mươi năm có điều kiện tiếp cận với học sinh bậc phổ thông, chúng tôi nghiệm ra rằng, việc đọc sách chiếm một thời lượng khá lớn trong quá trình mười hai năm đèn sách. Đọc sách là công việc của cả một đời người. Đọc sách giáo khoa để học bài làm bài, đọc sách tham khảo để thu thập thêm kiến thức, đọc sách để giải trí… Có bao nhiêu cuốn sách đi qua cuộc đời mỗi con người, không ai có thể nhớ hết nhưng lượng kiến thức còn đọng lại sẽ góp phần hoàn thiện con người về mọi mặt.
Nếu có dịp đến những nhà sách lớn ở Đà Nẵng như Phương Nam, Fahasa, Bạch Đằng, cửa hàng sách ở siêu thị BigC… sẽ mục sở thị cảnh rất nhiều thanh-thiếu niên đứng ngồi la liệt say sưa đọc sách “cọp”. Tinh thần say mê sách ấy thật đáng nể, nhưng trong một lượng thời gian ngắn, người qua kẻ lại tấp nập liệu các em còn lại những gì sau khi gấp lại trang sách? Các nhân viên quản thư ở thư viện các trường phổ thông cũng không thể nào hiểu nổi khi có học sinh đọc một lèo mấy cuốn sách dày cộp trong một ngày…
Hầu như đa số học sinh đều có thói quen đọc bất cứ quyển sách nào vớ được, đọc một cách ngấu nghiến để nhanh chóng biết được cái kết cuối cùng để rồi sau đó là… quên lãng. Cá biệt, có một số học sinh tiểu học đã đọc gần trăm đầu sách đông tây kim cổ như Thủy Hử, Đông Châu liệt quốc, Hồng Lâu mộng, Trà hoa nữ, Những người khốn khổ… Tìm hiểu ra mới biết, bố mẹ đi làm cả ngày, con cái ngoài giờ đến trường bị “nhốt” trong nhà nên giết thời gian bằng việc... đọc hết tủ sách của bố mẹ.
Việc đọc sách mà không ghi chép như là cưỡi ngựa xem hoa và đã thành thói quen cố hữu không riêng gì học sinh mà cả người lớn, nhất là trong thời đại thông tin hiện nay, chỉ cần nhấp chuột, hay bấm phím điện thoại là có ngay điều cần biết. Tuy nhiên cái tâm lý ỷ lại ấy rất tai hại cho việc hình thành “bộ nhớ” ở vỏ não mỗi người khi mà việc sở hữu kiến thức mới là điều quan trọng trong suốt quá trình đọc sách.
Người biết đọc sách thì cái gì cũng là sách
Không ít học sinh thú nhận rằng, đọc nhiều nhưng hiểu chẳng bao nhiêu, hoặc đọc rồi lại quên ngay chẳng nhớ được gì. Điều đó cũng không có gì lạ, bởi không có cách đọc đúng thì không hiểu và không nhớ như một lẽ tất nhiên.
Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, bậc trung học có một tiết học về phương pháp đọc sách nhằm giúp các học sinh cách đọc sách khoa học và hiệu quả. Tuy nhiên, một tiết học khó có thể gọi là đủ cho một quá trình đọc sách suốt một đời người. Vì vậy, thầy cô giáo và phụ huynh phải có trách nhiệm theo dõi và uốn nắn kịp thời việc đọc của con em mình. Nếu các em có cách đọc tốt sẽ tích lũy được lượng kiến thức dồi dào và hữu ích. Ngược lại sẽ lãng phí thời gian vô ích và không khéo sẽ đi đến chỗ loạn kiến thức.
Việc hướng dẫn các em đọc sách giáo khoa để thẩm thấu kiến thức là việc làm thường xuyên trong suốt cả quá trình giảng dạy. Sau đó áp dụng tri thức ấy vào bài luyện tập tại lớp cũng như về nhà. Đặc biệt, trước tình hình loạn sách tham khảo như hiện nay, thì thầy cô giáo là người định hướng và giới thiệu cách chọn các đầu sách có chất lượng. Đọc phải kết hợp với ghi chép và đối chiếu thì mới có cái nhìn đánh giá và khái quát vấn đề. Hoặc giả có thể đọc mục lục trước, sau đó chọn vấn đề cần đọc để tránh lãng phí thời gian. Đối với các tác phẩm văn học, bên cạnh việc phát hiện các tầng nghĩa của văn bản thì việc rèn cách cảm thụ thẩm mỹ cũng không kém phần quan trọng đối với người đọc sách… Việc này lâu nay vẫn được xem là tùy tâm, tùy hỷ bởi với một chương trình dạy và học nặng nề như hiện nay, thầy cô giáo khó có đủ thời gian cho những vấn đề ngoài nội dung bài học.
Người xưa có nói rằng: Khi trẻ đọc sách như ngắm cánh chim bay qua cửa, khi lớn đọc sách như thưởng trăng mùa thu, khi già đọc sách như nghỉ trưa dưới cây tùng… Xem thế, việc “biết đọc sách” quả một quá trình chiếm lĩnh tri thức không mấy dễ dàng đối với bất cứ ai, không riêng gì học sinh, sinh viên.
Nghiệm lại câu nói của người xưa mới thấm thía rằng, người đọc sách phải trải qua ba “cửa ải”: Nhận biết, thưởng thức và chiêm nghiệm. Để đạt được cảnh giới cuối cùng đòi hỏi người đọc phải có kỹ năng và phương pháp đọc sách một cách khoa học, đúng đắn. Hãy là người biết đọc sách, như nhà thơ, nhà văn Trương Trào (Trung Quốc) đã nói từ hơn 3 thế kỷ trước: Người biết đọc sách thì cái gì cũng là sách.
Hungary: Văn hóa đọc từ thư viện Mặc dù diện tích của Hungary chỉ rộng 93.000 km2, nhưng quốc gia này lại có gần 20.000 thư viện, trung bình cứ 500 người được sở hữu một thư viện. Trong khi tại Trung Quốc, cứ 459.000 người mới có 1 thư viện. Trung bình mỗi năm, 1 người Hungary mua 20 cuốn sách, số người đọc sách quanh năm ở quốc gia này lên tới trên 5 triệu người, chiếm trên 25% dân số cả nước. Theo thống kê, đến nay Hungary đã có 14 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Thập kỷ 1980 được coi là thời đại phát minh hoàng kim của người Hungary, trung bình mỗi năm có trên 400 phát minh được cấp bằng sáng chế. P.V (sưu tầm) |
NHƯ HẠNH