Khi Melissa, 21 tuổi kết thúc công việc vào cuối mỗi ngày, cô trở về nghỉ ngơi trong một chiếc xe rơ-moóc nhỏ nằm ở phía bắc thủ đô Paris (Pháp). Dù chỉ là chiếc rơ-moóc nhưng được Melissa gọi là “nhà”. Melissa giọng buồn bã cho biết, khi rời gia đình ra lập nghiệp thì chỉ có chiếc rơ-moóc này làm “nhà riêng”. Giấc mơ của Melissa là có được căn hộ cho gia đình nhỏ của mình đã tan biến khi cô và cả chồng cô đều mất việc làm. Cô phải làm tạm trong siêu thị, còn chồng cô trở thành công nhân quét đường suốt nhiều tháng nay nhưng chưa tìm được công việc có lương khá hơn. Nếu Mellissa buồn một thì những hàng xóm cùng tuổi cô buồn mười. Xung quanh “nhà” của Melissa rất nhiều người không có nổi chiếc rơ-moóc nên đành dựng lều bạt thay nhà sinh sống hằng ngày.
Cuộc sống của người dân châu Âu ngày càng khó khăn hơn. |
Cuộc khủng hoảng đồng euro tạm yên lặng nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài. Hàng trăm nghìn người ở châu Âu vẫn chịu cảnh lấy lều trại làm nhà, sống trong những chiếc xe được cải tạo lại hay những căn phòng khách sạn giá rẻ. Hàng triệu người phải chia sẻ không gian sống với người thân vì không có tiền để cải thiện điều kiện căn bản của cuộc sống! Chính phủ nhiều nước châu Âu phản ứng trước tình trạng khó khăn bằng cách cắt giảm mạnh chi tiêu để tránh thâm thủng ngân sách, đồng thời đẩy lực lượng lao động vào những công việc có thu nhập thấp hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm cho hệ thống phúc lợi của nhiều nước ở châu Âu không đáp ứng nổi khả năng cung cấp thu nhập cơ bản, chăm sóc y tế và trợ cấp nhà cửa như trước.
Fitoussi, một giáo sư kinh tế ở châu Âu đánh giá Pháp là một nước giàu có, nhưng người lao động nghèo giờ đây sống trong điều kiện như ở thế kỷ 19. Họ không có tiền sưởi ấm, không có tiền mua quần áo cho con. Thỉnh thoảng vẫn có tình trạng 5 người ở trong căn hộ chỉ 9m2. Theo thống kê, trong năm 2010, có tới 8,2% người lao động ở 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu sống dưới mức nghèo 10.240 euro/năm. Riêng ở Tây Ban Nha và Hy Lạp tỷ lệ này cao gấp đôi. Năm 2006, tỷ lệ này là 7,3%. Các nhà kinh tế và các nhóm quan sát cảnh báo rằng tình trạng giới trẻ bị mắc kẹt trong những công việc thu nhập thấp có xu hướng xấu hơn nếu như chính phủ các nước không tìm cách nhanh nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính để tạo nhiều việc làm, cải thiện tình hình.
ANH THƯ