.

Nỗi lo chất thải công nghiệp

.

Trạm xử lý nước thải (XLNT) hoạt động quá công suất; Công nghệ xử lý cũ kỹ, lạc hậu. Doanh nghiệp (DN) cố tình né tránh việc đấu nối vào hệ thống thu gom cũng như ký hợp đồng và trả phí. Một số DN cố tình xả chui; Người dân sống quanh khu công nghiệp (KCN) luôn phải chịu ô nhiễm… Đó là những điều vẫn được nhắc tới về tình hình nước thải ở các KCN hiện nay.

Chất lượng nước thải sau xử lý tại Trạm XLNT Thủy sản Thọ Quang vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chất lượng nước thải sau xử lý tại Trạm XLNT Thủy sản Thọ Quang vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Điệp khúc “hứa suông”

Cuối tháng 3 vừa qua, hàng trăm người dân thuộc 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang lại kéo đến bao vây 2 nhà máy thép là Công ty CP thép Thái Bình Dương (KCN Thanh Vinh mở rộng) và Dana-Ý (KCN Hòa Khánh mở rộng), yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động. Theo ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, 5 năm qua, người dân 2 thôn này luôn phải sống chung với ô nhiễm từ khói, bụi hay thường xuyên “bị tra tấn” bởi tiếng ồn phát ra từ nhà máy. Thậm chí, trong những giờ cao điểm, người dân phải chui vào mùng ăn cơm để tránh bụi. Sau nhiều lần họp, hai công ty cam kết sẽ giảm tiếng ồn và bụi bặm nhưng thực tế họ không thực hiện.

Dẫn chúng tôi ra sau hè, nơi cách nhà máy thép Dana-Ý vỏn vẹn một bức tường rào, ông Võ Phi Hùng, tổ 3, Vân Dương 2 gay gắt: “Tiếng ồn phát ra từ nhà máy thật kinh khủng, cả ngày lẫn đêm gia đình tôi không thể ngả lưng, ngủ nghỉ gì được. Tôi có hai con, đứa nhỏ mới 2 tuổi nhưng phải gửi chúng sang “lánh nạn” ở nhà ngoại. Mấy năm nay, chính quyền hứa sẽ giải tỏa, tái định cư cho dân nhưng đến nay chưa nhúc nhích gì”.

Trước bức xúc của người dân, ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu hai nhà máy thép phải có lộ trình khắc phục khói, bụi, tiếng ồn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thành việc giải tỏa dân trước ngày 30-6 và giao đất tái định cư cho dân vào tháng 7 và 8-2012. Nếu người dân thấy quá ô nhiễm, có thể đi thuê chỗ ở trước rồi huyện sẽ kiến nghị UBND thành phố chi trả tiền thuê nhà sau.

Tuy nhiên, người dân ở đây cho rằng, giải tỏa đền bù phải có chỗ ở. Không thể bắt dân đi thuê nhà ở trước rồi chờ đợi thành phố trả tiền lại. Bởi bao giờ trả, trả như thế nào và trả bao nhiêu thì chưa nghe ai nói đến.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Nghĩa Tín, Tổng giám đốc công ty cổ phần thép Dana-Ý cho biết, để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm về khói, bụi và tiếng ồn từ phía nhà máy, hiện nhà máy đã đầu tư 3 hệ thống xử lý bụi để giảm bớt lượng bụi thải ra môi trường. Tuy nhiên về tiếng ồn thì rất khó giảm vì đó là tiếng động đặc thù của DN sản xuất thép.

Trạm XLNT lúng túng vì… nước thải

Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nêu rõ: khu công nghệ cao, KCN và cụm công nghiệp phải có nhà máy XLNT tập trung. Chủ đầu tư các nhà máy XLNT tập trung phải thiết kế lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với lưu lượng nước thải, các thông số pH, COD, TSS và một số thông số đặc trưng khác trong nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận…

Nằm sát nhà máy thép, cuộc sống người dân thôn Vân Dương 2 bị đảo lộn từ nhiều năm nay. (Ảnh: V.T.L)
Nằm sát nhà máy thép, cuộc sống người dân thôn Vân Dương 2 bị đảo lộn từ nhiều năm nay.                                                                                                                                 (Ảnh: V.T.L)

Dựa vào đó, Sở TN&MT Đà Nẵng quy định những DN có nước thải công nghiệp phải xử lý cục bộ ít nhất là đạt loại C mới chuyển về hệ thống XLNT tập trung để xử lý thêm một bước, đạt tiêu chuẩn B (theo TCVN 5945-1995) trước khi thải ra ngoài môi trường.

Tuy nhiên, thông tin từ công ty URENCO, đơn vị vận hành trạm XLNT KCN Hòa Khánh cho biết, hầu hết các DN tại KCN Hòa Khánh, KCN Liên Chiểu đều không có trạm xử lý sơ bộ nên một lượng lớn nước thải độc hại từ các nhà máy cơ khí mạ, dệt, nhuộm, giấy… chuyển thẳng về trạm trong thời gian ngắn, khiến công nghệ xử lý vi sinh của trạm bị tê liệt, không thể hoạt động. Để khắc phục, đơn vị phải bổ sung thêm hệ thống xử lý hóa sinh để hạn chế chất độc hại của nước thải trước khi xả ra hệ thống kênh hở, đường 4, KCN Hòa Khánh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc URENCO, Chi nhánh Đà Nẵng giải thích: “Khi xây dựng trạm, với công nghệ vi sinh chỉ đáp ứng nhu cầu XLNT đầu vào đạt chuẩn A, B. Tuy nhiên, lưu lượng cũng như tải lượng nước thải dẫn về trạm không ổn định và quá cao so với năng suất thiết kế của trạm. Nồng độ ô nhiễm của nước thải đầu vào biến động mạnh và tăng đột biến về các thông số. Điều này khiến đơn vị không khỏi lúng túng trong quá trình xử lý, dù hiện tại, trạm chỉ hoạt động khoảng 50% công suất”.

Một trường hợp khác là trạm XLNT thủy sản Thọ Quang. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 7-2010 với công nghệ xử lý hóa sinh nhằm bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại B. Tuy nhiên, do XLNT theo công nghệ cũ, lạc hậu, một số bộ phận xây dựng không đúng quy chuẩn… nên trạm này lại là nơi phát sinh mùi hôi, khó xử lý khi xảy ra sự cố, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Trước tình trạng này, 2 năm qua, hàng chục hộ dân ở các phường Mân Thái, Thọ Quang thường xuyên kéo đến ngăn cản việc vận hành, đòi đập bỏ trạm hoặc yêu cầu trạm phải  bảo đảm môi trường sống cho người dân. Đỉnh điểm ô nhiễm là năm 2011, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ môi trường Quốc Việt (Công ty Quốc Việt), đơn vị vận hành trạm bị UBND thành phố xử phạt hành chính 150 triệu đồng do những vi phạm về ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, hiện 100% DN tại KCN Thủy sản Thọ Quang đã đấu nối vào hệ thống XLNT chung, nâng lượng nước thải cần phải xử lý tại trạm dao động từ 3.000 - 4.500m3/ngày đêm. Trong khi đó, công suất thiết kế của trạm chỉ đạt 3.000m3 nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, khiến chất lượng nước thải sau xử lý không đạt chuẩn quy định. Trước những vi phạm thường xuyên của Công ty Quốc Việt, từ ngày 30-3, Sở đã thu hồi dự án, bàn giao trạm XLNT Thủy sản Thọ Quang cho Công ty Thoát nước và XLNT Đà Nẵng và sau đó là Công ty phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng tiếp nhận và vận hành.

Về công tác tại Trạm XLNT Thủy sản Thọ Quang từ đầu tháng 4, anh Nguyễn Ngọc Sơn, Phụ trách trạm không khỏi lo lắng: Hiện 7 máy sục khí của trạm chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nên chất lượng nước thải sau xử lý không cao, chỉ đạt gần chuẩn B. Ở các điểm phát ra mùi hôi, đơn vị phải phun hóa chất xử lý. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải thay tấm bạt mới che phủ hồ kỵ khí rộng khoảng 2.000m2, kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Một số phương tiện vận hành cũ kỹ, lạc hậu cần phải thay mới. Chưa kể, theo quy định, trạm XLNT xây dựng cách khu dân cư 300m, có vùng đệm cây xanh, nhưng hiện nay, trạm chỉ cách vùng dân cư khoảng 50m và thiếu cây xanh.

Doanh nghiệp né tránh

Theo đánh giá của Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở các KCN trong thời gian qua phần lớn do nguồn nước thải độc hại từ các nhà máy, xí nghiệp… chưa được xử lý thải ra môi trường. Ngoài ra, một số DN còn cố tình né tránh việc đấu nối nước thải cũng như ký kết hợp đồng và trả phí XLNT.

Đơn cử tại KCN Hòa Khánh. Quyết định số 4163/UBND-QLĐTh của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành tháng 7-2010 yêu cầu tất cả DN đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh phải có trách nhiệm đấu nối nước thải của DN vào hệ thống XLNT tập trung. Kể cả những DN chỉ có nước thải sinh hoạt và nước thải đạt quy chuẩn QCVN 24:2009/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Nghiêm cấm hành vi xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa. Thế nhưng đến nay, KCN này chỉ có 76/139 DN tiến hành việc đấu nối vào hệ thống thu gom. Trong đó, 65 DN đã ký kết hợp đồng XLNT, còn 11 DN vẫn chưa chịu ký dù hằng ngày vẫn xả một lượng lớn nước thải công nghiệp vào trạm xử lý tập trung.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc URENCO nhấn mạnh, dù có 65 DN đã ký hợp đồng nhưng trên thực tế, chỉ 20 DN có nước thải chảy vào hệ thống XLNT qua đồng hồ. Vậy nước thải của 45 DN đấu nối kia đi đâu? Hay, việc đấu nối chỉ là cách DN đối phó với cơ quan chức năng, còn nước thải chưa xử lý từ nhà máy vẫn đổ ra môi trường bằng con đường khác?

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở KCN Hòa Khánh, KCN Thủy sản Thọ Quang… xảy ra trong thời gian dài, người dân phản ánh, chính quyền và ngành chức năng địa phương đều biết nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Ngay cả lực lượng công an đóng quân trên địa bàn KCN cũng tỏ ra lúng túng khi xảy ra vấn đề ô nhiễm. Như lời Trung tá Nguyễn Tấn Đức, Trưởng đồn Công an KCN Hòa Khánh, lực lượng công an ở đây không có chức năng xử lý các vi phạm về môi trường, vì thế, khi phát hiện DN vi phạm, chờ cơ quan chức năng đến nơi thì DN đã ngừng sản xuất, ngừng xả thải. Khi đó rất khó xử lý DN vì không có chứng cứ.

 Rõ ràng, vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên bức xúc và gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. DN luôn tìm cách tránh né khi đề cập vấn đề môi trường. Cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng khi xử lý những DN vi phạm. Các trạm XLNT ra đời nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Và, không biết bao lâu nữa, người dân sống quanh KCN mới thôi sống chung với ô nhiễm khi tất cả những biện pháp đưa ra hiện nay tỏ ra không hiệu quả.

 Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc URENCO cho biết, hiện có 10 DN tại KCN Hòa Khánh đang nợ tiền XLNT gần 1,2 tỷ đồng. Mặc dù URENCO đã nhiều lần liên hệ nhưng các DN trên vẫn tìm mọi lý do để khất nợ, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị. Hiện, mỗi tháng URENCO lỗ trên 100 triệu đồng khi vẫn phải XLNT do các nhà máy trên xả vào hệ thống XLNT chung của trạm. Để đối phó với các DN không chịu trả tiền phí XLNT, URENCO sẽ có biện pháp cứng rắn như ngừng cung cấp dịch vụ, không cho nước thải của DN đó đi vào hệ thống thu gom. Hệ lụy này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.